Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay hầu hết trại sáng tác thường kỳ của liên hiệp hội, các hội chuyên ngành VHNT từ Trung ương đến địa phương buộc phải hoãn lại hoặc hủy bỏ. Tuy nhiên, với nhiều văn nghệ sĩ xứ Quảng từng đi dự trại sáng tác trước đây, họ vẫn sáng tác trong tư thế của một người “đi trại”.
Từ bước “chạy đà” ở trại sáng tác
Trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, ngoài việc làm phác thảo, chỉnh sửa tác phẩm, họa sĩ trẻ Hà Châu không quên dành thời gian để suy nghĩ, tìm kiếm ý tưởng sáng tác mới. Từng vài lần đi trại sáng tác tập trung - nơi vốn luôn đặt ra yêu cầu “ở yên một chỗ để sáng tác”, nên việc phải “nằm nhà” để chống dịch đối với Hà Châu là “cơ hội” để đầu tư nhiều hơn cho nghệ thuật.
Trong 2 đợt dịch Covid-19, Hà Châu đã sáng tác được thêm một số tác phẩm mới. Trong đó, có một tác phẩm lọt vào vòng chung khảo Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên năm 2020 diễn ra hồi đầu tháng 8 tại Gia Lai, đồng thời được đề cử dự giải thưởng của Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam.
Từ bước “chạy đà” ở các trại sáng tác tập trung, nhiều văn nghệ sĩ khác của xứ Quảng đã dần dần tự hình thành cho mình thói quen, ý thức và khả năng sáng tác trong tình huống đặc biệt. Thay vì sáng tác ngẫu hứng, nhiều người đã tự “đặt hàng” với chính mình trong suốt thời gian ở nhà chống dịch. Để rồi, như với một số hội viên Chi hội Văn học, trong mấy tháng gần đây có thêm hàng chục tác phẩm mới ra đời.
Nói như nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học, yêu cầu “phải có tác phẩm” ở các trại sáng tác không chỉ có tác dụng với các văn nghệ sĩ trong khi đang ở trại mà còn có tác dụng tích cực về lâu dài, mà rõ nhất là trong thời gian có dịch vừa rồi.
Với nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải, trong những ngày giãn cách xã hội, anh đã tìm cảm hứng sáng tác thông qua việc... đọc thông tin trên mạng về hoạt động phòng chống dịch. Và, đúng vào ngày Âm nhạc Việt Nam (3.9) vừa rồi, anh đã cho phát hành ca khúc mới mang tên “Hành khúc blouse trắng” của mình lên mạng - do anh tự đệm đàn, tự hát và tự thu âm tại nhà.
Nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải cho biết, anh viết ca khúc này để tặng và tri ân các y bác sĩ - đặc biệt là các y bác sĩ từ các địa phương khác về giúp Đà Nẵng, Quảng Nam chống dịch. Đồng thời đây cũng là cách để “báo tin” với bạn bè, rằng ở “trại sáng tác bất đắc dĩ” lần này, anh đã có được tác phẩm mới...
Trước đó, cũng với hoàn cảnh “ràng buộc” như khi đi trại sáng tác, trong đợt nghỉ dịch hồi đầu năm, nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ Lê Trọng Khang đã tạo ra được một thành quả nghệ thuật khá ấn tượng. Do không thể ra ngoài để chụp ảnh, Khang đã nghĩ đến việc sáng tác ảnh ý tưởng. Và, một trong những tác phẩm ảnh ý tưởng của anh là bức “Nốt hạnh phúc” - được dàn dựng và chụp trong studio tại nhà riêng, đã vượt qua 2.748 tác phẩm của 347 tác giả trong cả nước để giành huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật truyền thống TP.Hồ Chí Minh lần thứ 45 - năm 2020 diễn ra hồi giữa tháng 8 vừa rồi.
Và những “hiệu ứng” khác
Xem, nghe, đọc... tác phẩm của hội viên Hội VHNT Quảng Nam, thỉnh thoảng lại bắt gặp hình ảnh của một vùng đất, con người nào đó, vừa lạ lại vừa quen. Đối chiếu với lịch trình mở trại sáng tác của Hội VHNT tỉnh và của các hội chuyên ngành Trung ương, mới hay đó là những tác phẩm “nối dài” của những người từng dự trại.
Đầu năm 2019, Chi hội Văn học phối hợp với Ban Quản lý Khu di tích Mỹ Sơn mở trại sáng tác văn học chuyên đề Mỹ Sơn. Trong hơn một năm rưỡi qua, thỉnh thoảng một số trại viên lại có tác phẩm mới về di sản văn hóa độc đáo này. Nhà thơ Huỳnh Minh Tâm, người “gặt hái” được nhiều bài thơ nhất từ trại sáng tác này cho biết, Mỹ Sơn với anh không lạ và trước khi dự trại sáng tác ở đó hồi đầu năm ngoái, anh đã từng làm thơ về Mỹ Sơn. Thế nhưng, khi được dự trại, được nghe, được nhìn, được thấy “cận cảnh” di sản văn hóa này ở nhiều góc độ, trong anh lại có thêm cảm xúc, cảm hứng sáng tác mới. Tương tự, gần 5 năm qua kể từ ngày tham gia trại sáng tác tại Vũng Tàu, những cảm thức về biển thỉnh thoảng lại xuất hiện trong tranh của họa sĩ Đoàn Minh Thuần.
Không chỉ tạo ra cho mình tâm thế, thói quen và tính “chuyên nghiệp” trong sáng tác, việc được đi dự trại sáng tác còn giúp cho các văn nghệ sĩ có thêm vốn liếng, kinh nghiệm nghề nghiệp. Cách thức tiếp cận đề tài, xác lập góc nhìn, khai thác vốn sống, điều tiết cảm hứng... học được từ các trại sáng tác không chỉ giúp các văn nghệ sĩ nhận ra thế mạnh của mình mà còn giúp họ giữ được sức bền trong sáng tạo.
Như với nhà thơ Nguyễn Giúp, sau mấy lần dự trại của Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh đã định hình cho mình một phong cách, một giọng thơ khá riêng biệt. Còn như với họa sĩ Nguyễn Ba, sau đợt trại sáng tác mỹ thuật kéo dài 10 ngày ở chính quê anh - huyện Tiên Phước, anh đã nhận ra thế mạnh của mình là ở mảng tranh phong cảnh. Mấy năm qua, anh “chung thủy” với mảng đề tài này và ít nhiều có được những thành công.