Hình ảnh Bác Hồ - kỷ vật thiêng liêng

TRẦN VŨ 20/05/2022 07:48

Trong nhiệm vụ công tác, chúng tôi có nhiều dịp gặp các lão thành cách mạng, các cụ cho biết, trong quá trình hoạt động, chiến đấu, ai cũng mong muốn được một lần gặp Bác Hồ, với chia sẻ: “Chỉ cần gặp hoặc trông thấy Bác Hồ là tự nhiên tinh thần lạc quan, tin tưởng, yên tâm; quên đi tất cả mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì cách mạng, vì Bác Hồ”.

Từ trái qua: Những tấm ảnh chân dung Bác Hồ được bà Dương, ông Tông, ông Xuất lưu giữ hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam. Ảnh: TRẦN VŨ
Từ trái qua: Những tấm ảnh chân dung Bác Hồ được bà Dương, ông Tông, ông Xuất lưu giữ hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam. Ảnh: TRẦN VŨ

Tuy nhiên, số người được gặp Bác không nhiều, mà đa số chỉ lưu giữ hình ảnh Bác bên mình như là kỷ vật thiêng liêng; dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng giữ cho bằng được hình ảnh Bác. Trong kháng chiến, các tổ chức của ta thường lấy hình ảnh Bác để tặng cán bộ, chiến sĩ làm kỷ niệm. Nhiều người, khi được tặng ảnh Bác, bất chấp gian khổ, hiểm nguy vẫn lưu giữ đến cùng.

Ông Trịnh Lương Em, ở phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ đang lưu giữ một tập ảnh nói về cuộc đời Bác Hồ. Ông cho biết, đây là tập ảnh ông mua được trong một hiệu sách ở Tam Kỳ năm 1975.

Tập ảnh đã được rất nhiều người xem, sau đó họ đi tìm mua nhưng không được. Năm 2004, bà Bùi Thị Phương ở phường Hòa Thuận mượn tập ảnh về trưng bày tại đình Phương Hòa nhân ngày làm lễ đón nhận bằng di tích cấp tỉnh. Đặc biệt cháu ông rất thích bộ ảnh và nhắc ông phải giữ lại để làm kỷ nhiệm.

Tại Bảo tàng Quảng Nam đang lưu giữ và trưng bày 3 bức ảnh chân dung Bác Hồ do Bảo tàng Đà Nẵng bàn giao. Khi tìm hiểu nội dung mới thấy tình cảm, sự kính trọng của người dân đối với Bác.

Theo tư liệu lưu trữ, năm 1945, ông Bùi Công Tông ở thôn 5, xã Bình Trung và ông Hồ Xuất ở thôn 4, xã Kỳ Bình, huyện Thăng Bình là cán bộ cách mạng của xã, được địa phương tặng tấm ảnh của Bác Hồ làm kỷ niệm.

Các ông đã giữ bức ảnh này trong suốt thời gian từ năm 1945 - 1975, mặc dù gặp không ít rắc rối, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn quyết tâm cất giữ ảnh Bác cẩn thận.

Các ông luôn nghĩ đến bức ảnh mỗi khi gặp khó khăn thử thách trong suốt quá trình tham gia cách mạng. Trong đó, một tấm ảnh trắng đen chụp cảnh Bác Hồ giơ tay chào, miệng cười rất tươi, và một tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo sau đó dán lên một mảnh giấy màu đỏ hình chữ nhật, phía trên dán hình ngôi sao vàng 5 cánh...

Hay như chuyện gia đình bà Trần Thị Dương ở thôn Hiệp Hưng, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình là cơ sở cách mạng, năm 1970 bà được tổ chức tặng ảnh chân dung Bác Hồ.

Tấm ảnh khổ nhỏ, trắng đen, Bác đang cười. Mặc dù lúc đó, nếu bị địch phát hiện có giữ hình ảnh Bác thì sẽ đối diện với cái chết nhưng bà vẫn giữ gìn tấm ảnh của Bác Hồ - một kỷ vật thiêng liêng.

Bà đã gấp ảnh làm 4 để cất giấu, và viết sau tấm ảnh dòng chia sẻ: “Thà lộ ra thì chết chứ không nỡ tâm thủ tiêu, mặc dù để ở đâu cũng sợ, có lúc giắt ở mái tranh vài ngày lại thăm chừng. Trong lúc đó, thư con trai chưa kịp đọc cũng đem đốt”.

Hôm nay, nhìn những bức ảnh chân dung Bác từ những ngày kháng chiến còn lưu giữ, tuy trông cũ kỹ, nhưng một thời đó là niềm tin, là động lực để đồng bào, chiến sĩ ta không ngại gian khổ, hy sinh một lòng theo Đảng, theo cách mạng đánh thắng kẻ thù để giành độc lập, tự do cho dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hình ảnh Bác Hồ - kỷ vật thiêng liêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO