Hiệu quả từ một đề án

ALĂNG NGƯỚC 16/11/2016 08:36

Sau 3 năm triển khai, đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2016” (gọi tắt là đề án) của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh được thực hiện tại xã La Dêê, huyện Nam Giang đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Thượng tá Quách Thiện Dư - Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh cho biết, để thực hiện thành công đề án, ngoài triển khai phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, BĐBP tỉnh đã lồng ghép xây dựng nhiều mô hình hiệu quả trong công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào biên giới. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản có uy tín trong cộng đồng dân cư vùng cao; xây dựng nhiều tủ sách pháp luật, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật cho đồng bào các xã biên giới. Nhờ vậy, đến nay đã hạn chế dần tình trạng vi phạm pháp luật trong nhân dân, tình trạng vượt biên trái phép, xâm canh xâm cư, di cư tự do và không đăng ký khi kết hôn, cũng như tình trạng sinh con thứ 3 trở lên. “Bên cạnh phối hợp tổ chức biên soạn hơn 80 giáo án, đề cương tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật theo quy định, BĐBP tỉnh cũng đã thực hiện được 400 tờ rơi bằng tiếng đồng bào địa phương, triển khai xây dựng 8 tủ sách pháp luật với hơn 500 đầu sách các loại và cấp hơn 50 đầu sách cùng hơn 1.000 tờ rơi, 20 loại băng đĩa tuyên truyền về Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, về pháp luật biên giới quốc gia... cho chính quyền các xã và người dân ở các thôn, bản khu vực biên giới” - Thượng tá Quách Thiện Dư cho biết thêm.

Mô hình phòng đọc biên giới luôn được duy trì và đem lại hiệu quả tuyên truyền cho đồng bào miền núi. Ảnh: P.Đ.T
Mô hình phòng đọc biên giới luôn được duy trì và đem lại hiệu quả tuyên truyền cho đồng bào miền núi. Ảnh: P.Đ.T

Để công tác tuyên truyền được sâu rộng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng miền núi, ngay từ khi mới bắt đầu triển khai, BĐBP tỉnh đã thành lập và phát triển câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp lý tại các thôn, bản biên giới. Nhiều đợt tuyên truyền được tổ chức lồng ghép tại các cuộc họp, giúp đồng bào nâng cao kiến thức về pháp luật trong hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, các thủ tục vay vốn sản xuất, xuất nhập cảnh… Theo Thiếu tá Đỗ Xuân Trinh - Quyền Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang, đơn vị còn phối hợp thực hiện hòa giải nhiều vụ tranh chấp đất đai, tư vấn pháp lý cho đồng bào địa phương. Đồng thời cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống địa bàn thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào. Qua đó, chủ động nắm bắt tình hình, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật Nhà nước và kịp thời tham gia giải quyết các vụ việc nổi lên trong nhân dân biên giới. Với cách tuyên truyền mộc mạc, giản dị, các chiến sĩ biên phòng đã từng bước đa dạng hóa về hình thức và phương pháp giáo dục pháp luật, nhằm đảm bảo phù hợp với từng đặc điểm, tình hình địa bàn ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Không chỉ lồng ghép nội dung tuyên truyền tại các buổi họp thôn, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, chúng tôi còn phối hợp tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh của xã nhằm tăng cường sâu rộng sự hiểu biết về pháp luật cho đồng bào. Đặc biệt, vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín và đội ngũ cán bộ là người đồng bào địa phương cũng được phát huy tối đa, giúp công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật thêm hiệu quả, đảm bảo theo chương trình của đề án” - Thiếu tá Đỗ Xuân Trinh chia sẻ.

Hiệu quả thiết thực

Thông qua công tác phối hợp tuần tra kiểm soát địa bàn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 60 vụ với 80 đối tượng vi phạm quy chế khu vực biên giới, khai thác lâm khoáng sản trái phép. Ngoài ra, đơn vị còn vận động nhân dân tự nguyện giao nộp 30 khẩu súng tự chế, 2 quả lựu đạn, 30 viên đạn AK, 6m dây cháy chậm và 19 kíp nổ, 2kg thuốc nổ, cùng 4 bộ kích điện. Đến nay, ngoài việc phối hợp với xã La Dêê ra mắt 4 câu lạc bộ không sinh con thứ 3 với 133 cặp vợ chồng tham gia, đơn vị còn thành lập 3 tộc họ văn hóa với 44 hộ và tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh với hàng trăm lượt người tham gia.ellentesque ornare consectetur mi, in molestie velit venenatis sed.

Ông Zơrâm Nguốn - Bí thư Đảng ủy xã La Dêê cho rằng, hiệu quả lớn nhất của đề án chính là việc đồng bào ở địa phương xóa dần hủ tục tảo hôn, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, cũng như ngày càng gắn kết tình cảm giữa các bản làng vùng biên giới. Đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng nay đã không còn phân biệt với nhau về khoảng cách, ngôn ngữ và cả văn hóa truyền thống. Họ sống đùm bọc với nhau, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong phát triển kinh tế - xã hội và cùng nhau góp sức gìn giữ bản làng ấm no, hạnh phúc. “Bây giờ, ở nhiều thôn bản, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương về phát triển kinh tế, xây dựng làng bản văn hóa. Từ đó, giúp xóa dần hủ tục lạc hậu, động viên đồng bào không sinh con thứ 3 trở lên, cùng nhau xây dựng tộc họ văn hóa, văn minh. Có được những kết quả đó là nhờ công tác tuyên truyền và thực hiện đề án của BĐBP tỉnh” - ông Nguốn cho biết.

Xã La Dêê có 6 thôn với 439 hộ, 2.323 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng. Những năm gần đây, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự đồng thuận của đồng bào đã giúp đề án được thực hiện có hiệu quả, nhất là công tác nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật và xây dựng các mô hình cộng đồng dân cư cùng tham gia bảo vệ biên giới.

Thượng tá Hoàng Văn Mẫn - Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh cho hay, mặc dù đề án chỉ thực hiện trong thời gian ngắn nhưng đã thực sự đem lại nhiều hữu ích thiết thực cho đồng bào miền núi Nam Giang. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, cuộc sống đói nghèo đang dần lùi xa, công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng bản văn hóa, cùng các mô hình giữ gìn an ninh biên giới ngày càng được nhân rộng và phát huy vai trò với tinh thần quyết tâm cao của cả cộng đồng cư dân miền núi. “Từ hiệu quả của đề án, sắp tới BĐBP tỉnh cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp và thực hiện thêm nhiều chương trình liên quan đến tăng cường pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm đẩy mạnh nâng cao kiến thức hiểu biết về pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh khu vực biên giới” - Thượng tá Hoàng Văn Mẫn nói.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu quả từ một đề án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO