Cuối tuần rồi, trên đường lên trung tâm hành chính huyện Quế Sơn, Tư tôi tình cờ thấy vợ chồng anh Bảy Xuân Lư ở xã Quế Cường hì hục bưng những mủng bắp lai nặng trịch trút ra sân phơi nên dừng xe lại hỏi thăm chuyện mùa màng. Anh Bảy cho biết, gia đình anh có 4 sào đất canh tác lúa nhưng do hệ thống hồ đập, kênh mương chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên hàng chục năm qua vụ hè thu nào cũng phải bỏ ruộng hoang vì không biết tìm đâu ra nguồn nước tưới để đổ ải gieo sạ.
Được ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền địa phương vận động, hồi đầu tháng 6 dương lịch năm nay anh Bảy quyết định chuyển số diện tích đất lúa đó sang sản xuất giống bắp lai VN10 có khả năng chịu hạn tốt. Nhìn sân bắp lai vàng óng, anh không giấu được niềm vui: “Theo tui dự đoán, sau khi phơi phóng xong, có tệ mấy cũng thu về 12 tạ hạt bắp khô. Nếu bán với giá bình quân 1kg là 6.500 đồng thì tổng giá trị đạt được khoảng 7,8 triệu đồng, lãi ròng ít nhất 5,5 triệu đồng”. Ông Phan Quốc Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Cường cho biết, trước tình hình nắng hạn quá khốc liệt, đầu vụ hè thu 2016 rất nhiều hộ dân ở địa phương đã mạnh dạn chuyển 100 sào đất lúa không chủ động nước tưới sang gieo trồng các giống bắp lai và gần như toàn bộ những ruộng bắp trồng trên đất lúa đều cho hiệu quả cao.
Ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho hay, vì nắng hạn quá khốc liệt nên ngay từ cuối tháng 3.2016 dung tích nước của hàng loạt hồ chứa và đập dâng trên địa bàn huyện bị tụt giảm mạnh, khiến vụ hè thu này toàn huyện có đến 1.000ha đất lúa không gieo sạ được, chủ yếu nằm ở 7 xã gồm Quế Cường, Phú Thọ, Quế Thuận, Quế Châu, Quế Hiệp, Quế Phong, Quế Minh. Trước tình trạng đó, các đơn vị liên quan tập trung hỗ trợ nhà nông chuyển 700ha sang canh tác sắn, 186ha sang trồng bắp lai, số diện tích còn lại thì gieo mè và tỉa đậu phụng. Ông Châu nói: “Qua đánh giá tại những xã vừa nêu thì hầu hết mô hình sản xuất cây trồng cạn trên đất lúa đều mang lại kết quả khả quan. Theo thống kê, hè thu 2016 bình quân 1ha đất lúa chuyển đổi cho giá trị khoảng 28 - 40 triệu đồng. Nếu bỏ ruộng hoang thì nhà nông làm gì có mức thu nhập đó để mua gạo ăn, lo cho con cái học hành và bao chuyện phải không khác”.
TƯ RUỘNG