Những năm 1936 - 1940, dưới sự chỉ đạo, giúp đỡ của Xứ ủy Trung kỳ, hiệu sách Việt Quảng ra đời, làm nơi cung cấp, phát hành sách báo cách mạng vừa là cơ quan của lực lượng công khai, hợp pháp và đầu mối chỉ đạo các cuộc đấu tranh ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhân ngày sách Việt Nam (21.4), xin nhắc nhớ về Việt Quảng - một hiệu sách cách mạng.
Truyền đi tiếng nói của Đảng
Cuối năm 1936, Xứ ủy Trung kỳ được lập lại và chọn Đà Nẵng làm nơi đứng chân hoạt động. Đây là yếu tố giúp cho phong trào cách mạng ở Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp tục phát triển. Lúc này ở Quảng Nam - Đà Nẵng nhiều chiến sĩ tù chính trị ở các nhà tù, nhà đày của bọn thực dân đế quốc về lại địa phương. Đây là lực lượng cán bộ đảng viên được tôi luyện, có trình độ chính trị, văn hóa và kinh nghiệm vận động quần chúng. Đồng chí Lê Văn Hiến, sau một thời gian bị giam trong nhà ngục Kon Tum mãn hạn tù trở về địa phương cùng với vợ mình là Thái Thị Bôi tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.
Để đẩy mạnh hoạt động công khai hợp pháp, bên cạnh việc xây dựng hệ thống tổ chức bí mật, lúc này ở Quảng Nam - Đà Nẵng còn có một bộ phận cán bộ hoạt động công khai do Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo. Và để tạo thế hợp pháp trong hoạt động đấu tranh công khai, Xứ ủy Trung kỳ đã cử các đồng chí Lê Văn Hiến, Nguyễn Sơn Trà gia nhập Đảng xã hội Pháp (SFIO) ở Đà Nẵng. Nhiệm vụ đặt ra là ở Đà Nẵng phải thành lập một cơ quan phát hành, phổ biến sách báo tiến bộ, đồng thời là cơ quan liên lạc của Đảng. Theo tinh thần đó, các đồng chí Lê Văn Hiến, Nguyễn Sơn Trà, Thái Thị Bôi lập hiệu sách Việt Quảng, do Thái Thị Bôi làm chủ (ở đường Quai Courbet, nay là đường Bạch Đằng, Đà Nẵng). Như vậy, hiệu sách Việt Quảng là trung tâm đại lý sách báo cách mạng của tỉnh, thu hút khách hàng ở khắp các phủ, huyện. Sách báo nhanh chóng trở thành món ăn tinh thần và vũ khí đấu tranh của quần chúng cách mạng.
Từ đầu năm 1937, báo chí công khai do Đảng ta lãnh đạo có hàng chục tờ nối tiếp nhau ra đời được Việt Quảng phát hành như: Lao Động, Tập Hợp, Tiến Lên, Tiếng Nói Của Chúng Ta, Hồn Trẻ, Tiếng Trẻ, Tân Xã Hội, Thời Báo, Thời Thế, Bạn Dân, Tin Tức, Đời Nay, Người Mới, Nhành Lúa, Kinh Tế Tân Văn, Sông Hương Tục Bản, Tiền Phong, Nhân Dân... Từ đó, tiếng nói của Đảng được truyền bá rộng rãi, kịp thời, các tầng lớp nhân dân hiểu được thời cuộc. Thanh niên một số nơi trong tỉnh ra các tờ báo viết tay vạch trần tội ác của thực dân phong kiến, hô hào cách mạng như báo Trẻ ở làng Gia Cốc, báo Làng ở làng Phú Phước, phủ Duy Xuyên...
Tìm cách tồn tại
Không chỉ làm đại lý các sách báo tiến bộ, Việt Quảng còn làm đại lý cho hiệu thuốc Đông Tây Y viện (Hà Nội), hiệu đồ gỗ Thái Yên (Vinh), Rượu Dâu (Quảng Bình), sản phẩm của lò chén Việt An. Trong cuốn “Buổi đầu gieo hạt”, đồng chí Lê Văn Hiến ghi: “Để có cơ sở tương đối vững chắc hơn, Lê Văn Hiến cùng với đồng chí Lê Tuất (giáo Tuất), nghiên cứu khai thác mỏ cao lanh ở Tiên Phước. Sau khi xác định chất lượng cao lanh tốt và trữ lượng dồi dào, các đồng chí Lê Tuất, Huỳnh Lắm, Lê Văn Hiến chịu trách nhiệm xây dựng lò chén tại Việt An (Tiên Phước). Đồng chí Lê Tuất là người phụ trách chính về chuyên môn, kỹ thuật và quản lý lò chén. Việt Quảng sẽ là nơi tiêu thụ sản phẩm. Lò chén phát triển trở thành cơ quan cung cấp tài chính cho Đảng”.
