Thời gian qua, phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” được Mặt trận và các tổ chức thành viên trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, triển khai đạt nhiều kết quả nổi bật.
Đoàn kết xây dựng nông thôn mới
Năm 2017, thôn 2 (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) tổ chức thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Nhà sạch - ngõ đẹp - kinh tế gia đình hiệu quả” nhằm đoàn kết, vận động các hộ dân tập trung cải tạo vườn, chỉnh trang cổng ngõ… làm đẹp làng quê, nâng cao đời sống.
Ông Đào Minh Chỉnh - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 2, Chủ nhiệm CLB “Nhà sạch - ngõ đẹp - kinh tế gia đình hiệu quả” cho biết, khi mới thành lập, CLB chọn xóm Bàu triển khai làm điểm.
Đồng thời lựa chọn thành viên nòng cốt là các cụ cao niên có kinh nghiệm làm vườn, các hộ có điều kiện về kinh tế để tuyên truyền, vận động triển khai cải tạo vườn, sắp xếp bờ đá, làm cổng ngõ, trồng chè tàu, cây ăn quả gắn với phát triển chăn nuôi.
Thành viên CLB đến nay có 30 người, tham gia sinh hoạt hàng tháng. Tại buổi sinh hoạt, nhiều lần ban chủ nhiệm CLB tổ chức chiếu các thước phim phản ảnh kết quả thực tế triển khai cải tạo vườn ở những hộ tiêu biểu để mọi người cùng chia sẻ, tham khảo và học hỏi kinh nghiệm.
Qua thống kê, các hộ dân thôn 2 đã chất hơn 10.000m3 đá làm bờ đá, tham gia 12.500 ngày công, trồng 1,7km chè tàu, cây xanh, 15 nghìn cây ăn quả… trong vườn nhà. Đến nay, toàn thôn có hơn 30 mô hình chỉnh trang cải tạo vườn tạp gắn với phát triển chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, nhân dân trong thôn tích cực hưởng ứng thực hiện tốt các chủ trưởng của địa phương. Nội lực trong cộng đồng được phát huy, nhất là hiến đất, vật kiến trúc, cây cối… làm bê tông giao thông, xây dựng các công trình góp phần thay đổi diện mạo làng quê.
Ông Chỉnh chia sẻ: “CLB là sân chơi bổ ích dựa trên tình thần tự nguyện, tự giác, đồng thuận, đồng lòng. Qua hoạt động, đã tạo cho mỗi người có nhận thức, tư duy mới và tinh thần vì cộng đồng.
Ý tưởng đoàn kết sáng tạo gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh thông qua hoạt động của CLB “Nhà sạch - ngõ đẹp - kinh tế gia đình hiệu quả” góp phần thay đổi cảnh quan môi trường sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng hộ khá giàu”.
Chung tay thực hiện
Ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn triển khai từ năm 2018.
Giai đoạn 2018 - 2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn Hội Nông dân tỉnh và xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) tiến hành làm điểm triển khai, tập trung chủ yếu nội dung thi đua “Đoàn kết sáng tạo”, nâng cao năng suất lao động ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, đơn vị sản xuất kinh doanh, hộ gia đình…
Sau thời gian thí điểm, thực hiện hướng dẫn của trung ương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên ban hành Kế hoạch số 179 ngày 6/9/2022 triển khai thực hiện phong trào “Đoàn kết sáng tạo” trên địa bàn tỉnh.
“Phong trào nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo, năng lực tư duy của các tầng lớp nhân dân trong các lĩnh vực lao động, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống” - ông Bình cho biết.
Từ đó đến nay, phong trào từng bước triển khai ở các địa phương, đơn vị. Mặt trận các địa phương đã tổ chức tập huấn, hiệp thương phân công trách nhiệm cho từng tổ chức thành viên; tổ chức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm việc thực hiện điểm phong trào.
Một số địa phương triển khai phong trào “Đoàn kết sáng tạo” gắn thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tiêu biểu như mô hình “Tuyến đường tự quản gắn cơ sở thờ tự các tôn giáo” của Phú Ninh; mô hình “Vườn ươm nông thôn mới” của Điện Bàn...
Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên đã triển khai phong trào “Đoàn kết sáng tạo” đạt nhiều kết quả nổi bật. Bà Trần Thị Mỹ Phương - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, các cấp hội đã duy trì và nhân rộng nhiều mô hình như “Một ngày vì phụ nữ nghèo”, “Bữa cơm từ thiện”, “Tủ áo tình thương”....
Đồng thời, ra mắt nhiều mô hình mới, qua đó kết nối, vận động tiết kiệm hơn 2,8 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ phụ nữ nghèo, trẻ em mồ côi, khó khăn tại cơ sở.
Theo ông Lê Thái Bình, để triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” trong thời gian đến, hàng năm, Ban Thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương cần chủ động tham mưu cấp ủy chỉ đạo, phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai thực hiện phong trào rộng khắp.
Chủ trì, hiệp thương xây dựng chương trình phối hợp kết nối các phong trào thi đua sáng tạo của các tổ chức thành viên với phong trào “Đoàn kết sáng tạo”; phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình đoàn kết sáng tạo trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình...
Hướng dẫn tổ chức đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa ban hành Hướng dẫn số 29 về tổ chức đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Theo đó tập trung vào các nội dung chính như: hướng dẫn về văn kiện, nhân sự, chủ đề, khẩu hiệu, chương trình đại hội; tổ chức hội nghị ban công tác mặt trận; tổ chức đại hội điểm; tổ chức đại hội đối với những đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025.
Liên quan đến công tác nhân sự đại hội, ngoài thực hiện theo hướng dẫn trung ương và các chỉ thị của cấp ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lưu ý: “Về cơ cấu thành phần ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp: Ưu tiên thành phần là cá nhân tiêu biểu, người có uy tín, kinh nghiệm thực tiễn, có chuyên môn sâu trên các lĩnh vực (đại diện tộc họ; đại diện hội đồng hương; già làng, chức sắc, chức việc tiêu biểu các tôn giáo; kiều bào ở nước ngoài, cán bộ, công chức, lãnh đạo địa phương nghỉ hưu..) tâm huyết, tự nguyện tham gia công tác mặt trận.
Chỉ cơ cấu một số ủy viên đại diện cơ quan nhà nước cùng cấp có quan hệ trực tiếp đến công tác mặt trận. Những địa phương có nhiều thành phần dân tộc và tôn giáo, cần tăng hợp lý số lượng ủy viên đại diện của các dân tộc, tôn giáo tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp mình”. (V.ANH)
Quảng Nam điều chuyển 1 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về ủng hộ chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên, đến nay Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã điều chuyển tổng số tiền 1 tỷ đồng về Ban vận động Quỹ vì người nghèo trung ương để hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên.
Số tiền này được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam điều chuyển qua 2 đợt, đợt 1 là 600 triệu đồng và đợt 2 là 400 triệu đồng. Nguồn kinh phí này do các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong tỉnh đóng góp, ủng hộ.
Trước đó, tại Lễ phát động ủng hộ xây dựng nhà đại đoàn kết tại tỉnh Điện Biên vào ngày 13/5/2023, Quảng Nam đã hưởng ứng, đăng ký ủng hộ 1 tỷ đồng (tương ứng với 20 căn nhà), mỗi nhà hỗ trợ 50 triệu đồng. (VINH ANH)
Nghĩa tình với Tây Giang
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An vừa tổ chức chương trình “Tây Giang - Mùa đông ấm áp” năm 2023 nhằm thăm hỏi, chia sẻ khó khăn với người dân huyện Tây Giang. Tại chương trình, Ủy MTTQ Việt Nam TP.Hội An phối hợp với Hội Thiện nguyện “Tươi sáng Hội An” trao tặng 100 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện Tây Giang.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An thay mặt nhân dân TP.Hội An chia sẻ khó khăn với người dân huyện Tây Giang, đồng thời cho biết Mặt trận 2 địa phương sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò cầu nối, góp phần bồi đắp, phát huy truyền thống kết nghĩa, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai địa phương. (TÂM ĐAN)