Những vết đồi mồi chìm trong nếp nhăn trên gương mặt không át được ánh mắt thừa nét tinh anh của người thương binh già. Đã hơn 70 tuổi, ông vẫn hăng say cống hiến phần sức lực còn lại cho đời.
Trong căn nhà nằm giữa khu vườn bốn bề cây trái ở thôn Phú Nhuận 3 (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên), thương binh Đặng Bảo Xinh vui vẻ đón chúng tôi với những cái bắt tay nồng ấm. Quá khứ đã nằm im, nhưng khi có người khơi gợi, câu chuyện lại tuôn trào khó dứt. “Sau khi tham gia du kích xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn quê ông), vì sợ bị địch bắt đi lính nên tôi thoát ly theo cách mạng, vào bộ đội. Sau này được biên chế vào Tiểu đoàn R20 từ những ngày đầu mới thành lập. Quãng thời gian cùng các đồng đội trong tiểu đoàn chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi” - ông Xinh tâm sự.
Ông Xinh (phải) cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm thời chiến. Ảnh: L.A |
Theo lời kể của ông Xinh, ngày 19.5.1965 là một ngày lịch sử của ông và đồng đội khi Tiểu đoàn R20 làm lễ xuất quân đánh trận đầu tiên. Trước giờ hành quân, dưới lá cờ Tổ quốc uy nghiêm, các chiến sĩ chỉ có một lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ra đi là xác định hy sinh. Và trận ra quân đầu tiên đó, Tiểu đoàn R20 đánh tan đồn Cẩm Kim khét tiếng, bắt sống 120 tên địch. Trận đánh thứ hai của tiểu đoàn ghi dấu ấn “thế trận lòng dân”, mà là “dân trong vùng địch”. Ông Xinh nhớ lại: “Trận thứ hai này là đánh vào sân bay Đà Nẵng, hành quân đi qua vùng địch nên chỉ có thể nhờ dân để không bị lộ. Trận này đi với tinh thần “gặp bà con không được chào, gặp người thân không được hỏi”. Khi hành quân ra đến Điện Ngọc là xem như đã đến nhà mà đành kìm nén lòng, không thể về thăm mẹ già. Chúng tôi đi đến sông, đã thấy bà con sắp ghe từ bên này đến bên kia sông, trên tay mỗi người là một chai nước và một cục xôi dành cho bộ đội khi qua sông, với lời nhắn nhủ “các chú cố gắng giữ gìn sức khỏe, đánh thắng kẻ địch”. Hai bên bờ sông, người dân đã ngày đêm bí mật đào hầm công sự làm chỗ ém quân cho ta. Cho nên trong mỗi chiến thắng đều nhờ có sức mạnh và sự đóng góp của nhân dân”. Cùng đồng đội, ông Xinh còn tham gia nhiều trận đánh vang dội như Lộc Hưng, Bồ Mưng, cầu Ông Nở, Gò Hà, Gò Nổi, Xuyên Thanh… Những trận đánh của Tiểu đoàn R20, thắng có, thiệt hại cũng có nhưng điều quan trọng nhất là tiểu đoàn đã lấy được lòng dân, trên mỗi bước đi đều có sự giúp đỡ của nhân dân. Mỗi khi nghe đến tên “Tiểu đoàn ông Soái” (Tiểu đoàn trưởng bị hói đầu nên có biệt danh như thế - theo giải thích của ông Xinh), bọn địch luôn kinh hồn bạt vía. Và đã có 36 trận đánh đi qua cuộc đời ông Xinh, trong đó 3 trận ông bị thương tưởng chừng phải “bỏ cuộc”, nhưng ông vẫn đứng lên, tiếp tục chiến đấu vì quê hương, đất nước.
Nhắc lại câu chuyện tình yêu với cô Xã đội phó kiêm y tế chiến trường Nguyễn Thị Cường, ông Xinh thuật lại: “Tôi để ý bà ấy lúc bà bị thương nặng khi đánh trận trong khu dồn 81 An Hòa (khu Xuyên Phú cũ). Toàn thân bà ấy băng bó trắng toát, chỉ chừa mỗi mắt, mũi, miệng. Lúc ấy tôi đã chuyển sang công tác ở bộ phận ngân khố. Sau đó cả hai phải lòng nhau nhưng rồi chẳng ai dám nói ra, đành âm thầm lặng lẽ ôm mối tình riêng. Bởi trong chiến tranh, rày đây mai đó biết đâu mà lần. Sau năm 1973, được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan, tôi mới dắt bà ấy cùng về căn cứ, đến sau ngày giải phóng mới dám tiến tới làm đám cưới đó”.
Vợ chồng ông Xinh, bà Cường đều là thương binh, về địa phương ngoài việc cố gắng làm ruộng vườn, ông bà luôn đi đầu trong các hoạt động phong trào. Những vết thương trên thân thể vợ chồng ông bà vẫn không thôi hành hạ, nhưng đó chẳng phải là trở ngại cho việc họ tiếp tục cống hiến. Ông Xinh hăng say hoạt động hội đoàn thể, hết hội nông dân đến cựu chiến binh, rồi hội người cao tuổi, bà Cường thì hơn 12 năm làm Trưởng thôn Phú Nhuận 3. Đặc biệt, vợ chồng ông Xinh như là điểm tựa cho công tác dân vận của xã, thôn ở mọi lúc mọi nơi. Hễ ở đâu trên địa bàn người dân bàn tán xôn xao chuyện gì là ông bà có mặt. Có những vấn đề phức tạp, ông bà nhẹ nhàng giải thích người dân hiểu sự việc, không nên nóng vội mà gây phức tạp tình hình, đặc biệt là đối với những vấn đề “nóng” của địa phương. Vợ chồng ông Xinh có cùng tâm niệm: “Còn sức là còn cống hiến”.
D.LỆ - V.ANH
Bài 2: Đất lại xanh nơi “vành đai trắng”