Nhiều nạn nhân da cam đã chọn cách sống cho chính bản thân mình bằng nghị lực, ý chí để thoát khỏi thân phận tầm gửi, vốn dĩ được sắp đặt bởi chất độc của chiến tranh.
1.Mang bệnh tật vì chất độc da cam ngay từ trong bụng mẹ, chàng trai Đặng Đình Tam năm nay đã 33 tuổi nhưng cơ thể rất bé nhỏ, chiều cao chưa đến 7 tấc. Tam lớn lên trong gia đình 4 anh em, nghèo khó ở thôn 4 xã Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức. Ba của Tam là ông Đặng Thành, cơ sở cách mạng, từng bị địch bắt đày ra tận Côn Đảo hơn 5 năm mới được trao trả. Mẹ của Tam cũng là cơ sở cách mạng bám trụ ở mảnh đất đầu nguồn sông Thu trong suốt thời kháng chiến chống Mỹ khốc liệt. Bởi vậy, ba mẹ Tam ý thức rất rõ hậu quả mình gánh chịu đã đổ tất cả lên đầu người con thứ hai. Song điều đáng quý, ngay từ nhỏ, chàng trai Đặng Đình Tam đã rất có chí học tập, nhưng hết lớp 5 Tam đành bỏ học giữa chừng vì trường xa. Dù sống trong tình yêu thương của người thân nhưng Tam quyết chí lập nghiệp bằng cách riêng của mình.
Nạn nhân da cam Đặng Đình Tam với công việc hàng ngày của mình. Ảnh: V.V.T |
Mười năm lăn lộn học nghề, làm lồng đèn ở Hội An, Tam đã phải về quê khi ba mất, rồi quyết định ở luôn tại quê nhà để sớm hôm cùng người mẹ già tuổi đã xế chiều. Dành dụm từ số tiền giắt lưng trong 10 năm làm ăn xa, Tam bắt tay vào làm kinh tế bằng con đường chăn nuôi gà vịt, bò và trồng cao su. Dù cơ thể tí hon nhưng việc gì Tam làm cũng rất chăm chỉ, tháo vát cứ y như một lão nông đích thực. Tiếp xúc với Tam, lúc nào cũng dễ dàng bắt gặp nụ cười luôn nở trên môi, những câu nói lạc quan, yêu đời. Điều đặc biệt, Tam còn làm thơ để tự động viên mình: “Hạnh phúc đó là tình thương của mẹ/ Được sống trên đời đẹp lắm mọi người ơi!”. Ông Trần Văn Thắng - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hiệp Đức chia sẻ: “Thật xúc động và đáng quý khi Tam vẫn ấp ủ nhiều ước mơ giản dị: Mong sao trả hiếu được ơn sinh thành của mẹ cha, mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn với một mái ấm gia đình…”.
2.Là con đầu trong một gia đình ba mẹ đều bộ đội, em Lê Thị Thúy ở xã Quế Phú, huyện Quế Sơn ngay từ khi mới sinh ra cơ thể đã bị khiếm khuyết, dị tật bẩm sinh ở chân nên đi lại rất khó khăn. Để hoàn thành chương trình phổ thông với em là một sự nỗ lực rất lớn. Mẹ là người chở em suốt chặng đường 12 năm học ròng rã. Không phụ tình thương, những nỗi nhọc nhằn của mẹ, Thúy rất chăm và học khá giỏi. Để thực hiện ước mơ của mình, Thúy đã thi đậu vào Trường Trung cấp Y tế Quảng Nam (nay là Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam) và đã tốt nghiệp Dược sĩ loại khá.
Với cái tên Nhân Tâm, quầy bán thuốc tân dược của Thúy giờ đây là điểm lui tới khá quen thuộc của người dân nơi đây. Điều đặc biệt, đến quày thuốc Nhân Tâm, khách hàng còn có thể mua sắm các mặt hàng cho sinh hoạt gia đình từ bánh kẹo đến chai mắm, bó rau, vỉ trứng gà… Hôm có mẹ công việc còn rỗi rảnh, hôm mẹ bận đồng áng một mình Thúy vừa bán thuốc tây trong quầy vừa lộc cộc đôi nạng gỗ vào ra bán hàng hóa cho bà con nên ai cũng cảm mến, thầm phục cô bé tật nguyền siêng năng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Bá Thắng - ba của Thúy, bảo: “Người làm ba có được đứa con như Thúy là tôi vui lắm”. Nói vui mà sao giọng ông lẫn nốt trầm.
Với những nỗ lực như của anh Tam, chị Thúy, ông Võ Văn Ái - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, chia sẻ: “Trong điều kiện một tỉnh còn nhiều khó khăn, số đối tượng bị nhiễm chất độc da cam lớn nên Tỉnh hội chủ trương kêu gọi sự vào cuộc của toàn xã hội, sự vươn lên của từng gia đình có nạn nhân da cam và cả chính nạn nhân da cam để ổn định cuộc sống”.
VÕ VĂN TRƯỜNG