Hiệu quả từ nông nghiệp hữu cơ

NGUYỄN QUANG VIỆT 13/03/2017 08:58

Sau khi được các ngành chức năng tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, việc người dân tự sản xuất phân hữu cơ vi sinh để sử dụng trên đồng ruộng không chỉ đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, cung cấp thực phẩm sạch đến người tiêu dùng.

Hiệu quả nhiều mặt

Các vùng trồng rau hữu cơ trên địa bàn TP.Hội An mơn mởn tươi tốt vào những ngày này. Các nông hộ cho biết, sản phẩm rau, củ, quả bán rất đắt hàng, có khi nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu hỏi mua trên địa bàn. Theo giá bán chung được niêm yết, rau dền có giá 50.000 đồng/kg, gia đình ông Phạm Mẹo (thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) ổn định nguồn thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng khi canh tác trên diện tích 5 sào đất. “Trước đây tôi dùng phân vô cơ và thuốc hóa học bón cho rau, lợi nhuận nhanh nhưng đất mau thoái hóa, bạc màu, sản xuất chỉ được một, hai vụ rồi thôi. Từ ngày được Phòng Kinh tế TP.Hội An tập huấn, chuyển giao kỹ thuật làm phân hữu cơ bón cho các loại rau trồng, tôi thấy sản xuất ổn định hơn.

Sử dụng phân hữu cơ vi sinh đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, cung cấp thực phẩm sạch đến người tiêu dùng. Ảnh: Q.VIỆT
Sử dụng phân hữu cơ vi sinh đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, cung cấp thực phẩm sạch đến người tiêu dùng. Ảnh: Q.VIỆT

Dùng phân hữu cơ để bón, rau, củ, quả sạch hơn, đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm nên mọi người ưa dùng, đặt hàng liên tục” - ông Mẹo nói. Cách vùng trồng rau hữu cơ của gia đình ông Mẹo không xa, ông Nguyễn Bé cũng đang nhanh tay chăm sóc vườn rau hữu cơ có diện tích khoảng 3 sào. “Rau được bón phân hữu cơ có giá cao hơn các loại rau khác đến 30%. Tôi có nguồn thu ổn định hơn 200 nghìn đồng mỗi ngày. Việc bón rau bằng phân hữu cơ vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, trong khi đó giá bán ra lại cao nên chúng tôi rất phấn khởi. Công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chế tạo phân hữu cơ được Phòng Kinh tế TP.Hội An, xã Cẩm Thanh triển khai đồng bộ nên chúng tôi tiếp thu và ứng dụng rất nhanh” - ông Bé nói.

Tại các vùng ven TP.Tam Kỳ, nông dân cũng đã tự sản xuất và sử dụng phân hữu cơ để bón cho nhiều diện tích trồng lúa, đậu phụng. Ông Huỳnh Kim Mai (thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, Tam Kỳ) cho biết, dùng phân hữu cơ vi sinh bón cho lúa, đậu phụng, cây ít bị sâu ăn lá, không bị bệnh đốm lá; tỷ lệ lúa, đậu phụng cho hạt, trái tốt, sản lượng cao hơn so với sản xuất bằng cách bón phân mua trên thị trường. “Chúng tôi nhận thức được việc tự tay sản xuất và sử dụng nguồn phân hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng là hướng đến nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo tiêu chuẩn về mặt sức khỏe cho cộng động và giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm ở khu vực nông thôn” - ông Mai nói. Từ 2 năm trước, ông Mai được Hội Nông dân tỉnh kết hợp với Sở Khoa học và công nghệ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chế tạo phân hữu cơ vi sinh, phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch. Từ đó đến nay, ông Mai cùng các nông hộ trên địa bàn áp dụng quy trình sản xuất phân hữu cơ và ứng dụng trên đồng ruộng đem lại hiệu quả thiết thực. Cây lúa được chăm sóc bằng nguồn phân này ít bị sâu bệnh tấn công, cho nhiều hạt hơn.

Ứng dụng rộng khắp

Từ năm 2013 đến nay, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các nông hộ làm phân hữu cơ, tự bón trên ruộng đồng, áp dụng cho các xã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các xã xây dựng nông thôn mới. Ông Lê Văn Phú - Phó Trưởng ban Kinh tế - xã hội Hội Nông dân tỉnh cho biết, việc triển khai phương án hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh đến nay đạt được kết quả khá tốt. Ngành chức năng đã tổ chức 90 lớp tập huấn và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ cho gần 3.000 hội viên nông dân tiêu biểu của 60 xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Lượng chế phẩm men ủ và men vi sinh vật đã cấp phát miễn phí cho nông dân gần 12 tấn, mỗi hộ nhận được 4kg men ủ phân. Qua hơn 4 năm triển khai, các hộ dân nhận chế phẩm men qua các lớp tập huấn đã tự  ủ phân và đã sản xuất được khoảng 3.000 tấn phân hữu cơ để bón cho các loại cây trồng như bắp, lúa, đậu, ớt, các loại rau màu, cây cảnh.

Ông Lê Văn Phú cho rằng, sản xuất phân hữu cơ vi sinh rất dễ, vì nguyên liệu đều có sẵn ở mỗi gia đình như rơm tươi, rơm khô, lá cây, phân gia súc, gia cầm. Cách tiến hành ủ phân vi sinh cũng khá đơn giản, đào hoặc xây một cái hố sâu chừng 1m, bề ngang 1,2m, rộng 1m rồi bỏ nguyên liệu đã trộn sẵn với dung dịch vào theo thứ tự từng lớp. Mỗi lớp dày 10 - 15cm, rải một lớp men vi sinh, sau đó dùng tấm bạt phủ kín trong khoảng 20 - 30 ngày là tạo ra được sản phẩm. Mỗi gói men trọng lượng 1kg có giá 160.000 đồng sẽ sử dụng để sản xuất ra khoảng 1 tấn phân hữu cơ vi sinh. Tính ra, mỗi ký phân hữu cơ vi sinh chi phí chưa đến 1.000 đồng, thấp hơn 3 lần so với giá phân cùng loại bán ngoài thị trường, trong khi chất lượng không hề thua kém lại đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho rằng, quy trình sản xuất phân hữu cơ khá đơn giản nên người dân dễ dàng tiếp thu, ứng dụng. Các bước chế tạo phân hữu cơ gồm phối trộn nguyên liệu như rơm rạ, thân cây đậu, lục bình, phân chuồng với chế phẩm men ủ vi sinh vật FPB rồi dùng bạt đậy kín. Sau 3 ngày kiểm tra nhiệt độ, bổ sung nước cho đủ ẩm. Sau đó tiến hành đảo đống ủ sau 10 ngày với nguyên tắc đảo từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong. Sau khoảng 30 ngày, đống ủ đã “chín”, hoai mục thành chất hữu cơ. Sau đó phối trộn với chế phẩm vi sinh vật chức năng. Sản phẩm tạo thành sau khi phối trộn là phân hữu cơ vi sinh dùng để bón cho các loại cây trồng hữu cơ. “Qua các đợt khảo sát cho thấy, phân hữu cơ vi sinh do nông dân trên địa bàn sản xuất rất có lợi, hàm lượng đạm nhiều, làm giàu cho đất, làm cho các thành phần dinh dưỡng trong đất trở nên phong phú hơn. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, với kỳ vọng đem lại hiệu quả sản xuất nông nghiệp sạch” - ông Tường nói.

    NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu quả từ nông nghiệp hữu cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO