Hiệu quả từ mô hình tổ hợp tác

QUỐC TUẤN 07/01/2016 09:41

Mô hình tổ hợp tác (THT) được phát triển và nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy hiệu quả thiết thực trong sản xuất, khắc phục được nhược điểm từ mô hình hợp tác xã (HTX) trước đây.

Đa dạng và bền vững

Sau khi nhiều HTX có dấu hiệu thoái trào và hoạt động cầm chừng bởi tình trạng “cha chung không ai khóc” thì sự xuất hiện của các mô hình THT hoạt động khá hiệu quả giúp bộ mặt nông thôn thêm phần khởi sắc. Từ sau khi có Luật HTX 2012, các mô hình THT ngày càng phát triển, đến nay toàn tỉnh có trên 2.500 THT trong đó có 207 THT đăng ký với chính quyền địa phương. Lĩnh vực sản xuất và kinh doanh của THT đa dạng từ nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tổng hợp, du lịch cộng đồng, nuôi trồng thủy sản, lâm sản…

Ông Bùi Việt Tín, tổ trưởng THT chăn nuôi gà Mười Tín (thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng TP.Tam Kỳ) cho biết, THT được thành lập trên sự thống nhất của 6 hộ, được vay 300 triệu đồng vốn ưu đãi từ sự hỗ trợ Liên minh HTX Quảng Nam vào năm 2012 để phát triển nuôi gà thịt. Lúc cao điểm nhất đàn gà của THT đạt khoảng 40 nghìn con, đến nay số nợ vay ưu đãi cũng sắp trả xong. Cũng với sự hỗ trợ tối đa từ các cơ quan chức năng, 8 hộ dân ở thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An đã hình thành nên THT trồng rau hữu cơ Thanh Đông. Sau gần hai năm đi vào hoạt động, không chỉ thu hoạch được sản phẩm rau sạch, THT còn trở thành điểm tham quan hấp dẫn với du khách nước ngoài và nhiều tour học sinh, sinh viên trong nước đến tìm hiểu, nghiên cứu mô hình rau hữu cơ.

Việc hình thành các tổ hợp tác giúp vực dậy nhiều làng nghề đang dần mai một. TRONG ẢNH: Làng nước mắm Cửa Khe, xã Bình Dương.
Việc hình thành các tổ hợp tác giúp vực dậy nhiều làng nghề đang dần mai một. TRONG ẢNH: Làng nước mắm Cửa Khe, xã Bình Dương.

Nhiều THT nhanh chóng tiếp cận được với nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh để đầu tư cơ sở vật chất,  phát triển kinh doanh mang lại lợi ích cho thành viên, đặc biệt là người lao động nghèo. Ông Đoàn Văn Lên - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam cho rằng: “Mô hình THT rất phù hợp với đại bộ phận người dân bởi sự gần gũi và hiệu quả thiết thực. Không chỉ giúp phát triển kinh tế hộ, các THT còn tạo sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng dân cư, nhất là ở nông thôn”.

Những năm qua, tỉnh đã đầu tư hỗ trợ 35 THT thành lập mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất. Theo đó, nhiều làng nghề truyền thống dần mai một đang được vực dậy và khởi sắc như làng chiếu Thạch Tân (xã Tam Thăng), làng nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình), làng chài Hà Quảng (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn)… Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết: “Trên địa bàn huyện có một số làng nghề đang phát triển chật vật nên chính quyền rất khuyến khích người dân tập hợp lại để hình thành nên THT để quy trình sản xuất quy củ và tăng sản phẩm có tính cạnh tranh cao hơn”.

Khắc phục nhược điểm

Có thể nói, việc hình thành các mô hình THT dựa trên sự tự nguyện và mong muốn phát triển sản xuất thực sự của người dân chứ không trông chờ, ỷ lại một cách thiếu trách nhiệm vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Nhiều nhược điểm dễ gặp phải ở kinh tế HTX hoặc kinh tế hộ đã đươc rút ra và khắc phục một cách triệt để trong quá trình hình thành và phát triển THT.

Tổ hợp tác trồng rau hữu cơ Thanh Đông, Cẩm Thanh (Hội An) không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn là điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Ảnh: Q.T
Tổ hợp tác trồng rau hữu cơ Thanh Đông, Cẩm Thanh (Hội An) không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn là điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Ảnh: Q.T

Thủ tục thành lập THT khá dễ dàng, gọn nhẹ, chỉ cần các hộ thống nhất sau đó thông qua chính quyền cấp xã chứng thực là có thể đi vào hoạt động. Ông Phạm Mèo, Tổ trưởng THT trồng rau hữu cơ Thanh Đông cho hay: “Trước đây, các hộ dân cũng trồng rau nhưng chủ yếu trồng thời vụ dù rất muốn phát triển nhưng do điều kiện không cho phép nên đành chịu. Giờ đây, nhờ được hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cộng với sự ra đời của THT nên chúng tôi đã mạnh dạn tăng gia sản xuất, cải thiện rất lớn về đời sống kinh tế gia đình. Tới đây THT sẽ mở rộng thêm 5.000m2 đất canh tác nhằm nâng quy mô sản xuất”.

Việc hình thành các THT cũng giúp hạn chế đến mức thấp nhất sự bùng phát, lây lan trên diện rộng mỗi khi xuất hiện dịch bệnh bởi bảo vệ cho sản phẩm của tổ viên khác cũng chính là bảo vệ cho sản phẩm của mình. Có được đầu ra ổn định, giảm bớt rủi ro không cần đầu tư nhiều vốn cũng giúp cho nhiều người dân có thể tăng gia bởi thời gian nhàn rỗi của họ khá lớn. Đơn cử như tại thôn Hòa Mỹ Tây, xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn có gần 100 phụ nữ đã tập hợp thành THT mây tre đan nhận gia công hàng cho các xí nghiệp, thu nhập bình quân từ 2,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.

Tham gia vào các THT, tổ viên sẽ phải tuân thủ theo nội dung, quy định của hợp đồng đã ký kết, nhờ đó chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn rất nhiều. Trách nhiệm, vai trò của từng hộ, từng cá thể là ngang nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ nên sẽ tăng cường sự giám sát lẫn nhau trong quá trình sản xuất chứ không còn tình trạng “đèn nhà ai nấy rạng” như trước.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu quả từ mô hình tổ hợp tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO