Hiệu sách Việt Quảng

NĂNG ĐÔNG 23/04/2018 08:51

Vận động tranh cử

Cuộc vận động tuyển cử diễn ra như một cuộc đấu tranh giữa hai thế lực: Một bên là Mặt trận Dân chủ, một bên là tay chân của thực dân Pháp. Việt Quảng là đầu mối liên lạc theo dõi cuộc vận động của Xứ ủy lâm thời. Báo chí công khai của Đảng và của các lực lượng tiến bộ được huy động cho công tác tuyên truyền. Ta cử người trực tiếp vận động cử tri bỏ phiếu cho số thân sĩ, nhân sĩ có xu hướng tiến bộ hơn. Hạt Đại Lộc - Hòa Vang, nơi Phan Thanh ra ứng cử, việc tranh cử diễn ra khá sôi nổi. Đảng ta dựa vào hiệu sách Việt Quảng công khai cổ động tuyển cử cho Phan Thanh kết hợp với các cấp bộ Đảng bí mật vận động. Ở Đại Lộc, học sinh trường Mỹ Hòa vừa phát truyền đơn cổ động Phan Thanh, nhặt hết truyền đơn của địch cổ động cho Nguyễn Quốc Túy, vừa phân công đến các gia đình có cử tri để vận động. Cuộc mít tinh ra mắt của Nguyễn Quốc Túy ở làng Bàng Trạch, huyện Đại Lộc thất bại vì bị nhân dân vạch mặt.

Tại Đà Nẵng, đêm 1.8.1937 nhà cầm quyền Pháp mở đợt vận động cho Nguyễn Quốc Túy ở rạp hát Vĩnh Lạc. Các đồng chí của ta đã tố giác hành vi làm tay sai cho Pháp của Túy khiến cho 400 thính giả ở rạp hát đều đả đảo Tuý cùng đồng bọn. Ở Hòa Vang, trong ngày bầu cử, có lính canh phòng nghiêm ngặt nhưng ta vẫn bí mật giăng lên trước cổng huyện đường một tấm băng cổ động cho Phan Thanh… Kết quả cuộc bầu cử, với chương trình vận động bầu cử đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng bức thiết của các tầng lớp nhân dân, Phan Thanh đã giành thắng lợi với số phiếu áp đảo. Ở những hạt bầu cử khác, các ứng cử viên tiến bộ cũng giành được thắng lợi.

Sau khi Phan Thanh qua đời (1.5.1939), Đảng quyết định đưa Đặng Thai Mai ra tranh cử với ứng cử viên của phái 1884. Tham gia ứng cử lần này, ta có thuận lợi lớn là thanh thế của Phan Thanh đã được đông đảo quần chúng trong tỉnh ngưỡng mộ. Ta cũng tranh thủ được gần hết nhân sĩ đứng về phía Mặt trận dân chủ trong khi đó phái 1884 gần như tan rã về tổ chức. Tuy vậy, trong đợt tuyển cử lần này, Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Khôi có nhiều âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt hơn. Khôi cùng tay chân tuyên truyền: “Quảng Nam có tiếng là đất văn vật không tìm được người nào ra ứng cử mà phải chọn dân Nghệ An ra ứng cử”. Do đó để đảm bảo cho Đặng Thai Mai thắng cử, công tác tuyên truyền, vận động được đặc biệt chú ý. Ta xác định muốn đánh bại luận điệu mỵ dân của Diệm - Khôi phải biết dùng thanh thế của Phan Thanh để cổ động cho Đặng Thai Mai và định hướng cho cử tri. Vè là hình thức văn học dân gian hấp dẫn quần chúng, có vần điệu dễ nhớ nên ta chủ trương đặt vè Phan Thanh, do đồng chí Trịnh Quang Xuân sáng tác (rất tiếc, bài vè này hiện không còn). Bài vè ca ngợi đức tài của Phan Thanh, kêu gọi cử tri hãy chọn người xứng đáng để thay Phan Thanh, muốn có người đức tài không câu nệ người ngoại tỉnh, hay người trong tỉnh, nhắc nhở cử tri cảnh giác với những thủ đoạn mua chuộc, mỵ dân của nhà cầm quyền.

Vè Phan Thanh được hiệu sách Việt Quảng in thành sách bỏ túi, ảnh Phan Thanh cũng được in để bán. Chẳng mấy chốc vè Phan Thanh được lan truyền khắp nơi. Gần đến ngày bầu cử, bên cạnh vè Phan Thanh, ta còn phát hành một số truyền đơn bướm, nhờ học sinh chuyển cho cha, anh là cử tri. Ta còn bố trí người nói chuyện vè Phan Thanh và tranh thủ nơi có đông người, kể cả đám giỗ, đám cưới, hát tuồng để tuyên truyền cho Đặng Thai Mai. Kết quả, Đặng Thai Mai đắc cử một cách vẻ vang.

