Hiệu quả nuôi cá trong bể nổi công nghệ cao

VIỆT QUANG 12/10/2023 08:45

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành, mô hình nuôi cá điêu hồng trong bể nổi công nghệ cao của ông Đỗ Tú Tài (thôn Phú Quý 1, xã Tam Mỹ Đông) đã thành công, đem lại giá trị kinh tế cao.

Mô hình nuôi cá điêu hồng trong bể nổi công nghệ cao của ông Đỗ Tú Tài. Ảnh: Q.VIỆT
Mô hình nuôi cá điêu hồng trong bể nổi công nghệ cao của ông Đỗ Tú Tài. Ảnh: Q.VIỆT

Bể nổi nuôi cá được ông Đỗ Tú Tài đầu tư khung sắt, vách thẳng đứng, cao hơn 1m so với mặt đất, lót bạt HDPE, bề mặt mềm trơn để không làm trầy xước cá, hạn chế rong bám xung quanh, giảm được công đoạn vệ sinh bể và hạn chế bệnh đường ruột do cá không phải ăn chất bẩn.

Bể được chống thấm, không thẩm thấu nước bên trong và bên ngoài, gom tất cả các chất thải vào hệ thống xi phông giúp người nuôi quản lý môi trường tốt, hạn chế tối đa vi khuẩn, nấm có hại, giúp cá điêu hồng sinh trưởng tốt.

Với 9 bể nổi, ông Tài dùng 2 bể để ương nuôi cá giống, 1 bể để lắng lọc nước và 6 bể nuôi cá thương phẩm. Trong mỗi bể nuôi cá có diện tích 200m2, ông Tài thả nuôi 20 nghìn con giống cá điêu hồng, mỗi vụ nuôi 6 - 8 tháng, thu hoạch 4 - 5 tấn/bể.

“Tôi sử dụng chế phẩm sinh học để nuôi cá an toàn, không dùng kháng sinh, cá sạch đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi 10.000 đồng/kg cá điêu hồng thương phẩm” - ông Tài nói.

Quy trình kỹ thuật nuôi cá điêu hồng ông Tài đang áp dụng là nuôi cá 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ lúc thả con giống đến 30 ngày, chuyển sang giai đoạn 2 tiếp tục nuôi thêm 30 ngày và giai đoạn 3 kế tiếp nuôi cho đến khi thu hoạch cá thương phẩm.

Theo ông Trần Văn Hồ - cán bộ phụ trách nông nghiệp của UBND xã Tam Mỹ Đông, so với nuôi cá trong lồng bè trên sông, nuôi cá trong bể nổi của ông Tài có nhiều thuận lợi như giảm tỷ lệ hao hụt cá, giảm chi phí thức ăn, không sợ nước nhiễm mặn, tác động xấu của bão lũ, thiên tai.

Mô hình đã cho kết quả thành công vì chủ động nguồn thức ăn công nghiệp, kiểm soát được nguồn nước trong bể bằng hệ thống máy móc hiện đại. Cá mau lớn, tỷ lệ sống cao và ít bệnh hơn so với nuôi cá theo truyền thống. Sản phẩm cá đạt chất lượng cao, đồng đều và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Đặng Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Núi Thành đánh giá mô hình của ông Tài cho hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình nuôi, cá thích nghi, sinh trưởng phát triển tốt.

Có thể áp dụng để nuôi một số giống cá khác như cá rô phi, các loại cá nước lợ như cá đối mục, cá măng. Sản phẩm có đầu ra ổn định nên giá cả luôn được đảm bảo mang lại lợi nhuận cao cho hộ.

Ông Quang kiến nghị UBND huyện Núi Thành tiếp tục bố trí kinh phí để trung tâm thực hiện thêm và nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học theo hướng bền vững, truy xuất nguồn gốc và nâng cao chuỗi giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu quả nuôi cá trong bể nổi công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO