Hít khói gây hại cho sức khỏe như thế nào?

V.THU (Theo vnexpress.net) 22/05/2022 06:23

(QNO) - Hít phải khói có thể khiến một người bị ho, hụt hơi, tổn thương niêm mạc mũi, khàn giọng…

Khói từ đám cháy gây hại cho sức khỏe hô hấp. Ảnh: Freepik
Khói từ đám cháy gây hại cho sức khỏe hô hấp. Ảnh: Freepik

Khói là một hỗn hợp các hạt và khí được đốt nóng. Các sản phẩm được đốt cháy, nhiệt độ của đám cháy và lượng oxy có sẵn cho đám cháy đều tạo ra sự khác biệt về loại khói tạo ra. Đốt cháy có thể dẫn đến việc hình thành các hóa chất gây thương tích trực tiếp khi chúng tiếp xúc với da và niêm mạc mũi. Những chất này phá vỡ lớp niêm mạc bình thường của đường hô hấp, gây sưng tấy, xẹp đường thở và suy hô hấp.

Hít phải khói có thể làm xấu đi một số tình trạng tim và phổi, chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, khí phổi thủng, viêm phế quản mạn tính.

Theo trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC Mỹ), người thường xuyên phải hít khói thường gặp các triệu chứng như:

Ho: các màng nhầy trong đường hô hấp tiết ra nhiều chất nhầy hơn khi bị kích thích. Khói làm tăng sản xuất chất nhầy và thắt chặt các cơ trong đường thở dẫn đến phản xạ ho. Chất nhầy có thể trong, xám hoặc đen tùy thuộc vào thể tích các hạt bị đốt cháy trong khí quản hoặc phổi.

Hụt hơi: tổn thương đường hô hấp làm giảm lượng oxy cung cấp đến máu. Hít khói làm cản trở khả năng vận chuyển oxy của máu gây ra thở nhanh do đường thở đang cố gắng bù đắp những thiệt hại mà khói đã gây ra cho cơ thể.

Đau đầu: tiếp xúc với khí carbon monoxide xuất hiện trong đám cháy có thể gây đau đầu. Cùng với đau đầu, carbon monoxide còn có thể gây buồn nôn.

Khàn giọng hoặc thở khò khè: một số hóa chất trong khói gây kích ứng và làm tổn thương dây thanh âm. Một số trường hợp các hóa chất gây sưng và thắt đường hô hấp trên. Chất lỏng tích tụ trong đường thở trên và dẫn đến tắc nghẽn.

Thay da: da có thể tái nhợt và hơi xanh do thiếu oxy hoặc đỏ tươi do ngộ độc khí carbon monoxide. Người tiếp xúc với khói cường độ cao dễ bị bỏng trên da.

Tổn thương mắt: khói thuốc có thể làm cay mắt và đỏ mắt, gây bỏng giác mạc.

Giảm sự tỉnh táo: hít phải khói thuốc nồng độ oxy thấp với cường độ cao dễ dẫn tới ngạt thở hóa học. Ngạt thở hóa học có thể gây ra những thay đổi như lú lẫn, ngất xỉu và giảm tỉnh táo. Bên cạnh đó, ngạt thở hóa học còn gây ra co giật, hôn mê.

Chất nhờn trong mũi và cổ họng: chất nhờn trong lỗ mũi hoặc cổ họng nhiều lên là dấu hiệu cho biết tình trạng hít phải khói và mức độ hít phải khói. Bên cạnh đó, mức độ sưng của mũi cũng cho biết về tình trạng hít phải khói nặng hay nhẹ.

Đau ngực: đau ngực do hít phải khói có thể do đường hô hấp bị kích thích. Đau ngực xảy ra do lưu lượng oxy đến tim thấp, ho nhiều cũng có thể gây đau ngực. Tình trạng tim và phổi xấu đi khi hít phải khói cũng là nguyên nhân dẫn đến đau ngực.

Ngoài việc dùng thuốc và làm theo hướng dẫn của bác sĩ khi gặp các vấn đề sức khỏe do hít phải khói, bạn cũng có thể giảm các triệu chứng ngạt khói thông qua các giải pháp tại nhà khác như: nghỉ ngơi nhiều, ngủ ở tư thế ngả người hoặc kê cao đầu bằng gối giúp thở dễ dàng hơn, tránh hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc, tránh các tác nhân gây kích ứng phổi chẳng hạn như không khí quá lạnh, nóng, ẩm hoặc khô. Thực hiện bài tập thở nào theo hướng dẫn của bác sĩ, còn được gọi là liệu pháp vệ sinh phế quản.

Để giúp ngăn ngừa ngạt khói trong cuộc sống, nếu có điều kiện mọi người nên lắp đặt thiết bị phát hiện khói trong mọi phòng ngủ, bên ngoài mỗi khu vực ngủ và ở mọi tầng trong nhà. Bạn cũng nên lắp đặt thiết bị phát hiện carbon monoxide bên ngoài khu vực ngủ, lập kế hoạch thoát hiểm trong trường hợp hỏa hoạn. Lưu ý, không để thuốc lá, nến hoặc lò sưởi cháy mà không có sự giám sát, nhất là khu vực bếp khi nấu ăn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hít khói gây hại cho sức khỏe như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO