(QNO) - Sáng nay 15.12, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định số 1512/QĐ-TTg ngày 6.10.2020 của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng mô hình PBGDPL tại các bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Đặng Văn Đào - Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng PBGDPL tỉnh cho biết, với tinh thần hướng về cơ sở, đầu năm 2017, Sở Tư pháp đã mạnh dạn đề xuất UBND tỉnh chuyển đổi mô hình PBGDPL theo hướng thay vì giao kinh phí theo chiều ngang cho một số sở, ngành chức năng của tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật xuống các địa phương thì tổ chức bằng việc chuyển dọc nguồn kinh phí này xuống các địa phương theo mô hình “Tỉnh bố trí kinh phí, huyện tổ chức thực hiện, xã tiếp nhận kết quả”.
Theo đó, mỗi năm UBND tỉnh bố trí bình quân khoảng 1,5 tỷ đồng hỗ trợ cho cấp xã. Các xã đồng bằng được hỗ trợ 8 triệu đồng/năm; các xã trung du 9 triệu đồng/năm và các xã miền núi 10 triệu đồng/năm, góp phần không nhỏ tạo điều kiện cho các hoạt động PBGDPL ở cơ sở được tổ chức hết sức sôi nổi.
Ông Đặng Văn Đào đánh giá, việc mạnh dạn đưa mô hình mới vào thực tiễn như trên là một bước đi có tính đột phá đối với công tác PBGDPL ở Quảng Nam. Trước hết, mô hình đã giải quyết được một phần khó khăn trước mắt cho ngân sách cấp xã đối với công tác PBGDPL; đồng thời còn khắc phục được sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung cũng như bỏ trống địa bàn khi ngân sách của tỉnh được giao cho các sở, ngành thực hiện.
“Nhưng điều quan trọng hơn của mô hình này là nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân ở cơ sở được đáp ứng phù hợp (cả về nội dung lẫn hình thức) với đặc điểm sinh hoạt dân cư ở từng vùng miền, có tính linh hoạt cao mà không bị rập khuôn máy móc” - ông Đào nhìn nhận.
Đến nay có một số địa phương đã sử dụng nguồn kinh phí này để đổi mới cách thức tuyên truyền nhằm đem lại hiệu quả cao cho công tác tuyên truyền. Bên cạnh hình thức tuyên truyền trực tiếp, các địa phương tiếp tục sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền khác, phù hợp với từng nhóm đối tượng, như: hô hát bài chòi tuyên truyền pháp luật; hội thi rung chuông vàng, hòa giải viên giỏi; sân khấu hóa các tiểu phẩm, vở kịch, điệu hò, bài vè dân ca… “Ưu điểm của các hình thức tuyên truyền này là thu hút được đông đảo người tham gia, tạo sự mới lạ, chuyển tải được nhiều nội dung, tính tương tác cao giữa người chơi và cổ động viên” - ông Đào chia sẻ.
Nhận thấy tính hiệu quả của mô hình này, ngày 24.8.2020, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 57-CT/TU về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác PBGDPL. Đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí các chương trình, đề án PBGDPL giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực cho các nhóm đối tượng đặc thù yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; biên giới, hải đảo...
Cùng với đó, tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình PBGDPL hướng về cơ sở “Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí - cấp huyện tổ chức thực hiện - cấp xã tiếp nhận kết quả”.