Nhưng để cho Việt Quảng đứng vững và hoạt động lâu dài, không thể chỉ dựa vào số thu nhập của cửa hiệu mà phải có hướng kinh doanh rộng hơn, như thu mua nông sản cung cấp cho các hãng buôn xuất khẩu. Muốn làm được việc này, một mặt phải có vốn, mặt khác phải có người tin cậy ở các tỉnh có sản phẩm. Đồng chí Thái Thị Bôi đề nghị để mình liên hệ với các hãng buôn nhận tiền ứng trước, những người khác đi các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên cùng với các đồng chí chính trị phạm cũ tổ chức việc thu mua nông sản tại chỗ. Giải pháp này tạm thời giúp giải quyết đời sống cho một số anh em mới ở tù ra, đồng thời tạo điều kiện đi lại hoạt động trong quần chúng nông thôn. Kế hoạch của Thái Thị Bôi được mọi người tán thành và thực hiện tương đối trôi chảy. Từ đấy Việt Quảng tạo được bộ mặt tấp nập về kinh doanh và công khai hoạt động chính trị. Nhân dân trong tỉnh thường đến Việt Quảng mua sách báo và tìm hiểu cách mạng. Có sách báo bị Nam Triều cấm lưu hành ở Trung kỳ nhưng Đà Nẵng là “nhượng địa” nên vẫn được bán. Từ đó, Việt Quảng cũng trở thành nơi ăn ở, trao đổi công tác của các đồng chí lãnh đạo Đảng và các đồng chí trong Nam, ngoài Bắc qua lại Đà Nẵng.
Đầu mối phong trào cách mạng
Hiệu sách Việt Quảng là trung tâm đại lý sách báo cách mạng của tỉnh, thu hút khách hàng ở khắp các phủ, huyện. Sách báo nhanh chóng trở thành món ăn tinh thần và vũ khí đấu tranh của quần chúng cách mạng. |
Đầu năm 1937, phái bộ điều tra tình hình Đông Dương của chính phủ Pháp do Giuy-xtanh Gô-đa cầm đầu đến Việt Nam. Đảng ta phát động quần chúng xuống đường đón phái bộ với những khẩu hiệu như “Bãi bỏ thuế thân”, “Tự do nghiệp đoàn”, “Tự do ngôn luận”, “Ân xá tù chính trị”... Lúc này, hiệu sách Việt Quảng được Xứ ủy Trung kỳ chọn làm cơ quan phát động và tổ chức quần chúng đón tiếp Gô-đa. Một Ban vận động gồm các đồng chí Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), Lê Văn Hiến, Nguyễn Sơn Trà, Trịnh Quang Xuân được thành lập. Trong đó, phân công Phan Bôi dịch tài liệu, đơn từ ra tiếng Pháp để trao cho Gô-đa; Lê Văn Hiến được giao viết tập phóng sự “Ngục Kon Tum” để tố cáo chế độ lao tù của bọn thực dân phản động ở Đông Dương trước công luận trong và ngoài nước… Ngày 28.2.1937, Gô-đa đến Đà Nẵng. Nhân dân Đà Nẵng và một số phủ, huyện đi đón đông chật cả hai bên đường từ ga xe lửa xuống dọc bờ sông Hàn đến Tòa Đốc lý. Một cuộc tập hợp lực lượng xuống đường có khí thế và trật tự, gồm nhiều giới, nhiều tầng lớp lao động tham gia. Đoàn biểu tình giương cao các tấm băng nổi lên dòng chữ viết sơn đỏ “Ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp!”, “Đòi quyền lập nghiệp đoàn”.
Sau phong trào tiếp đón Gô-đa, Việt Quảng tiếp tục là đầu mối liên lạc, theo dõi và vận động bầu đại biểu Viện Dân biểu Trung kỳ. Tháng 3.1937, Viện Dân biểu Trung kỳ mở cuộc tuyển cử dân biểu khóa III. Đảng ta quyết định tham gia cuộc tuyển cử nhằm mở rộng lực lượng của Mặt trận dân chủ, thông qua những người tiến bộ nói lên tiếng nói của Mặt trận trên diễn đàn nghị viện. Đây cũng là dịp thuận lợi để mở rộng công tác tuyên truyền đường lối, chính sách và chủ trương đấu tranh của Đảng trong nhân dân. Việt Quảng, trong cuộc vận động chính trị này, cũng là trung tâm liên lạc, hướng dẫn phong trào. Thái Thị Bôi cùng với chị em phụ nữ Đà Nẵng, Quảng Nam lao vào phong trào vận động một cách đều khắp. Trên các đường phố, trong thôn xóm, trường học…, các bà, các chị, các cô, đâu đâu cũng có mặt, không kể đêm ngày, khí thế vận động sôi nổi.
NĂNG ĐÔNG
(Còn nữa)