Thấy Tư tôi đi ngang ngõ, anh Ba Tây An ở xã Điện Phong (Điện Bàn) liền cưỡi chiếc Air Blade mới cứng đuổi theo. Vừa chặn đầu xe, người đàn ông 52 tuổi ấy vừa nói: “Hồi tết chú mi không lên, thôi thì chừ quay lại nhà anh chơi, tiện thể đem mấy bó bồ ngót về nấu canh với thịt bò cho tụi nhỏ nó ăn”. Ngồi tâm sự trong ngôi nhà mới khang trang, anh Ba không giấu được niềm vui: “Vợ chồng tui có 6 sào đất màu trên khu bãi biền ở gần sông, năm 2014 trở về trước chủ yếu trồng bắp lai.
Thấy hiệu quả kinh tế mang lại không cao, đầu năm 2015 tui quyết định chuyển toàn bộ diện tích đó sang trồng rau bồ ngót theo phương thức chuyên canh. Nhờ hướng canh tác này mà thời gian qua gia đình tui có nguồn thu nhập khá, cuộc sống đã cải thiện đáng kể”. Dẫn Tư tôi lội thăm những ruộng rau xanh mơn mởn, anh Ba khoe: “Chú em biết không, bình quân hằng năm tui làm được 7 - 8 lứa và mỗi lứa cắt được 18 tạ rau từ 6 sào đất màu này. Ngày thường, bán tại ruộng cho tư thương với giá 1kg rau là 8 nghìn đồng thì mỗi lứa thu về 14,5 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm làm 7 - 8 lứa thì tổng giá trị đạt 100 - 115 triệu đồng. Trừ vốn đầu tư, còn lại mức lãi ròng khoảng 80 - 90 triệu đồng. Riêng lứa rau tết vừa rồi, nhờ giá bán sản phẩm trên thị trường tăng lên 20 nghìn đồng/kg nên từ 20 tháng Chạp đến cuối tháng Giêng tui bỏ túi hơn 35 triệu đồng”.
Trao đổi với Tư tôi, ông Dương Hiển Công – Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phong cho biết, sở dĩ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương mang lại thành công lớn là nhờ những năm qua xã đặc biệt chú trọng đến vấn đề hỗ trợ nông dân phát triển mạnh kinh tế hộ. Trong đó, tập trung thi công kết cấu hạ tầng thủy lợi, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hình thành các mô hình chuyên canh, xen canh những loại rau đậu và hoa màu được xem là mũi nhọn. Ông Công chia sẻ: “Hiện nay, trên địa bàn xã Điện Phong có 325ha đất màu.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nông phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, thời gian qua bằng nhiều nguồn kinh phí huy động, chính quyền địa phương và ngành liên quan đã đầu tư không dưới 25 tỷ đồng xây dựng 3 trạm biến áp, 1,2km đường dây điện trung thế, 33km đường dây điện hạ thế để thủy lợi hóa toàn bộ số diện tích đất màu vừa nêu. Thống kê cho thấy, năm 2016 bình quân 1ha đất màu chuyên sản xuất các loại cây trồng cạn, rau củ quả theo phương thức luân canh, xen canh, gối vụ của xã đạt khoảng 100 - 120 triệu đồng, riêng 70ha ở 3 thôn gồm Tây An, Cẩm Đồng, Hà An đạt 200 - 250 triệu đồng/ha/năm. Có thể khẳng định, đây thực sự là mũi đột phá trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
TƯ RUỘNG