(QNO) - Quảng Nam là một trong số ít địa phương trong cả nước mạnh dạn cho người dân, doanh nghiệp thuê môi trường rừng để trồng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên. Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương miền núi, quá trình thực hiện lại gặp vướng mắc từ cơ chế, quy định thuê môi trường rừng.
Luật Lâm nghiệp 2017 chưa có quy định về thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu ở các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, tuy nhiên để không bị lãng phí tài nguyên thiên nhiên Quảng Nam đã tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thuê môi trường rừng phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh, bằng Quyết định số 760, ban hành ngày 28/2/2018. Tất nhiên, việc thuê môi trường rừng để đầu tư trồng cây dược liệu phải phù hợp quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch phát triển vùng dược liệu của tỉnh.
Theo đó, cơ chế quy định đối với các cây dược liệu khác (ngoài sâm Ngọc Linh) và lâm sản ngoài gỗ thời hạn cho thuê tối đa là 25 năm, trồng sâm Ngọc Linh được thuê tối đa 40 năm với đơn giá thuê 400 nghìn đồng/ha/năm.
Tại vùng cao Nam Trà My, từ hơn 6 năm nay đã có nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Năm 2017, anh Đinh Hồng Thắng (xã Trà Linh, Nam Trà My) ký hợp đồng với chủ rừng phòng hộ Nam Trà My thuê 5ha rừng trồng sâm Ngọc Linh. Nhằm dễ quản lý, bảo vệ sâm trong ranh giới thực địa được thuê, anh Thắng phải dựng hàng rào bằng thép gai, cọc sắt, đem nhựa, ny lông làm giàn che… Đây là những vật liệu bị cấm đưa vào rừng tự nhiên theo văn bản của Sở NN&PTNT.
Muốn trồng và bảo vệ vùng sâm Ngọc Linh, nên ông Thắng, cũng như nhiều nhóm hộ dân địa phương khác phải đưa các vật liệu vào rừng nhưng đều bị nhắc nhở, yêu cầu di chuyển ra khỏi rừng. Trong báo cáo tháng 7/2023 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My đã dẫn con số: 22 trường hợp người dân trên địa bàn xã Trà Linh và Trà Don bị phát hiện và xử lý khi đào bới tầng đất mặt, sử dụng sắt, thép, nhựa, ny lông để làm giàn che sâm Ngọc Linh.
Ngoài ra, còn có 2 hộ dân Hồ Văn Danh và Phạm Châu Trí trồng sâm Ngọc Linh tại đai cao 2.000m đã lập biên bản yêu cầu tháo dỡ.
Trong khi đó, khi được phép thuê môi trường rừng, doanh nghiệp bắt đầu đầu tư vườn như dựng mái che, lên luống sâm, nhà trực sâm… bằng các vật liệu không được phép sử dụng theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trồng sâm hiện nay đối mặt nhiều rủi ro do dịch bệnh, thời tiết phức tạp. Và che rạp để trồng sâm là giải pháp rất hiệu quả trong việc ứng phó với thời tiết, dịch bệnh.
Ở Nam Trà My, thời điểm này, có ít nhất 11 doanh nghiệp, tổ chức đã thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh gồm Viện nghiên cứu Sâm Ngọc Linh Việt Nam, Công ty TNHH KTC Quảng Nam, Công ty TNHH Win Win, Công ty CP Trồng trọt – chế biến dược liệu Quảng Nam, Công ty CP Nông sản và dược liệu Trà My, Công ty CP Xây dựng Toàn Tiến, Công ty TNHH MTV Sâm Bách Sanh, Công ty TNHH Dược Phaco, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My, Công ty TNHH VaenCo, Công ty CP Nam Linh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Vĩnh Hiền – Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My nói, chủ rừng đã cho doanh nghiệp và hộ, nhóm hộ ký bản cam kết thực hiện đúng quy định về sử dụng môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, thực tế việc xử lý tình trạng sử dụng vật liệu không thân thiện, gây nguy hại đến môi trường gặp rất nhiều khó khăn.
Theo thống kê, đến nay 11 tổ chức, cá nhân thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích hơn 246,8ha. UBND huyện Nam Trà My đã phê duyệt hồ sơ thuê môi trường rừng cho 29 nhóm hộ với 453 hộ gia đình để trồng gần 429ha sâm Ngọc Linh. Hai đơn vị là Trung tâm sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam và Trung tâm sâm Ngọc Linh Nam Trà My đã trồng tổng cộng hơn 133,3ha sâm Ngọc Linh.
Cần chia sẻ lợi ích hài hòa
Theo các địa phương miền núi, việc chia sẻ nguồn lợi từ cho thuê môi trường rừng tại Quảng Nam chưa tạo động lực cho các chủ rừng là ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng trong câu chuyện thu hút nhà đầu tư thuê môi trường rừng. Bởi theo quy định của UBND tỉnh, nguồn thu từ cho thuê môi trường rừng sẽ nộp 100% vào ngân sách của tỉnh, trong khi trách nhiệm của chủ rừng lại gia tăng, ngoài xây dựng phương án cung ứng dịch vụ môi trường rừng cho thuê còn phải có trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng môi trường rừng của các đơn vị thuê.
Các văn bản chính sách ngành lâm nghiệp hiện nay dù cho phép được triển khai mô hình nông lâm kết hợp nhưng lại chưa có cơ chế hay chính sách riêng nào hướng dẫn quy định cụ thể về việc được đầu tư phát triển trồng dược liệu dưới tán rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, đặc biệt là thu hút sự tham gia của khối tư nhân và giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng đất, sử dụng môi trường rừng để trồng dược liệu. Và Quảng Nam là một trong những địa phương mạnh dạn mở ra cơ chế, nên chắc chắc sẽ vấp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Theo Sở NN&PTNT, khó khăn nhất của người dân và doanh nghiệp trồng sâm là chưa có quy định cho thuê môi trường rừng để phát triển cây sâm Ngọc Linh, cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên. Trong khi đó, pháp luật chỉ có quy định cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
Cho nên, Quảng Nam đề xuất các bộ, ngành cần tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện chính sách cho thuê môi trường rừng để phát triển cây sâm Ngọc Linh; đồng thời có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển sâm từ công đoạn sản xuất giống, nuôi trồng, thu hái, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch tại các vùng trồng sâm…
Theo báo cáo từ Ban Quản lý lý rừng phòng hộ Nam Trà My, tổng diện tích cho thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh hiện hơn 848ha và thực tế mới chỉ trồng gần 84ha. Từ năm 2016 đến 9/2022 tổng số tiền thu được từ dịch vụ thuê môi trường rừng đã nộp ngân sách đối với 7/19 đơn vị hơn 159 tỷ đồng.