Hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả

BÍCH LIÊN 27/08/2019 11:28

Tại huyện Đại Lộc đã xuất hiện nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị và từng bước được nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Vùng cây ăn quả thâm canh theo hướng an toàn ở thôn Thái Sơn, xã Đại Hưng, Đại Lộc. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Vùng cây ăn quả thâm canh theo hướng an toàn ở thôn Thái Sơn, xã Đại Hưng, Đại Lộc. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Vùng trồng thâm canh 

Hai năm qua (2017 - 2019), vườn cây ăn quả miền Nam trên 5ha đất lúa chuyển đổi của chị Hồ Thị Lộc, anh Hồ Đình Hải (thôn Đông Gia, xã Đại Minh, Đại Lộc) và anh Nguyễn Tổng (quê Đồng Nai) là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều cán bộ, nông dân trong và ngoài địa phương. Vùng cây ăn quả của các hộ trên có diện tích tổng cộng 10.000m2, vốn là đất 5% thuê của UBND xã Đại Minh và đất lúa kém hiệu quả của một số hộ dân. Vườn cây ăn quả trên đất lúa sinh trưởng và phát triển tốt nhờ các chủ hộ đã đưa cơ giới vào cải tạo đất. Với 10.000m2, các chủ hộ trồng tới 5.000 gốc cây ăn quả đủ loại như chôm chôm, xoài, dừa, mãng cầu xiêm, mãng cầu na, mận, bưởi da xanh, mít, bưởi năm roi... giống miền Nam. Nhờ làm chủ được khâu giống, kỹ thuật sản xuất, các chủ hộ bước đầu có thu nhập tốt từ vùng cây ăn quả trên đất lúa.

Tại thôn Thái Sơn, xã Đại Hưng và tại làng cũ Phương Trung (xã Đại Quang), mô hình vườn chuyên canh cây ăn quả cũng đã định hình. Từ sự hỗ trợ cấp giống cây ăn quả của Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc và từ sự đầu tư thâm canh tốt của người dân Phương Trung đã phát triển được 5ha cây ăn quả và tiếp tục mở rộng thêm 5ha. Tại thôn Thái Sơn, xã Đại Hưng, vùng cây ăn quả theo hướng an toàn, sạch bệnh đã phát triển trên diện tích 10ha, tập trung các loại cây bưởi da xanh, hồng trụ, mít Thái Lan, cam Vinh, vú sữa Lò Rèn… Đáng nói, dù trải qua đợt khô hạn, nắng nóng kéo dài, song nhiều vườn cây ăn quả ở Đại Hưng vẫn xanh tốt nhờ thổ nhưỡng thích hợp, người dân chú trọng xây dựng hệ thống tưới tiêu cho cây. Các hộ ông Nguyễn Hạt, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Công Thành, Nguyễn Năm, Trần Đắc Thanh… là những hộ trồng hơn 1ha cây ăn quả, thu nhập trung bình từ 150 - 300 triệu đồng/ha/năm.

Vùng đất ven sông Vu Gia thuộc thôn Đông Phú, xã Đại Hiệp còn có một vùng trồng cây ăn quả rộng lớn với cây dừa xiêm và ổi, mít rộng cả héc ta có nguồn gốc giống từ Nam bộ. Việc chọn cây dừa xiêm có khả năng chống chọi với bão lũ làm cây trồng chủ lực của vùng giúp người dân chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại. Hiện sản phẩm dừa xiêm, ổi, mít tại vườn đã cho trái ổn định để cung ứng ra thị trường thường xuyên. Xã Đại Hiệp đang nỗ lực đề xuất ngành nông nghiệp và các ngành liên quan có cơ chế hỗ trợ, giúp người dân mở rộng diện tích trồng cây ăn quả ở vùng, hướng tới xây dựng chuỗi giá trị bền vững, xây dựng thương hiệu sản phẩm dừa xiêm Đại Hiệp...

Hướng tích tụ ruộng đất

Có thể nói, mô hình vườn cây ăn quả thâm canh trên đất lúa chuyển đổi tại xã Đại Minh hay trên vùng đất bãi biền ven sông Yên ở xã Đại Hiệp là những mô hình tích tụ ruộng đất hiệu quả tại Đại Lộc. Từ những thành công của các mô hình trồng cây ăn quả thâm canh, cho giá trị và thu nhập cao, thiết nghĩ những mô hình nêu trên cần nhân rộng trong thực tiễn. Song, việc chọn hướng đi từ trồng cây ăn quả cũng đặt ra cho người sản xuất những khó khăn, thử thách không nhỏ. Đó là vốn đầu tư lớn, trình độ, kỹ thuật thâm canh cây trồng và kỹ năng phòng trừ dịch hại tốt, khâu chọn giống phải đảm bảo. Chưa kể, sản xuất nông nghiệp vốn là lĩnh vực đầy rủi ro bởi các yếu tố thời tiết cực đoan, thiên tai gần đây diễn biến phức tạp. Cùng với đó, các vùng trồng thâm canh cây ăn quả cần hướng tới sản xuất an toàn, từng bước đăng ký thương hiệu, nhãn mác, chú trọng liên kết tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cần tính tới hướng đưa sản phẩm vào các chuỗi cửa hàng sạch, siêu thị, bên cạnh nguồn tiêu thụ nhỏ lẻ và bao tiêu của thương lái như hiện nay. 

Theo ông Lê Quang Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh, mô hình trồng cây ăn quả trên đất lúa chuyển đổi ở xã là hướng đi mới trong việc tăng giá trị, năng suất của vùng đất lúa bạc màu, kém hiệu quả. Địa phương nỗ lực tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách hiện hành để hỗ trợ mô hình, khai thác tối đa quỹ đất 5% còn lại của xã. Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, huyện từng bước tạo điều kiện cho nông dân tại các địa phương triển khai tích tụ ruộng đất phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo đúng chủ trương, chính sách. Có thể thấy, mô hình trồng cây ăn quả trên vùng bãi biền Đại Hiệp hay mô hình trồng cây ăn quả trên vùng đất lúa chuyển đổi ở xã Đại Minh thể hiện rõ nét hiệu quả tích tụ ruộng đất ở Đại Lộc. Chủ trương của huyện là tiếp tục khuyến khích phát triển thêm một số mô hình cây ăn quả thâm canh theo hướng an toàn tại một số địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Trong đó trước mắt mở rộng vùng trồng cây ăn quả tại các địa phương nêu trên, hỗ trợ người dân từng bước xây dựng thương hiệu.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO