(QNO) - Trước diễn biến thay đổi khí hậu toàn cầu, các mô hình trang trại thẳng đứng tại Dubai góp phần tạo ra kỷ nguyên nông nghiệp 4.0 tại vùng Trung Đông.
Nếu bay đến thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) trong những tháng gần đây, hành khách có cơ hội thưởng thức một số loại rau xanh của Bustanica - trang trại thẳng đứng lớn nhất thế giới tại Dubai.
Các sản phẩm của Bustanica là một phần trong thực đơn trên các chuyến bay của hãng Emirates. Rau xanh của Bustanica cũng xuất hiện trên các kệ hàng trong các siêu thị ở UAE.
Trang trại thẳng đứng hay trang trại dọc, cao tầng Bustanica có diện tích 10 nghìn mét vuông, sản xuất 3 tấn rau xanh mỗi ngày trong môi trường kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, nguồn nước và chất dinh dưỡng.
Ông Feras Al Soufi - Tổng giám đốc Emirates Crop One - công ty vận hành sân bay quốc tế Dubai cho biết, nếu muốn sản xuất cùng một lượng rau xanh tương tự theo canh tác truyền thống thì cần gần 470 nghìn mét vuông đất.
Trang trại Bustanica chính thức đi vào hoạt động gần một năm qua, sử dụng lượng nước ít hơn 95% so với trang trại truyền thống trong khi UAE là vùng đất khan hiếm nước và phần lớn nguồn cung cấp nước từ quá trình khử mặn tiêu tốn nhiều năng lượng.
"Để sản xuất 1kg rau diếp theo canh tác truyền thống, bạn có thể cần 370 lít nước trong khi ở Bustanica chỉ cần 15 đến 17 lít nước. Uớc tính Bustanica tiết kiệm khoảng 250 triệu lít nước tươi tiêu mỗi năm" - ông Feras Al Soufi cho biết.
Bustanica không phải là công ty duy nhất đạt tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực canh tác trong nhà ở UAE.
Công ty công nghệ nông nghiệp Alesca Life xây dựng các trang trại thẳng đứng, tự động hóa quá trình sản xuất rau xanh đồng thời cung cấp các giải pháp quản lý trang trại.
Alesca Life trang bị hệ thống chiếu sáng LED, các tính năng giám sát và tưới tiêu tùy chỉnh.
Với công ty mẹ đặt tại Singapore, Alesca Life cũng đang hoạt động tại Trung Quốc, Nhật Bản và Ả-rập Xê-út.
"Có lẽ khát vọng lớn nhất là 5 đến 10% lương thực trong tương lai - vào năm 2050 hoặc 2100 - sẽ được trồng trong nhà. Vì vậy, bất kỳ sa mạc thực phẩm nào đang tồn tại, chúng tôi muốn tìm cách có thể nội địa hóa sản xuất thực phẩm" - ông Stuart Oda - nhà sáng lập của Alesca Life chia sẻ.
Công ty Food Tech Valley trụ sở tại Dubai vừa ký một thỏa thuận tại hội nghị khí hậu của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu - COP-28 để phát triển một GigaFarm rộng gần 84 nghìn mét vuông, sản xuất 3 triệu kilogam thực phẩm mỗi năm - tương đương với 2 tỷ cây trồng.
Food Tech Valley tuyên bố, hệ thống chuyển chất thải thành giá trị theo vòng khép kín của công ty nhằm loại bỏ lãng phí thực phẩm và sử dụng nước hiệu quả đến mức không cần kết nối với nguồn điện chính hoặc nước ngầm.
Việc xây dựng Food Tech Valley sẽ bắt đầu vào năm tới và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2026.
An ninh lương thực và tính bền vững là mối quan tâm đối với Dubai - nơi nhập khẩu 85% lương thực. Chiến lược an ninh lương thực của Dubai đến năm 2051 hướng tới sản xuất lương thực bền vững bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại và tăng cường sản xuất nội địa.