Thông qua chương trình kết nghĩa giữa các sở, ban ngành và các huyện đồng bằng với các huyện miền núi, các xã đặc biệt khó khăn, đã có hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cùng với nguồn vốn đầu tư của Trung ương, Chính phủ, nội lực của tỉnh, trong 3 năm gần đây, Quảng Nam có chương trình đầu tư, hỗ trợ cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiết thực và mang lại hiệu quả.
Tuyên truyền, vận động đồng bào Cơ Tu ở các thôn, bản tại các xã biên giới của huyện Nam Giang tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc là cách làm được duy trì thường xuyên của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh. Không chỉ tuyên truyền vận động bà con, thực hiện chương trình kết nghĩa, đến nay đã có hàng tỷ đồng, hàng ngàn ngày công của BĐBP tỉnh đầu tư cho 14 xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2013 đến nay; hàng trăm hộ đồng bào thoát nghèo từ sự hỗ trợ này. Từ đó, đời sống và bộ mặt của các xã biên giới có sự thay đổi rõ rệt. Ông Pơ Loong Dưu - thôn Đăk Ốc, xã La Dêê, huyện Nam Giang - nơi đóng chân của Đồn Biên Phòng cửa khẩu Nam Giang chia sẻ: “Cán bộ chiến sĩ ở Đồn Biên phòng luôn tuyên truyền cho bà con nhân dân biên giới nói chung, đặc biệt thôn Đăk Ốc nói riêng chấp hành tốt Luật Biên giới quốc gia, công tác phối hợp nhịp nhàng. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới thời gian qua”. Đại tá Văn Ngọc Quế - Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho hay: “Tất cả chương trình phối hợp của BĐBP với các ngành cũng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào biên giới. Có được như vậy bà con nhân dân mới tin theo cùng với BĐBP và chính quyền địa phương để tích cực tham gia ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Biên giới, buôn làng bình yên đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
Cán bộ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hỗ trợ kinh phí mua sắm và hướng dẫn đồng bào cách sử dụng máy xay lúa mi ni.Ảnh: T.BÌNH |
Riêng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã trực tiếp kết nghĩa với 36 xã, phường, thị trấn (trong đó có 12 xã ở 6 huyện miền núi) với tổng số tiền hỗ trợ gần 6,120 tỷ đồng. Cụ thể, đã triển khai xây dựng 12 công trình dân sinh; 2 điểm trường và nhà bán trú học sinh; bê tông hóa 500m đường giao thông; xây dựng hệ thống cấp miễn phí nước sạch; triển khai mô hình nuôi heo giảm nghèo, chăn nuôi bò nhóm hộ thuộc xã La Êê, huyện Nam Giang; đồng thời xây dựng 9 ngôi nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thông qua hoạt động kết nghĩa, các huyện đồng bằng và các sở, ban ngành đã có nhiều hoạt động giúp đỡ các địa phương miền núi như: giao lưu thăm hỏi, tặng quà nhân các dịp lễ tết; khảo sát thực tế tình hình đời sống, sản xuất của đồng bào các dân tộc để hỗ trợ cây trồng, con vật nuôi phù hợp cho các địa phương miền núi; hướng dẫn bà con dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức phòng bệnh, xóa bỏ hủ tục lạc hậu; giúp đỡ các xã vùng biên giữ vững an ninh quốc phòng, an ninh biên giới quốc gia và tăng cường công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền... Có hơn 27 tỷ đồng từ các huyện đồng bằng và các sở, ban ngành đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương miền núi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tuy đã đạt được kết quả ban đầu, song việc huy động tổng lực, nhất là nguồn vốn cho công tác kết nghĩa vẫn còn khá khiêm tốn so với nguồn lực chung.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: “Những năm qua, công tác kết nghĩa, giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào các huyện miền núi đã thực sự phát huy hiệu quả và thực sự đi vào chiều sâu. Cần phải xem kết nghĩa, giúp đỡ các địa phương miền núi là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời các cơ quan, tổ chức phải biết cách huy động thêm các nguồn lực của xã hội để tham gia giúp đỡ hiệu quả cho đồng bào miền núi”.
Hiện, Quảng Nam vẫn còn 53 xã đặc biệt khó khăn, chưa nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ nào, điều này đòi hỏi, công tác chỉ đạo trong thời gian tới phải thật sự quyết liệt và mang cả tấm lòng của người miền xuôi với đồng bào miền ngược. Có như vậy, chương trình mang ý nghĩa nhân văn này mới thật sự lan tỏa, tạo động lực để đồng bào vươn lên.
THÁI BÌNH