Hiệu quả từ nuôi cua thương phẩm

VĂN PHIN 19/12/2016 12:44

Trước thực trạng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng vùng triều ở huyện Núi Thành đạt hiệu quả thấp và bấp bênh thì mô hình nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo thành công đã mở ra triển vọng mới cho nghề  nuôi trồng thủy sản...

Thôn Long Bình (xã Tam Nghĩa) được Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Núi Thành chọn thực hiện mô hình nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo trong ao đất năm 2016. Mô hình được triển khai trên diện tích 1,3ha mặt nước với 4 hộ nông dân tham gia. Cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện đã thực hiện chu đáo các bước chuẩn bị như cải tạo ao nuôi, diệt cá tạp, loại trừ cua còng gây hại và đảm bảo môi trường nước; thả chà bằng cành cây khô, lá dừa hoặc giăng lưới cước khắp ao nuôi để làm nơi trú ẩn cho cua khi lột xác, tránh cho cua nuôi ăn lẫn nhau... Việc cấp nước vào ao qua lưới lọc, đảm bảo từ 0,6 đến 0,8 mét trở lên, nước có độ mặn thích hợp, độ pH 7,5 - 8,5. Các chủ hồ gây màu nước và các yếu tố khác đảm bảo thì mới tiến hành thả nuôi cua bột.
Theo ông Đặng Văn Quang - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện, để nuôi cua bột sản xuất nhân tạo thành cua thương phẩm cần thực hiện chặt chẽ quy trình chăm sóc và cho cua ăn. Trong ao ương cua giống có thể gây màu nước cho động vật phù du phát triển làm thức ăn tự nhiên cho cua. Tuy vậy, các chủ hồ cũng thường xuyên cho cua ăn thức ăn chế biến từ các loại bột, thịt cá, tôm cua, nhuyễn thể xay nhỏ. Trong 3 đến 5 ngày đầu dùng hỗn hợp trứng gà, thịt cá tôm, mực, hàu, vitamin... xay mịn, sau đó hấp cách thủy, để nguội tạo thành viên cho cua ăn. Việc đảm bảo môi trường nước cho cua nuôi rất quan trọng vì cua nuôi mật độ dày, cần thay nước thường xuyên.

Với việc thực hiện nghiêm túc các quy trình nuôi, mô hình nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo trong ao đất năm 2016 ở thôn Long Bình (xã Tam Nghĩa) đã đem lại kết quả khả quan. Qua 5 tháng nuôi (từ tháng 4 - 9 dương lịch), tỷ lệ cua sống đạt hơn 30%, trọng lượng cua bình quân đạt 0,3kg/con. Tổng thu hoạch dự kiến khoảng 2.340kg cua, bán theo giá thị trường 160.000 đồng/kg cua thương phẩm, mỗi héc ta mặt nước sẽ có doanh thu khoảng 374 triệu đồng, trừ chi phí, còn lãi xấp xỉ 170 triệu đồng/ha. Ông Lê Tửu - nông dân thôn Long Bình tham gia mô hình nói: “Tôi thấy nuôi cua bột mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài giống cua bột, chúng tôi có thả thêm một ít tôm sú, tôm thẻ chân trắng để tận dụng diện tích mặt nước, tăng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. So với cua giống tự nhiên, cua gạch và cua đực nuôi từ giống cua bột sản xuất nhân tạo có kích cỡ lớn hơn, có con nặng 400 - 450g bán với giá 250.000 đồng/kg”.

Từ thực tế mô hình, ông Quang nhận xét, nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo trong ao đất tại thôn Long Bình có nhiều ưu điểm, đã khắc phục được nhược điểm của cua giống khai thác tự nhiên như kích cỡ không đồng đều, các phần phụ thường bị tổn thương do đánh bắt, chất lượng không đảm bảo, giá giống cao lại không ổn định, cua dễ bị dịch bệnh, tỷ lệ sống thấp. Nuôi cua bột giúp người dân chủ động hơn trong việc thả giống với số lượng lớn, cua bột có khả năng chịu đựng những biến đổi của môi trường, chi phí nuôi lại giảm. Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện đang tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi cua bột giống nhân tạo để chuyển giao cho ngư dân nuôi đại trà trong thời gian tới.

VĂN PHIN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu quả từ nuôi cua thương phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO