May mắn được đồng hành với những người lính và từng là lính, tôi đã thấy, và nghe câu chuyện họ cầm súng chiến đấu, hiện hữu cùng dân ngay trong những lúc khốn cùng. Nhiều hơn những lời kể, có biết bao cống hiến và hy sinh của họ, trong mọi thời, trong lặng thầm…
1. Mùa đông năm 2017. Cái rét như cứa vào da thịt, giữa ngổn ngang những bùn lầy và mưa gió, màu xanh áo lính hiện hữu ngay Khe Chữ (xã Trà Vân, Nam Trà My). Chúng tôi đến muộn. Cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 143 (Sư đoàn 315, Quân khu 5) và dân quân, lực lượng vũ trang Huyện đội Nam Trà My đã ở đó được vài ngày, kể từ khi xảy ra vụ sạt lở núi đè ập xuống ngôi làng nhỏ. Trong dãy dài những chiếc lán dã chiến, chỉ có tăng võng, vài chiếc sạp đơn sơ và bộ quần áo lính còn chưa sạch bùn. Họ ở ngoài “đại công trường” Khe Chữ, san từng nền nhà, vác từng cây gỗ, dựng lại nhà cửa cho bà con. Chiếc “zin ba cầu” lui tới ngày bao bận từ làng cũ sang làng mới, cõng từng vật dụng cho bà con. Những đôi giày rọ ngập trong bùn. Nhiều chiến sĩ trẻ còn không quàng áo mưa, vì mồ hôi đã ướt đầm lưng. Anh em đã ngược rừng vòng sang từ phía Quảng Ngãi, đến Khe Chữ, rồi trắng đêm tìm chỗ dựng lán dã chiến. Giữa đêm sâu, bữa cơm vội vàng của lính trôi qua trong sương lạnh. Tôi nhớ Đại úy Nguyễn Thái Huy, người luôn bận rộn đi lại giữa những công trình, sốt sắng gọi từng tốp anh em phụ việc. Nhớ cả bữa cơm dở dang của Trung úy Quân y Hiên Bằng và anh em, khi người dân đến lán trại tìm anh để xin thuốc. Suốt buổi chiều hôm chúng tôi có mặt, Bằng mang túi thuốc đi đến từng căn lán, hỏi thăm từng người, cấp thuốc cho bà con. Và cả lực lượng dân quân địa phương, đã ăn ở suốt một tháng ròng, bám lấy Khe Chữ mà đẽo từng cây cột nhà, đóng từng tấm ván.
Đêm lở núi, cũng chính dấu chân của người lính đặt đầu tiên đến nóc, cắt núi đưa người dân đến nơi trú ẩn an toàn. Cuộc cứu hộ khẩn trương đã diễn ra ngay khi khối đất đá vẫn còn lơ lửng trên đầu, chỉ với mục tiêu duy nhất là tìm kiếm, đưa toàn bộ người dân đi sơ tán. Màu xanh áo lính như màu hy vọng. Hy vọng cho những người còn đang thất thần bàng hoàng sau vụ sạt lở. Hy vọng cho hơn 144 hộ dân ở 9 nóc xã Trà Vân, những người đã được di dời khẩn cấp suốt tám cây số dọc đường Đông Trường Sơn. Và cả hy vọng để Khe Chữ hồi sinh, ngay giữa những hoang tàn. Miệt mài chạy đua với mưa gió, với những ngổn ngang, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 143, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và chiến sĩ, dân quân của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My đã trải qua những ngày đông giá ở giữa trập trùng núi non Trà Vân, viết nên chuyện “cổ tích” giúp người dân đi qua ám ảnh của nỗi đau và hủ tục…
2. Vẫn là chuyện của lính, nhưng từ lời kể của một cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Quang Ngọc - nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Tây Giang, từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Những ngày tháng 7.2017, tôi có dịp theo chân ông Ngọc và đồng đội cũ ở Trung đoàn 96, Sư đoàn 309 đi vào các tỉnh phía Nam trong hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Suốt chặng đường dài lặn lội đến các nghĩa trang xa nhất của Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương…, có quá nhiều ký ức không thể quên trong lòng người lính. Một đêm khuya cách cửa khẩu Sa Mát của Tây Ninh chừng chục cây số, mưa ướt cây lá, như ký ức của thăm thẳm những chuyến hành quân phía bên kia biên giới. Tacô, Pailin, Phnôm Mêlai…, những cái tên được các ông kể về hồi ức Battambang, về nơi biết bao chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã vĩnh viễn gửi lại tuổi xuân vì đại nghĩa. Máu tuổi hai mươi đổ bên ngoài Tổ quốc, trong mênh mông 14.000 ngôi mộ liệt sĩ nằm ở Tân Biên, chúng tôi đã gặp những dòng tên ghi nguyên quán Quảng Nam, như đập vỡ bao cảm xúc dồn nén, để nước mắt cứ lặng lẽ bật ra nghẹn ngào.
Miền nhớ của người lính, có máu và hoa, “có những đêm phục địch dưới tán thốt nốt lao xao gió lạnh sương đồng, những ngày cáng thương mệt mỏi, những trận đánh dữ dội, hỏa lực sáng rực trời đêm, có khi làm những tán cây thốt nốt cháy như những ngọn đuốc giữa trời…” như lời cựu chiến binh Lưu Nhi Dũ đã kể. Đau đáu niềm thương, đau đáu một tấm lòng với bao đồng đội còn nằm lại nơi đất lạ, Đại tá Nguyễn Quang Ngọc và đồng đội đã miệt mài với hành trình quy tập hài cốt liệt sĩ suốt nhiều năm nay. Đi vào trong lửa đạn, trở về từ khói bom, nhưng suốt cuộc hành trình ấy, ông không giấu được dòng nước mắt. Không thể quên giọng vị Đại tá nghẹn ngào trong ngày hạnh ngộ, khi hài cốt các liệt sĩ được đưa về chùa Tuệ Châu ở ngoại ô TP.Hồ Chí Minh trước khi về quê nhà. Đến khi các liệt sĩ đã trở về yên nghỉ trong lòng đất mẹ, cũng ông Ngọc ngồi lại giữa Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn trong khôn nguôi xúc động. Ở đó, ông đã nói rằng, trong khi mình may mắn trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, người thân, thì biết bao anh em đồng đội gần 40 năm mới được trở lại quê nhà, chỉ còn chút hình hài trong tấm quách…
Sau cuộc đi đó, tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại của ông. Chưa năm nào, hành trình tìm kiếm, đưa hài cốt liệt sĩ về quê nhà của ông và đồng đội dừng lại…
3. Có những mệnh lệnh đến từ trái tim. Dặm dài những cuộc đi, bất cứ khi nào có lệnh, người lính lại lên đường. Tháng 12.2018, tôi có mặt trên ca nô của lực lượng quân sự tỉnh trong đợt mưa ngập lịch sử tại TP.Tam Kỳ và huyện Phú Ninh. Nước ngập sâu, chia cắt nhiều thôn của xã Tam Đàn. Trắng đêm vào tận từng nhà vận động người dân, đưa đến nơi sơ tán an toàn, các chiến sĩ dầm mình trong nước lũ. Cõng người già, trẻ em, chở tài sản, họ chia luôn cả phần thức ăn, nước uống của mình cho dân. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có mặt ở hiện trường, vừa chỉ huy cứu nạn, vừa đôn đốc các lực lượng nhanh chóng huy động thêm phương tiện đưa người dân đến nơi an toàn. Nước rút, bộ đội còn ở lại giúp dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả, với muôn vàn việc có tên và không tên. Không ít cán bộ, chiến sĩ đã lăn xả suốt mấy ngày liền để cứu dân, đến khi trở về, căn nhà của chính mình cũng đang ngổn ngang thiệt hại…
Thầm lặng với gian khổ và hy sinh, người lính thời nào cũng giữ trọn niềm tin yêu trong lòng dân, với tên gọi đầy tự hào “Bộ đội Cụ Hồ”. Làm sao kể hết những ân tình. Những trang sử truyền thống viết bằng máu xương, bằng công sức của biết bao thế hệ, vẫn đang dày thêm theo từng năm tháng. Ngày hạnh ngộ, sẽ nhiều hơn bằng rất nhiều câu chuyện kể, bằng ký ức của người lính mỗi thời, nhưng cùng có chung niềm tự hào.
Lớp trước, là những người truyền lửa, để neo giữ niềm tin và lòng trung với nước, với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc. Lớp chiến sĩ trẻ vẫn đang miệt mài trên thao trường, tiếp bước cha anh.