Hiệu quả từ đối thoại với hộ nghèo

THU SƯƠNG - MINH TÂN 18/02/2020 12:52

Đều đặn 4 năm nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Minh (Thăng Bình) luôn tổ chức đối thoại với hộ nghèo, hộ cận nghèo để triển khai chính sách của các cấp và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở xã biển này đã không ngại ngần làm đơn xin thoát nghèo.

Hỗ trợ máy may là một trong những cách giúp phụ nữ thoát nghèo ở xã Bình Minh. Ảnh: SƯƠNG TÂN
Hỗ trợ máy may là một trong những cách giúp phụ nữ thoát nghèo ở xã Bình Minh. Ảnh: SƯƠNG TÂN

Cứ sau Tết Nguyên đán, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Minh lại tổ chức diễn đàn đối thoại với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Qua rà soát ban đầu, Mặt trận xã gửi giấy mời đến những hộ có lao động chính, có khả năng thoát nghèo. Năm nay, diễn đàn đối thoại với sự tham gia của 67 hộ trong tổng số 141 hộ nghèo, cận nghèo của toàn xã. Diễn đàn trực tiếp nêu lên những chính sách mà người dân sẽ được hưởng nếu đăng ký thoát nghèo trước ngày 15.3.2020.

Bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Minh cho biết, cán bộ mặt trận liên hệ trực tiếp với thực tế, những điều mà người dân đang quan tâm như thẻ bảo hiểm y tế, lãi suất vay vốn, những chính sách liên quan đến giáo dục, đào tạo để trao đổi với người dân. Điều mà nếu chỉ tuyên truyền qua loa truyền thanh thì sẽ không thể chuyển tải được. Chính sự trao đổi gần gũi, dễ hiểu đã giúp người dân thấy được lợi ích của việc đăng ký thoát nghèo.

“Nhờ diễn đàn mà nhận thức của người dân về thoát nghèo tăng lên. Nếu chỉ nghe tuyên truyền các văn bản thì người dân không nắm được hết nhưng khi vận dụng vào từng nhu cầu sát thực thì họ không còn mơ hồ. Chính người dân sẽ tự đặt ra câu hỏi cho mình là nếu có điều kiện thoát nghèo thì có nên hay không nên thoát nghèo. Đặc biệt, tại diễn đàn, nếu một người đứng lên tự nguyện đăng ký thoát nghèo thì sẽ lan tỏa đến người thứ 2, thứ 3…” - bà Hoa cho biết.

Là một trong 9 hộ đăng ký thoát nghèo ngay tại diễn đàn năm nay, chị Đoàn Thị Hương (thôn Hà Bình, xã Bình Minh) cho hay, bao năm ở trong hộ nghèo, bây giờ khi con cái đã có việc làm ổn định, chỉ còn một con trai học nghề, gia đình phần nào ổn định, chị mong muốn sẽ thoát được nghèo. Chồng mất sớm trong một chuyến đi biển, một mình chị Hương với căn bệnh cột sống nuôi 3 con ăn học. Sau khi biết được những chính sách cho hộ thoát nghèo, đặc biệt con trai vẫn được hỗ trợ học phí để học nghề, chị Hương không ngại ngần đăng ký thoát nghèo.

“Đăng ký thoát nghèo, tôi chỉ mong con trai út được hỗ trợ học phí để có cái nghề. Với nghề làm cá bò, thu nhập cũng tương đối ổn định nên tôi cũng không mong muốn hỗ trợ gì hơn. Đăng ký thoát nghèo cũng là động lực để tôi và các con cùng vươn lên” - chị Hương chia sẻ.

Còn với gia đình anh Phạm Long (thôn Hà Bình), anh mất khả năng lao động từ năm 2017 vì bị liệt, chỉ ngồi xe lăn; vợ anh bị khiếm thị. Vì lo lắng khi thoát nghèo sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế nên tại diễn đàn không dám đăng ký thoát nghèo nhưng khi về nhà, 2 vợ chồng bàn bạc và quyết định đăng ký thoát nghèo.

“Ở trong hộ nghèo, vợ chồng tôi mong có thẻ bảo hiểm y tế nhưng sau khi được tuyên truyền, về nhà nghĩ lại thì chúng tôi biết, khi thuộc bảo trợ xã hội, thẻ bảo hiểm y tế không phải là vấn đề đáng lo. Hai con bây giờ cũng đã đi làm. Vì vậy, chúng tôi liền lên xã đăng ký thoát nghèo”.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, những tâm tư, nguyện vọng được hộ nghèo nêu lên tại diễn đàn được Mặt trận và các đoàn thể tiếp thu. Theo đó, sẽ có những hình thức hỗ trợ phù hợp như vay vốn mua sắm phương tiện sản xuất, hỗ trợ kinh phí để xây dựng và sửa chữa nhà… Một tuần sau khi tổ chức diễn đàn, các tổ chức chính trị xã hội sẽ đến nhà để vận động một lần nữa đối với những hộ có khả năng thoát nghèo. Trực tiếp trao đổi với hộ nghèo, hộ cận nghèo là cách để địa phương có những hình thức hỗ trợ thiết thực.

Năm 2019, từ nguồn vận động, Mặt trận xã đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 4 nhà cho hộ nghèo, tổng kinh phí 110 triệu đồng; cùng với đó, hỗ trợ phương tiện sinh kế, trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, với 20 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững tại diễn đàn đối thoại với hộ cận nghèo, hộ nghèo năm 2019, Mặt trận xã đã hiệp thương với các hội đoàn thể xây dựng chương trình phối hợp về công tác giảm nghèo và vận động kinh phí hỗ trợ mỗi hộ từ 3,5 triệu đồng trở lên để tạo vốn cho các hộ phát triển kinh tế gia đình.

“Mỗi hộ đều có nguyên nhân nghèo riêng và những mong muốn khác nhau, một khi nắm được những điều này, tác động trực tiếp và có hình thức hỗ trợ phù hợp thì họ sẽ mạnh dạn đăng ký thoát nghèo” - bà Nguyễn Thị Hoa cho biết.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu quả từ đối thoại với hộ nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO