Hiệu quả từ mô hình nuôi cá trắm cỏ

PHAN VINH - MINH THÔNG 19/10/2016 07:04

(QNO) - Sau nhiều năm tìm kiếm giống thủy sản phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Nông Sơn đã thực hiện hiệu quả mô hình nuôi cá trắm cỏ trong ao.

Trước đây, hơn 600m2 đất của hộ bà Phạm Thị Luyến (57 tuổi, thôn Trung Nam, xã Quế Trung) dùng để trồng lúa, nhưng liên tiếp nhiều năm sản lượng lúa thu hoạch không đạt và thường xuyên bị ngập úng nếu gặp mưa lớn kéo dài. Cuối năm 2014, được sự hỗ trợ về con giống và kỹ thuật từ Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Nông Sơn, bà Luyến mạnh dạn chuyển đổi đất ruộng của mình làm ao nuôi cá trắm cỏ.

Thời gian đầu người nuôi phải cho cá trắm cỏ ăn bột. Ảnh: VINH THÔNG
Thời gian đầu người nuôi phải cho cá trắm cỏ ăn bột. Ảnh: VINH THÔNG

Lứa đầu, bà Luyến được hỗ trợ 10kg giống, sau 7 tháng nuôi thí điểm, trọng lượng trung bình của cá đạt hơn 0,5kg/con. Thuận lợi hơn, cá trắm cỏ được nhiều người dân địa phương ưa dùng nên có giá bán rất cao. Thương lái đến mua tại ao với giá 40 nghìn đồng/kg. Qua tổng kết, với diện tích khoảng 600m2, bà Luyến đã thu lãi ròng được hơn 11 triệu đồng/năm. “Chỉ 1 - 2 tháng đầu mới phải mua bột về cho cá ăn chứ những tháng sau thức ăn là rau, bèo có sẵn trong vườn nên chi phí dành cho loài cá trắm cỏ này rất thấp. So với việc trồng lúa như trước đây, nuôi cá trắm cỏ lợi nhuận cao gấp 4 - 5 lần, thu nhập của tôi ổn định hơn nhiều” - bà Luyến nói.

Theo thông tin từ Trạm Khuyến nông - khuyến ngư Nông Sơn, tuy thu lãi cao nhưng việc nuôi cá trắm cỏ ở địa phương cũng còn gặp nhiều khó khăn. Mùa khô hạn, thời tiết nắng nóng kéo dài nên một số hộ nuôi không chủ động được nguồn nước trong ao. Mặt khác, những hộ tham gia mô hình này đều có ao nằm trong vùng bị ngập lụt và không lập rào bờ. Tháng 9.2014, mưa lớn kéo dài trên địa bàn huyện đã làm cho một lượng lớn cá trắm cỏ trong ao của hộ bà Hồ Thị Tình (63 tuổi, xã Quế Trung) bị trôi ra đồng. Chính vì vậy mà khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, do sợ bị ngập úng nên nhiều hộ dân đã xuất cá bán trước đó, dẫn đến con cá không đạt trọng lượng chuẩn và giá thành thấp.

Trọng lượng chuẩn của cá trắm cỏ để xuất bán ra thị trường lên đến gần 2kg. Ảnh: VINH THÔNG
Trọng lượng chuẩn của cá trắm cỏ để xuất bán ra thị trường lên đến gần 2kg. Ảnh: VINH THÔNG

Trước thực trạng trên, đã có những hộ chăn nuôi chủ động thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của địa phương. Ông Trương Đình Huân (50 tuổi, xã Quế Trung) có 2.500m2 nuôi cá trắm cỏ. Ông chia làm 3 ao nhỏ, phân theo từng tầng khác nhau. Như vậy, vào mùa hạn, ông chuyển cá xuống ao thấp nhất để đảm bảo đủ nước điều tiết. Đặc biệt, những ngày mưa lớn kéo dài, đối phó với tình trạng ngập úng, ông Huân đã đầu tư mua 6 thùng hơi rồi đan lưới xung quanh để cho cá vào trong. Ông Huân giải thích: “Tôi thấy mấy hộ nuôi cá lồng bè, nước lớn đến đâu cũng không bị thất thoát nên tôi thử làm với loài trắm cỏ này, nhưng đó chỉ là đối phó với mấy ngày mưa. Một năm tôi có thể thả được 3 lứa giống và xuất cá bán quanh năm. Lãi ròng hơn 60 triệu đồng/năm”.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Nông Sơn, mô hình nuôi cá trắm cỏ làm chính trong ao đã được nhân rộng. Từ 15 hộ được hỗ trợ thí điểm ban đầu, đến nay đã có khoảng 150 hộ tham gia mô hình nuôi trên hơn 30ha diện tích đất mặt nước.

Ông Trần Văn Lưu - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Nông Sơn nói: “Mô hình nuôi cá trắm cỏ đã mang lại hiệu quả rõ nét. Chúng tôi vẫn tiếp tục khuyến khích người dân nhân rộng mô hình. Đồng thời, ủng hộ những hộ chăn nuôi chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết, từ đó mang lại lãi suất cao hơn”.

PHAN VINH - MINH THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu quả từ mô hình nuôi cá trắm cỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO