Các xã cánh tây trên địa bàn huyện Thăng Bình do có đồi núi nên không thể xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đã tự xây dựng mô hình cánh đồng tập trung với diện tích nhỏ nhưng đem lại hiệu quả lớn.
Nhìn 3 sào ruộng đang chuẩn bị gặt, ông Trần Viết Thùy (thôn Xuân Thái Đông, xã Bình Định Bắc) rất phấn khởi. Mấy năm trước, ông Thùy phải đi nhiều nơi để thăm đồng. Rồi sạ từng giống một, gia đình chỉ có một sân phơi nên gặt xong phải để riêng từng giống. Từ khi xã xây dựng cánh đồng tập trung, 3 sào ruộng của gia đình ông chỉ sạ duy nhất giống Khang Dân 18. UBND xã Bình Định Bắc hỗ trợ 30% giá giống, phân bón, thuốc trừ sâu và hướng dẫn cách sạ hàng. Hiện nay, 3 sào lúa của ông Thùy sắp thu hoạch. Ông Trần Viết Thùy cho biết, so với mọi năm thì năng suất của 3 sào này cao gấp 3 lần so với năm trước.
Ông Trần Viết Thùy thăm đồng lúa của gia đình. Ảnh: Tân Biên |
Cũng canh tác 7 sào ruộng tại cánh đồng tập trung này, bà Nguyễn Thị Vui nói: “Mấy năm trước cũng mấy sào ruộng nhưng tốn công lắm. Do ruộng ở xa, ít thăm đồng nên chuột nó cắn phá hết. Gặt cũng chỉ vài ang lúa. Từ khi tham gia vào cánh đồng tập trung thì đỡ tốn công, chi phí đầu tư ít”.
Toàn xã Bình Định Bắc có gần 130ha diện tích sản xuất lúa. Dựa vào lợi thế của vùng sản xuất, cánh đồng thuộc tổ 4 thôn Xuân Thái Đông đã được lựa chọn thực hiện mô hình cánh đồng chuyên canh lúa chất lượng cao với 10ha trong vụ đông xuân năm 2013 - 2014. Đây là cánh đồng có mặt ruộng khá bằng phẳng, chất đất tốt, thuận tiện giao thông, thủy lợi. Bước đầu, UBND xã Bình Định Bắc đã hỗ trợ 30% giống, phân, thuốc từ vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và sau đó có cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn sạ hàng. Bà Phan Thị Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết: “Thực hiện sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng tập trung mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế và xã hội, đồng thời góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó từng bước đầu tư đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thăng Bình có hơn 100 cánh đồng tập trung được thực hiện tại các xã có địa hình đồi, núi dốc, bước đầu cũng đã đem lại niềm tin cho cho nhân dân. So với cánh đồng mẫu thì cánh đồng tập trung có diện tích nhỏ hơn. Đối với cánh đồng mẫu lớn, huyện Thăng Bình đã có cơ chế liên kết, khuyến khích hỗ trợ người dân. Còn cánh đồng tập trung thì chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ nào. Toàn bộ những xã trên địa bàn huyện Thăng Bình xây dựng cánh đồng tập trung hiện đang sử dụng ngân sách từ chương trình nông thôn mới của xã để hỗ trợ cho nhân dân. Ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết: “Thời gian đến, đối với cánh đồng tập trung, chúng tôi sẽ đề xuất thực hiện các giải pháp về quy hoạch, tập trung ruộng đất; công tác thủy lợi bảo đảm tưới, tiêu kịp thời; hỗ trợ nông dân giống; nghiên cứu, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng và phù hợp vào sản xuất; tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật”.
GIANG BIÊN - MINH TÂN