Hiệu ứng… cúi!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 28/09/2015 11:36

(QNO) - Tôi quen biết nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Văn Huy từ lúc đến làng đúc Phước Kiều xem nghệ nhân Dương Ngọc Tiễn đúc tượng nhà cách mạng Duy Tân Lê Cơ mà anh là tác giả phác thảo. Tại đây, tôi bất ngờ thấy được một tác phẩm nghệ thuật “Đôi mắt” của anh. Tượng đẹp và sống động đến nỗi tôi liên tưởng đến cả thời thơ ấu của mình, đã từng cõng em trên lưng đứng ở đầu ngõ những lúc chạng vạng ngóng mẹ đi làm ngoài đồng chưa về. Đôi mắt đứa bé bảy, tám tuổi của tôi lúc ấy sũng nước như là có thể khóc theo tiếng khóc nấc lên vì đói của đứa em. Tôi đã cõng những đứa em và chờ mẹ như thế rất nhiều năm gia đình cơ cực ở nông thôn. Quá khứ buồn như bị chôn kín ấy bấy giờ lại thức dậy cùng với tác phẩm và cả tác giả.

Tác phẩm
Tác phẩm "Hiệu ứng cúi"

Nguyễn Văn Huy còn khá trẻ. Anh học mỹ thuật, khoa điêu khắc rồi về sống với mẹ ở Quảng Ngãi, rồi quyết định ra Tam Kỳ quê cha để làm việc và sáng tác. Anh cũng ít nói về mình, nhưng tôi biết nhiều tác phẩm của anh như “Đôi mắt” hay các tượng chân dung về thi sĩ Bùi Giáng chẳng hạn anh đều không đủ tiền để có thể thực hiện bằng những chất liệu bền vững. Dương Ngọc Tiễn là một sự tình cờ ý nghĩa, tự bỏ vật tư và công sức hỗ trợ một tài năng trẻ. “Đôi mắt” sau đó được giải thưởng mỹ thuật toàn quốc và giải thưởng nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng Quảng Nam như một phần thưởng cho cả hai người. Nhưng với Nguyễn Văn Huy, tác phẩm đã phản ánh một tâm hồn sáng tạo nhạy cảm và khả năng lao vào những đề tài khó, mang tính xã hội sâu sắc.

Để tiếp tục sự nghiệp sáng tạo, nhà điêu khắc trẻ này, theo tôi biết đã nhận làm nhiều tác phẩm chân dung, các phác thảo nhân vật lịch sử cỡ nhỏ cho các gia đình, địa phương để “lấy ngắn nuôi dài”. Nhưng dù là tác phẩm nào, anh cũng lao tâm lao lực hết mình và có trách nhiệm. Tượng chí sĩ Lê Cơ là một ví dụ. Ban đầu nhân vật mặc veston theo ý của gia đình là thể hiện một nhân vật Duy Tân cải cách để đặt tại ngôi trường mang tên ông ở Tiên Phước. Tượng đúc  xong, ở địa phương lại góp ý thay đổi trang phục. Vậy là Huy lại bỏ việc, lao vào sửa chữa. Không chỉ là nghệ thuật mà còn là trách nhiệm với lịch sử…

Không gặp Huy mấy tháng. Bất ngờ tôi lại nhận tin anh đoạt giải nhất Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2015 với “Hiệu ứng cúi”. Một đề tài mới nghe ra đã thấy lạ, khó hiểu với ngôn ngữ tạo hình lâu nay. Thì ra là công nghệ thông tin, là internet, lại facebook, là các mạng xã hội… cũng đã dằn vặt một nghệ sĩ tạo hình. Tám nhân vật trong tác phẩm của Huy “xúm xít” trong một không gian tưởng như rất khó xử lý, họ là sinh viên học sinh, là viên chức, là thị dân, nông dân… mà như ta vẫn thấy trong đời thực đã bị internet thôi miên trong cuộc sống thường nhật. Đi đứng, nằm ngồi, ở quán cà phê, trong công sở… vẫn bị ám bởi internet. Họ “cúi” gằm trên màn hình vi tính, ipad, iphone, điện thoại di động như thể tìm trong đó niềm hạnh phúc cho cuộc sống. Nghe nói, khi chuyển sang chất liệu đồng (hiện tại là nhựa tổng hợp) tác phẩm sẽ có thêm nhân vật thứ 9 là một cháu nhỏ như lời cảnh báo về giáo dục qua internet, hoặc là học tập hoặc là bị thôi miên bởi các games trên mạng.

 “Hiệu ứng cúi” có lẽ đã được giải thưởng cao bằng những ý tưởng đó, được thể hiện bằng ngôn ngữ tạo hình độc đáo. Chúng ta mừng cho Huy với những sáng tạo mới và càng mừng cho nền mỹ thuật Quảng Nam giờ đây đã có thêm một tác giả trẻ tài năng và đam mê.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu ứng… cúi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO