Sáng Chủ nhật 24.12, lên vùng Gò Nổi của thị xã Điện Bàn, Tư tôi thấy vợ chồng anh Sáu Hà An ở xã Điện Phong đang hì hục đánh tơi 3 sào đất màu để chuẩn bị gieo tỉa vụ bắp lai đông xuân. Nghe hỏi về hiệu quả của việc sản xuất, anh Sáu nói: “Đầu vụ hè thu 2017, nhờ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng Trạm Khuyến nông & khuyến lâm Điện Bàn tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ một số khâu quan trọng, gia đình tui tham gia thực hiện mô hình thâm canh giống bắp lai NK7328 kết hợp với sử dụng công cụ gieo hạt trên số diện tích này. Thực tế cho thấy, bình quân 1 sào tui thu được 415kg hạt bắp khô, bán tại nhà cho tư thương với mức giá 5.200 đồng/kg thì đạt gần 2,2 triệu đồng/sào, tăng 275 nghìn đồng/sào so với những mùa trước. Không chỉ vậy, việc xuống giống bằng công cụ gieo hạt còn giúp tui tiết kiệm được hơn 2 công lao động so với làm thủ công. Đông xuân năm nay tui sẽ tiếp tục ứng dụng mô hình thâm canh đó nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích và giảm bớt công lao động”.
Trao đổi với Tư tôi, ông Nguyễn Chánh Thiện – Phó Trưởng trạm Khuyến nông & khuyến lâm thị xã Điện Bàn cho biết, vụ hè thu vừa rồi đơn vị phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai xây dựng mô hình thâm canh giống bắp lai NK7328 kết hợp sử dụng công cụ gieo hạt trên 9ha đất màu hoàn toàn chủ động nguồn nước tưới ở quê anh Sáu Hà An với sự tham gia của 80 hộ dân. Theo ông Thiện, ngoài việc chi hơn 70 triệu đồng để hỗ trợ 100% lượng hạt giống, 30% lượng phân bón, 50% giá trị mua máy gieo hạt thì các đơn vị liên quan còn tổ chức một số khóa tập huấn về mật độ gieo trồng, kỹ thuật thâm canh và chăm sóc bắp lai theo từng giai đoạn phát triển cho nông dân. Năng suất bắp lai bình quân của mô hình đạt 83 tạ/ha. Nếu tính theo giá thị trường 5.200 đồng/kg thì tổng thu nhập đạt gần 43,2 triệu đồng/ha/vụ, tăng 5,5 triệu đồng/ha/vụ so với các ruộng bắp lai sản xuất đại trà trong vùng cũng như những địa phương lân cận. Điều đáng nói nữa là, nhờ mô hình đó áp dụng công cụ gieo hạt nên chỉ tốn 5 công gieo tỉa/ha, giảm được 15 công gieo tỉa/ha so với cách sản xuất truyền thống của người dân và số công lao động tiết kiệm vừa nêu tương đương 2,7 triệu đồng. Theo thống kê sơ bộ, hàng năm nông dân ở các xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong, Điện Minh, Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng… sản xuất hơn 2.000ha bắp các loại. Nếu áp dụng rộng rãi mô hình này thì mỗi năm thu nhập của nhà nông Điện Bàn sẽ tăng thêm ít nhất 16,5 tỷ đồng.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động khuyến nông giai đoạn 2015 - 2017 do Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam tổ chức cuối tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng mỗi năm nông dân trên địa bàn tỉnh gieo trồng không dưới 15.000ha bắp. Từ hiệu quả hết sức thiết thực của mô hình, thời gian tới ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương cần tích cực phối hợp hỗ trợ nhà nông nhân rộng mô hình canh tác này nhằm tạo động lực thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
TƯ RUỘNG