Hiệu ứng cúi

PHAN VĂN MINH 22/05/2016 09:45

Một, thầy Tuân vẽ xong đồ thị trên bảng liền quay xuống lớp hỏi:

- Có em nào tính xong tọa độ các giao điểm của elíp và đường thẳng chưa?

Không ai trả lời. Một số học sinh ở các dãy bàn đầu đang cặm cụi tính toán. Phần lớn các em khác đang chăm chú nhìn xuống... dưới gầm bàn. Có nhiều tiếng cười lích rích. Thầy Tuân đi xuống cuối lớp quan sát mới phát hiện ra các em này đang thoăn thoắt nhắn tin cho nhau. Thầy “tịch thu” một chiếc smartphone và nhận ra bức hình  mình đang đứng quay lưng trên bục giảng, vạt áo kẻ ca-rô bị thòi ra khỏi thắt lưng như một... chiếc mu rùa.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Hai, nơi phòng đợi ở ga xe lửa, bốn người bạn trẻ ngồi bốn góc bàn, đầu hợp với cổ một góc 60o. Hai ngón tay cái của họ “múa” liên tục. Mỗi người biểu cảm trên gương mặt một trạng thái khác nhau, kẻ toét miệng cười, người nhíu mày bĩu môi...Không ai nhìn ai, không ai nói với nhau một câu nào. Họ đang đùa giỡn hay khích bác nhau với đối tác nào đó trên không gian ảo, chỉ có họ mới biết. Bốn ly nước chanh trên bàn vẫn còn đầy nguyên. Chỉ đến khi bà chủ căng tin đến tính tiền, họ mới hốt hoảng lao ra cửa nhà ga khi nghe tiếng loa phóng thanh thông báo:

- Chúng tôi xin nhắc lại, tàu SE5 đi TP. Hồ Chí Minh sắp chuyển bánh...

Ba, mẹ gọi: “Trang ơi, xuống ăn cơm đi con!” – “D...a...ạ...!”.

Phải đến lần thứ ba bé Trang mới lững thững bước xuống cầu thang. Hai bàn tay em vẫn “sùng kính” bê chiếc Blu Studio 7 inches to đùng trước mặt như một quyển...thánh kinh. Em ngồi vào bàn ăn mà mắt vẫn không rời màn hình chiếc điện thoại. Một cậu bạn nào đó đang “chọc quê” em trên facebook. Và hai “đối thủ” liên tục “giao đấu” với nhau bằng ngón... “song chỉ” nhà nghề của “môn phái”.

Mẹ bảo: “Ăn đi con! Không biết ba mày sao đến giờ này vẫn chưa thấy về”.

- “D... a... ạ...” – “ Này, từ rày đi học thêm buổi tối phải cẩn thận nghe con! Rủ đứa nào cùng đi cho có bạn” – “ D... a... ạ...!”.

Mẹ vẫn tiếp tục nhắc nhở:  “Hôm qua bé Hiếu con bà Lành nhà bên suýt tí nữa bị bọn du côn làm bậy rồi đó!”.

Cùng lúc, thằng bạn “ảo” tung một chiêu chí mạng: “Từ rày đằng nớ đừng có nhìn mình đắm đuối như vậy nữa nha!”. Trang bậm môi, vừa nhắn tin vừa hét to: “Đồ vô duyên!”.

Mẹ trố mắt nhìn Trang, không thốt nên lời.

Ba tình huống giả định nêu trên không chỉ là để gây cười. Có một “phong cách” mới mang hình thái như thế đang lan nhanh trong giới trẻ, nhất là ở lứa tuổi teen. Smartphone ngày càng rẻ. Wifi và hệ thống truyền dẫn 3G quá phổ biến. Các trang mạng xã hội luôn sẵn sàng kết nối giúp mọi người có thể trao đổi thông tin, hình ảnh, âm thanh cho nhau bất kỳ lúc nào, ở đâu. Điều này khiến giới trẻ thường trực có nhu cầu chia sẻ và luôn được đáp ứng. Ban đầu họ cũng chỉ cảm thấy “vui vui” như một trò tiêu khiển, lâu dần thành nghiện. Hơn nữa, hoạt động “chát chít” qua điện thoại giúp các em dễ dàng thể hiện  phong cách, cá tính, và cả “đẳng cấp” trước “đám đông vắng mặt”.

Nếu chỉ như vậy thì không có gì đáng bàn. “Triệu chứng lâm sàng” của căn bệnh nghiện smartphone là sự quan tâm của lớp trẻ đến thế giới thật xung quanh bị phân tán. Kỹ năng giao tiếp bằng biểu hiện giọng nói và gương mặt sẽ ngày càng  suy biến. Đáng lo hơn cả là nếu thường trực bị hút vào không gian ảo, các biểu hiện tình cảm, những ý thức về nghĩa vụ sẽ khó đồng hành với lứa tuổi đang trưởng thành. Các em sẽ thu nạp được những gì có ích qua việc bấm “lia chia” hai ngón tay cái trên bàn phím ảo? Chắc là không nhiều, bởi ngay cả việc tìm kiếm thông tin hữu dụng trên internet cũng không phải là mối bận tâm của nhiều em. Nếu có chỉ là kỹ năng đọc và viết bằng ngôn ngữ “a còng” của các em sẽ ngày càng thành thạo, thứ ngôn ngữ mà các bậc cha mẹ nhìn vào hiểu được... chết liền!

Không chỉ giới tuổi teen. Một bộ phận trẻ em hiện nay cũng đang bắt đầu có những dấu hiệu tương tự, thay vì “chát chít” là các trò chơi trên iPad. Nhiều cặp vợ chồng trẻ khi đón con ở trường mầm non về liền vất chiếc iPad cho chúng tha hồ chơi. Những phép tắc ứng xử trong gia đình, người lớn phải thường nhắc nhở bởi các cháu đang mải mê theo những hoạt hình và âm thanh vui nhộn từ chiếc máy tính bảng. Những trò chơi hồn nhiên của tuổi thơ gần như “tuyệt tự”. Trong những ngày họp mặt đại gia đình, nhiều khi chúng ta chứng kiến cảnh một đám trẻ con ngồi lầm lì mỗi đứa một nơi, mỗi đứa ôm khư khư trên tay một chiếc iPad.

Nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Văn Huy ở Quảng Nam có một tác phẩm mang tiêu đề khá hiện đại: Hiệu ứng cúi (*). Nhiều biểu tượng “cúi” trong đó là hình ảnh của con người đang ở trong tư thế... cúi xuống màn hình laptop, iPad hoặc smartphone. Tác phẩm chỉ gợi nên trạng thái khởi đầu còn “hiệu ứng” của trạng thái đó thì sẽ do người xem tự cảm nhận. Phải chăng con người đương đại ngày càng trở nên lập dị, và đơn độc? Phải chăng dáng dấp con người tương lai có nguy cơ sẽ quay về... thời nguyên thủy: Cổ lùn và lưng hơi khọm?

-------------------
(*) Tên một tác phẩm điêu khắc đoạt HCV năm 2015 của Nguyễn Văn Huy, Quảng Nam.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu ứng cúi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO