Hình thành vùng nguyên liệu ổn định

HỮU PHÚC 11/02/2021 15:39

(Xuân Tân Sửu) - Vùng nguyên liệu rừng trồng của Quảng Nam dần đáp ứng cho chế biến công nghiệp, ít bị lệ thuộc bên ngoài, song cái đích vẫn là chất lượng và giá trị lâm sản.

Chế biến gỗ tại nhà máy thuộc Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam (xã Quế Thọ, Hiệp Đức). Ảnh: H.P
Chế biến gỗ tại nhà máy thuộc Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam (xã Quế Thọ, Hiệp Đức). Ảnh: H.P

Chuẩn hóa gỗ rừng trồng

Người dân trồng hàng triệu cây lâm nghiệp

Giai đoạn 2016 - 2020, diện tích trồng rừng mới trên địa bàn tỉnh ước đạt 24.286ha (đạt 95,5% so với kế hoạch). Trong đó, trồng rừng sản xuất là 22.534ha (ước đạt 96,7% so với kế hoạch); trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là 1.752,3ha (ước đạt 86,6% so với kế hoạch). Trong giai đoạn này, theo kế hoạch trồng cây phân tán trong dân là 9 triệu cây, nhưng nhiều hộ dân đã tận dụng đất vườn nhà, vườn rừng, triền đê, ven sông suối… trồng 31 triệu cây lâm nghiệp các loại (đạt 344,4%).

Báo cáo của Sở NN&PTNT, Quảng Nam cho biết, có hơn 150 nghìn héc ra rừng sản xuất, hàng năm bình quân khai thác 12.000 - 16.000ha, chủ yếu là rừng keo. Năng suất gỗ bình quân 72 - 83m3/ha, với sản phẩm cung ứng chủ yếu là nguyên liệu băm dăm và gỗ nhỏ; chu kỳ khai thác phổ biến từ 5 - 7 năm.

Nhìn thấy yếu tố cản trở việc tăng năng suất rừng trồng nằm ở khâu giống, thời gian qua, UBND tỉnh quyết định thí điểm mô hình trồng rừng sản xuất với diện tích hơn 15,5ha tại Đông Giang và Thăng Bình bằng giống keo lai nuôi cấy mô và keo nhập từ Úc.

Mỗi năm toàn tỉnh đưa vào trồng hơn 20 triệu cây keo đảm bảo chất lượng. Tại các huyện miền núi, nhiều nông hộ sở hữu diện tích đất rừng lớn, có kinh tế ổn định, có thể “bắt tay” với các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng gỗ lớn theo chủ trương của tỉnh.

Năm 2019, hộ ông Lê Ngọc Ân (thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức) “góp” hơn 3ha trồng rừng gỗ lớn với Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam. Ông Ân góp đất, công ty hỗ trợ kỹ thuật, cây giống trồng rừng, cam kết thu mua gỗ sau khi khai thác.

“Gia đình tôi có 14ha rừng nhưng trồng xen canh theo chu kỳ chứ không trồng một lúc hết diện tích và chỉ cam kết hợp tác trồng rừng gỗ lớn với công ty khoảng 3ha. Diện tích còn lại tôi trồng rừng theo chu kỳ truyền thống khoảng 5 - 7 năm là khai thác để có tiền trang trải đời sống; còn số diện tích hợp tác với doanh nghiệp chu kỳ trồng khai thác sau hơn 10 năm, xem như của để dành” - ông Ân cho biết. 

Theo ông Nguyễn Đông - Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam, về lâu dài, doanh nghiệp cần có vùng nguyên liệu ổn định và xác định được rừng gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao từ 1,5 - 2 lần rừng trồng gỗ nhỏ (chu kỳ khai thác 5 - 7 năm). Đến nay, công ty ký kết hợp đồng với người dân trồng rừng 710ha và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 1.500ha trên địa bàn các huyện Hiệp Đức, Tiên Phước và Phước Sơn. Không chỉ hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp và người dân trồng rừng gỗ lớn, ngành lâm nghiệp đang hướng đến mục tiêu trồng rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế (FSC).

Qua thống kê, đến cuối năm 2020, diện tích rừng đạt chuẩn FSC trên địa bàn tỉnh ước đạt 11.136ha, đạt 111,4% so với kế hoạch. Theo Sở NN&PTNT, cần xúc tiến mở rộng hơn nữa quy mô diện tích rừng trồng FSC. Bởi quản lý rừng FSC đem lại nhiều lợi ích như vừa đáp ứng nguồn gốc lâm sản gỗ hợp pháp trước yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới, vừa tăng giá trị sản phẩm gỗ trên đơn vị diện tích canh tác, hướng đến phát triển lâm nghiệp có trách nhiệm với môi trường.

Nhiều rào cản

Rừng trồng của tỉnh hầu như phục vụ ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ dăm, gỗ ghép thanh, đồ mộc xây dựng, nội thất... Các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức có thế mạnh kinh tế rừng, nhưng thời gian dài lẩn quẩn với mục đích kinh doanh gỗ dăm làm nguyên liệu giấy. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My Huỳnh Ngọc Thiệu cho biết, chất lượng và năng suất rừng trồng chưa cao, trong khi cơ cấu giống các loại cây trồng còn đơn điệu do các loài keo chiếm hơn 90%. 

“Rừng trồng chủ yếu khai thác gỗ non, xuất khẩu dăm gỗ; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong công nghiệp chế biến còn hạn chế, chưa tạo được động lực phát triển sản xuất và tham gia sâu vào chuỗi giá trị” - ông Thiệu đánh giá.

Tại xã Quế Thọ (Hiệp Đức), nhà máy của Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam vận hành chỉ nửa công suất thiết kế dù tiêu thụ chế biến nhiều chủng loại gỗ lớn nhỏ khác nhau. Theo công ty, doanh nghiệp chỉ mới liên kết trồng rừng gỗ lớn với người dân được 2 năm nên có thời điểm nhà máy bị động nguồn nguyên liệu, phải mua gỗ trôi nổi trên thị trường.

Sau hơn 1 năm Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (FLEGT) có hiệu lực, nhiều địa phương trong tỉnh đang nỗ lực để có thể tiến tới cấp giấy phép FLEGT, mở đường cho gỗ trong nước vào thị trường châu Âu cùng các nước khác.

Thế nhưng, khi tiếp cận trồng rừng theo chuẩn quốc tế, nhiều nơi đã gặp rào cản về giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Nhiều chủ rừng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn, ổn định sản xuất. Việc sử dụng đất lâu đời của người dân không phù hợp với quy hoạch gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như thực hiện các chính sách về lâm nghiệp. Mặt khác, hệ thống đường lâm sinh trên địa bàn các huyện miền núi chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến khó khăn cho phát triển rừng gỗ lớn.

Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng chủ trương trồng rừng gỗ lớn sử dụng nguồn ngân sách tỉnh thực hiện thấp. Năm 2019, theo kế hoạch giải ngân hơn 8,7 tỷ đồng nhưng mới chỉ đầu tư đạt 26,3% kế hoạch. Năm 2020 kế hoạch vốn dự kiến bố trí hơn 21 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ thực hiện không cao hơn năm 2019.

“Hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trong lâm nghiệp mới được hình thành, việc vận động người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn gặp nhiều khó khăn. Trong khi diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh có chứng chỉ FSC chưa đáng kể” - ông Hưng đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hình thành vùng nguyên liệu ổn định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO