Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại là hướng đi mang lại những tín hiệu khả quan đối với nhiều hộ nông dân tại xã Tam Lộc.
Ông Nguyễn Lại với trang trại nuôi gà thịt lên đến hàng ngàn con mỗi năm. Ảnh: V.ANH |
Ông Nguyễn Lại ở thôn Đại Đồng, xã Tam Lộc, được nhiều người biết tiếng là một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương với trang trại gồm 6 chuồng nuôi gà thịt, mỗi chuồng khoảng 1.500 con gà. Cách đây hơn 10 năm, ông Lại chuyển từ làm nông nghiệp thuần túy qua đầu tư trang trại chăn nuôi. “Lúc ấy ruộng đất thoải mái nhưng trồng lúa không hiệu quả vì khó khăn về nước tưới, thu nhập không đáng bao nhiêu. Nhờ lợi thế đất vườn đồi rộng nên tôi đã đầu tư nuôi gà thịt kết hợp đào ao nuôi cá. Ban đầu chỉ mấy trăm con gà nhưng nay trung bình mỗi năm tôi xuất bán gần 5.000 con gà thịt” - ông Lại cho biết.
Nuôi gà không dễ, lại khá nhiều rủi ro, tuy nhiên với bản tính chịu khó học hỏi và sự kiên trì, cẩn thận trong từng khâu chăm sóc, phòng dịch nên trang trại gà của ông Lại vẫn đứng vững qua nhiều đợt bùng phát dịch cúm gia cầm. Ông nói: “Mình nuôi con gì cũng phải hiểu kỹ đặc tính của nó và phải tuân thủ nghiêm quy trình về phòng dịch thì mới tránh được những nguy cơ về dịch bệnh”. Hiện gia đình ông Lại có 3 lao động làm việc tại trang trại. “Với trang trại này, mỗi năm gia đình xuất bán 3 lứa gà, trung bình mỗi lứa khoảng 1.500 con, tính ra mỗi năm lãi ròng 200 - 300 triệu đồng. So với trồng lúa thì hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần. Thời gian đến, nếu có điều kiện tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại” - ông Lại cho hay. Không chỉ nuôi gà, ông Lại còn tìm mua 6 cặp chồn hương về nuôi thử nghiệm. Đến nay, số chồn hương ở trang trại ông đã lên đến 40 con. Để tiếp tục nâng số lượng đàn chồn và xuất bán chồn giống ra thị trường, ông Lại mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện về thủ tục pháp lý.
Đến nay kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở xã Tam Lộc tiếp tục phát triển với 12 trang trại, gia trại chăn nuôi gà thịt, đàn gia cầm gần 90 nghìn con; đàn trâu, bò hơn 3.500 con; đàn heo 1.200 con, góp phần tăng giá trị ngành chăn nuôi (cơ cấu ngành chăn nuôi chiếm 49% trong nội bộ ngành) và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn xã. Ông Lê Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Tam Lộc cho biết, những năm qua, xác định kinh tế vườn, kinh tế trang trại là trọng tâm nhằm nâng cao thu nhập người dân, những hộ đầu tư các mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, xã đều khuyến khích và tạo những điều kiện thuận lợi về đất đai, vốn vay… để họ phát triển sản xuất. Nhờ đó, chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại được nhiều hộ dân hưởng ứng. Qua đánh giá ban đầu, các mô hình đều phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Cùng với phát triển kinh tế trang trại, xã Tam Lộc cũng tập trung triển khai thực hiện quy hoạch sản xuất, dồn điền đổi thửa trên địa bàn xã với diện tích hơn 312ha. Đồng thời thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích sản xuất lúa chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn như dưa hấu, bắp... Đến nay, xã có 230ha thu nhập đạt 100 triệu đồng/ha/năm, đó là bước đột phá lớn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần giải phóng sức lao động, chuyển đổi ngành nghề, tăng thu nhập cho người dân.
ANH ĐÔNG