Cuối tuần rồi, lên huyện Đại Lộc tìm hiểu tình hình thu hoạch vụ lúa hè thu 2018, Tư tôi tình cờ gặp vợ chồng anh Chín Phú Thuận ở xã Đại Thắng đang chở lúa từ ngoài đồng về nhà. Nghe hỏi chuyện mùa màng, anh Chín liền khoe: “Gia đình tui có 5 sào đất canh tác lúa. Do toàn bộ số diện tích đó đều nằm ven gò đồi, cây cối mọc um tùm nên lâu nay chuột thường xuyên xuất hiện trên ruộng. Những năm trước năng suất lúa rất thấp, bình quân mỗi sào chỉ thu được 270kg khô. Mừng là hè thu năm nay, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thực hiện mô hình diệt chuột cộng đồng hiệu quả, ước tính năng suất khoảng 310kg lúa khô/sào”.
Trao đổi với Tư tôi, ông Lê Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Đại Lộc cho biết, tại quê anh Chín Phú Thuận có tổng cộng 35ha đất sản xuất lúa, trong đó phần lớn diện tích thuộc vùng gò đồi, triền núi. Trước tình trạng chuột thường bùng phát mạnh và cắn phá lúa trên diện rộng, vụ hè thu 2018 đơn vị phối hợp với ban nông nghiệp xã Đại Thắng cùng cấp ủy, ban dân chính, Mặt trận, các hội đoàn thể ở cơ sở triển khai mô hình diệt chuột cộng đồng. Ngay từ đầu vụ, ngành chuyên môn tổ chức khóa tập huấn hướng dẫn quy trình phòng trừ chuột hiệu quả cho hầu hết người dân địa phương. Sau đó, tiến hành thành lập tổ diệt chuột cộng đồng với số lượng 10 người do Chi hội trưởng nông dân thôn làm tổ trưởng để thay phiên nhau mở các đợt ra quân diệt chuột.
Ông Phan Xuân Long - chuyên viên Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Đại Lộc - người trực tiếp hướng dẫn mô hình cho hay, trong vụ hè thu năm nay tổ diệt chuột cộng đồng ở quê anh Chín Phú Thuận triển khai 3 đợt ra quân. Theo đó, đợt 1 được thực hiện trước thời điểm nông dân bắt tay vào việc gieo sạ khoảng 5 ngày. Đợt 2 diễn ra sau khi xuống giống chừng 15 ngày. Đợt cuối tiến hành lúc ruộng lúa vừa kết thúc giai đoạn đứng cái, làm đòng. Ông Long nói: “Nhiều năm qua, vụ nào 35ha lúa của địa phương này cũng bị chuột cắn phá với tỷ lệ hại bình quân 10 - 15%, thậm chí có vùng lên đến 30 - 40% khiến nhiều hộ dân lao đao vì mùa màng thất bát. Thế nhưng, nhờ thực hiện mô hình trên, hè thu 2018 này gần như toàn bộ số diện tích lúa vừa nêu chỉ bị chuột cắn phá với tỷ lệ hại khoảng 1 - 2%. Qua đó, góp phần giúp nhà nông nâng cao năng suất lúa”.
Theo ông Lê Văn Thanh, để có điều kiện thực hiện mô hình trên, UBND huyện Đại Lộc đã xuất nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương hỗ trợ các đơn vị liên quan 7 triệu đồng mua 10kg thuốc sinh học Rat-Kill 2%DP, 250kg thóc thịt trộn làm bả đánh chuột và trả 12 công lao động cho những thành viên của tổ diệt chuột. Ông Thanh chia sẻ thêm, với diện tích 35ha đất canh tác lúa và số tiền 7 triệu đồng đầu tư cho mô hình, tính ra 1 sào lúa chỉ tốn 10 nghìn đồng cho khâu phòng trừ chuột gây hại. Trong khi đó, thực tế cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại cho nhà nông là khá lớn. Từ thành công của vụ này, bắt đầu từ mùa lúa đông xuân 2018 - 2019 tới, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Đại Lộc sẽ bàn giao mô hình diệt chuột cộng đồng cho những người có trách nhiệm ở thôn của anh Chín Phú Thuận tổ chức thực hiện và đơn vị chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác.
TƯ RUỘNG