Việt Quảng - nỗi lo sợ của địch

Trong những tháng cuối năm 1937, sau thắng lợi của cuộc bầu cử Phan Thanh, hiệu sách Việt Quảng bắt đầu gặp khó khăn do phản kích của nhà đương cục thực dân. Phải phá cho được cái “ổ cộng sản” này, đó là âm mưu của chúng. Trước hết, chúng phá cơ sở kinh tế của Việt Quảng, bằng cách gây sức ép đối với các nhà tư sản Đà Nẵng để họ cắt đứt việc ứng tiền thu mua nông sản. Không còn vốn để hoạt động, Việt Quảng đứng trước một khó khăn cần giải quyết: thanh toán những món tiền đã nhận của các hãng buôn. Biết âm mưu thâm hiểm của nhà đương cục, để tránh một khó khăn lớn hơn, Thái Thị Bôi và các thành viên trong Việt Quảng phải chạy đi các tỉnh gom hàng và tiền để có đủ số vốn đã nhận của các nhà tư sản.

Không may, trong thời gian này Thái Thị Bôi lâm bệnh nặng phải đi chữa trị ở Huế. Sau một thời gian, bệnh vừa thuyên giảm Thái Thị Bôi lại về Đà Nẵng tiếp tục lo giải quyết khó khăn của Việt Quảng. Chẳng được bao lâu, bệnh tái phát, lần này Thái Thị Bôi phải nằm tại bệnh viện Đà Nẵng. Thấy bác sĩ người Pháp ở bệnh viện không nhiệt tình trong việc cứu chữa (vì có bàn tay của bọn mật vụ), Lê Văn Hiến đưa vợ về nhà lo chạy chữa bằng phương pháp đông y nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Đến ngày 23.2.1938, Thái Thị Bôi trút hơi thở cuối cùng, tuổi đời vừa hai mươi tám. Trước lúc từ biệt, Thái Thị Bôi nhắn nhủ chồng mình và các đồng chí cố gắng duy trì hiệu sách Việt Quảng để tiếp tục phục vụ cách mạng.

Đầu năm 1940, Sở mật thám khám xét Việt Quảng, nhưng nhờ phân tán tài liệu kịp thời nên chúng không phát hiện được gì. Mặc dù vậy, chúng ập đến nhà bắt Lê Văn Hiến và Nguyễn Sơn Trà. Trong công văn của mật thám Đà Nẵng gửi Chánh mật thám Trung kỳ, tài liệu A-VIII-224 hiện lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, có đoạn: “Hai tên cầm đầu cộng sản đó, từ khi ra khỏi nhà tù Kon Tum năm 1935 vẫn giữ tư tưởng chống cự và đối lập, chúng dựa vào công cụ của chúng là hiệu sách “Việt Quảng” mà hành động. Chính ở nơi ấy là bản doanh của Đảng Cộng sản công khai và bí mật, tạo nên những cuộc biểu tình quần chúng, những cuộc bãi công của công nhân trong những năm gần đây. Chính hiệu sách ấy đã phân phát một số lượng rất lớn các sách báo phiến loạn, đã bị chính phủ Nam triều và chính phủ Đông Dương cấm. Cũng lại do hiệu sách ấy mà ở Đà Nẵng và Quảng Nam xuất hiện rất nhiều tổ chức cộng sản phụ thuộc. Số người chịu ảnh hưởng của 2 tên đó rất đông đảo, vì trong những nhà bị lục soát, người ta bắt được nhiều tác phẩm hay trích tác phẩm của Lê Văn Hiến, Nguyễn Sơn Trà như: “Ngục Kon Tum”, “Giai cấp là gì?”…”. Và lần này chính quyền đương thời cho đóng cửa hiệu sách Việt Quảng.

Ngày nay, trên bức tường phía trước ngôi nhà số 114 Bạch Đằng, TP.Đà Nẵng có gắn Biển di tích trên đó ghi: “Tại đây từ năm 1936 - 1940, Đảng Cộng sản Đông Dương đã mở hiệu sách Việt Quảng làm nơi trung tâm hoạt động cách mạng. Trong thời gian trên, các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh và nhiều đồng chí khác đã từng đến hiệu sách này”.

NĂNG ĐÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu sách Việt Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO