Rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh (long, lân, quy, phụng) vốn được sinh ra từ trí tưởng tượng của người xưa, khi quan sát thiên tượng.
Sự khác nhau về hình tượng rồng trên đồ gốm qua các thời đại ở Việt Nam phản ánh sự sáng tạo của các nghệ nhân gốm sứ, cũng như sự thay đổi về quan niệm thẩm mỹ của người Việt qua từng thời kỳ.
Lịch sử vẽ rồng
Thời kỳ đồ đá mới, người Việt cổ đã biết sử dụng đồ gốm để phục vụ cho đời sống sinh hoạt. Dựa vào hình tượng mây và trí tưởng tượng của mình, các họa nhân bắt đầu vẽ hình rồng, trang trí trên các vật dụng được tạo nên từ gốm, đất nung.
Qua những hình vẽ được tìm thấy trên một số chiếc bình gốm thời kỳ đồ đá mới ở di chỉ Đồng Đậu, Bắc Giang, có thể biết người Việt đã vẽ rồng từ rất sớm. Với những nét vẽ cách điệu, hình tượng rồng trên đồ gốm sứ thời này còn khá đơn giản, mang tính biểu tượng, thể hiện sự ngưỡng mộ của con người đối với thiên nhiên và vũ trụ, được bố trí thành vòng tròn quanh thân bình.
Chuyển sang thời kỳ đồ đồng, loài người đã thiết lập chế độ vương quyền. Rồng vốn được sinh ra từ huyền thoại, tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực và sự thịnh vượng. Do vậy, các chế độ vương quyền Á Đông dùng hình tượng rồng làm biểu trưng cho hoàng đế.
Thời kỳ này, hình tượng rồng trên đồ gốm đã trở nên rõ nét hơn, những nét vẽ hình rồng với các đặc điểm cơ bản như đầu có sừng, râu, thân dài, có vảy, bàn chân có ba móng… cũng được tìm thấy trên một số chiếc bình gốm khi khảo sát các di chỉ ở Đông Sơn, Thanh Hóa, thể hiện sự phát triển của kỹ thuật làm gốm cũng như kỹ thuật vẽ trên gốm của các nghệ nhân đương thời.
Trải qua thời kỳ Bắc thuộc, hình tượng rồng trên đồ gốm Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng của mỹ thuật Trung Hoa. Tuy nhiên, qua những đợt khảo sát các di chỉ ở Việt Nam, hình tượng rồng được vẽ trên gốm vẫn có những đường nét riêng, khác biệt thể hiện sự tinh tế và tài hoa của những họa nhân người Việt.
Đến thời kỳ tự chủ, các triều đại Việt Nam bắt đầu san định những quy ước, định chế trong xã hội. Trong thời gian này, những lò gốm được triều đình sáng lập để chuyên chế tác đồ gốm phục vụ trong triều, được gọi là lò Quan. Các lò Quan tồn tại trong suốt thời gian ngự trị của các vương triều, từ thời Lý, Trần đến thời Lê sơ, với lịch sử hơn 500 năm.
Quy cách của rồng
Để thể hiện sức mạnh vương quyền, hình tượng rồng trên đồ gốm sứ được quy định chặt chẽ hơn. Đơn cử như hình tượng rồng năm móng chỉ dùng riêng cho vua chúa. Rồng bốn móng dùng cho các đại thần được đặc cách. Các hình tượng rồng dùng trong dân gian thì không vẽ móng, thậm chí phải vẽ cách điệu chứ không được đặc tả.
Tùy theo từng triều đại mà có những quy định khác nhau, như thời Lê sơ (1428 – 1527) hình tượng rồng trên đồ gốm sứ được quy định chặt chẽ, chỉ được vẽ 5 móng, biểu trưng uy quyền của nhà vua.
Thời kỳ này nghệ thuật gốm sứ Việt Nam đã sản xuất được gốm thấu quang, vẽ hình rồng chìm trong đồ vật, khi rọi đèn vào nhìn ở phía ngược lại sẽ thấy được hình ảnh rồng mây hiện lên trên đồ vật.
Cách vẽ hình tượng rồng trên đồ gốm sứ qua các triều đại mang những đường nét giống nhau như: Đầu rồng có kích thước khá lớn. Mắt to, tròn, có nhiều đường vân nhỏ chạy xung quanh. Mũi to, nhô cao, có hình chữ V. Râu dài, uốn cong, có nhiều đường vân nhỏ chạy dọc theo thân râu. Thân uốn lượn mềm mại, có nhiều đường vân nhỏ chạy dọc theo thân. Đuôi cong vút lên phía trên, có nhiều vảy nhỏ, xếp thành hàng đều đặn. Chân có móng, được vẽ cách điệu thành hình tròn.
Tuy vậy, vẫn có những tiểu tiết khác nhau tùy theo quy định của các vương triều như: chân rồng có 3,4,5 hoặc không vẽ móng, và sự phóng tác của các họa sư.
Qua nhiều thời kỳ, nhờ sự giao lưu kinh tế, văn hóa, mỹ thuật với nhiều quốc gia, hình tượng rồng trên đồ gốm cũng được các họa sư học hỏi và tiếp biến cho phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc. Do vậy, hình tượng rồng trên đồ gốm cũng có những sự khác biệt cơ bản về bố cục, kích thước, hình dáng và màu sắc.
Kiểu dáng của rồng
Sự thay đổi bố cục rất đa dạng, hình tượng rồng trên đồ gốm thời Đinh có kích thước lớn, chiếm gần như toàn bộ bề mặt trang trí trên đồ vật. Qua đến đồ gốm thời Lý - Trần lại chiếm chừng hai phần ba diện tích trang trí.
Đến thời Nguyễn hình tượng rồng trên đồ gốm chiếm khoảng một nửa diện tích trang trí. Đồng thời do tiếp nhận ảnh hưởng của mỹ thuật phương Tây nên họa tiết trang trí vào thời này cũng hiện đại, mang nét mảnh mai, uyển chuyển hơn.
Sự khác nhau về hình tượng rồng còn được nhận biết qua hình dáng. Hình tượng rồng trên đồ gốm thời Đinh có dáng vẻ khỏe khoắn, oai phong. Khác với rồng thời Lý có dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển.
Thời Trần, rồng có dáng vẻ uyển chuyển, nhưng mạnh mẽ hơn. Đến thời Nguyễn, rồng có dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển, thanh thoát, đầu rồng thời này được vẽ nhỏ hơn. Ngoài ra, cũng có thể nhận ra sự khác biệt về số lượng móng rồng được vẽ qua nhiều triều đại.
Cách sử dụng men cũng tạo ra nhiều sự khác biệt về màu sắc. Hình tượng rồng trên đồ gốm thời Đinh và thời Lý được vẽ bằng màu men nâu hoặc men đen. Thời Trần được vẽ bằng màu men nâu hoặc men lam. Cuối thời Lê sơ, ngoài hai loại men trên các lò gốm ở Chu Đậu, Hải Dương đã có thể dùng men ngũ sắc. Đồ gốm thời Nguyễn được vẽ bằng màu men lam.
Các chủ đề được vẽ, càng về sau càng đa dạng hơn. Vào thời Đinh, Tiền Lê hình tượng rồng trên đồ gốm chủ yếu chỉ vẽ rồng, mây với bố cục đường nét tách biệt. Các triều đại về sau rồng còn được trang trí thêm các họa tiết và hình ảnh khác nhau như rồng cuốn trong mây (Long vân hội), hạt châu (Độc long vờn châu), mặt trăng (Lưỡng long triều nguyệt) hoặc mặt trời (Độc long triều thiên)…
Ngoài các lò Quan phục vụ trong triều đình từ thế kỷ thứ 12 , còn có lò gốm Chu Đậu (thế kỷ 12 - 17), Bát Tràng (thế kỷ 14 – 21) ở phía bắc. Phía nam cũng có các lò gốm nổi tiếng ở Đồng Nai - Biên Hòa (thế kỷ 18 – 21), để phục vụ nhu cầu của người dân. Để tránh những quy định khắt khe của triều đình, các họa nhân vẽ họa tiết rồng cách điệu thành hoa dây gọi là Giả long. Rồng ẩn trong mây, nhìn kỹ mới mường tượng ra được gọi là Long ẩn. Hoặc đầu cá thân rồng gọi là Lý ngư hóa long.