Hô hát bài chòi ở Kỳ Phú

NGỌC KẾT 21/04/2018 10:01

Khoảng 3 năm nay, người dân thôn Cẩm Khê, thôn Kỳ Phú xã Tam Phước, huyện Phú Ninh và một số vùng lân cận… đã quá quen với hình ảnh anh Trần Văn Truyền - thành viên Câu lạc bộ (CLB) hô hát bài chòi thôn Kỳ Phú với chiếc loa sắt trên xe máy và tiếng rao vang vọng xóm làng vào mỗi chiều 16 âm lịch hàng tháng để thông báo chương trình phục vụ bài chòi…

Một đêm hô hát bài chòi ở thôn Kỳ Phú. Ảnh: N.KẾT
Một đêm hô hát bài chòi ở thôn Kỳ Phú. Ảnh: N.KẾT

Đam mê

Được thành lập vào năm 2008, CLB hô hát bài chòi thôn Kỳ Phú gồm có 10 thành viên, người lớn tuổi nhất đã ngoài 60, nhỏ thì cũng đã qua tuổi 30. Cũng bắt đầu từ niềm đam mê dân ca bài chòi cùng các trò chơi dân gian của quê hương mình, các thành viên trong CLB tự nguyện góp công, góp sức và một ít kinh phí sắm sanh đạo cụ, trang phục… để được thỏa mãn niềm đam mê hô hát bài chòi phục vụ bà con nhân dân trong thôn, trong xã mỗi dịp lễ tết. Hàng trăm buổi hô hát bài chòi trong và ngoài xã đã diễn ra và cùng với đó là những niềm vui đọng lại nơi các thành viên trong CLB cũng như khán giả quê nhà… Ông Phạm Hồng Phước - chủ nhiệm CLB cho biết: “Bài chòi ở Kỳ Phú có từ rất lâu. Ban đầu anh em chỉ là đam mê thuần túy, góp sức, góp công tập luyện tổ chức hô hát mỗi dịp tết đến xuân về. Dần dần CLB tham gia hội thi hô hát bài chòi cấp tỉnh đoạt giải nên đã cổ vũ tinh thần anh em, rồi chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện… nên CLB đã từng bước đi vào hoạt động nền nếp và duy trì liên tục suốt 10 năm qua…”.

Từ những thành công và sự lan tỏa vào cuộc sống, ba năm trở lại đây, CLB đã quyết định chọn tối 16 âm lịch hàng tháng để phục vụ bà con nhân dân trong thôn, trong xã cùng những địa phương lân cận như Tam Lộc, thị trấn Phú Thịnh, xã Tam Vinh… Có dịp mục sở thị một buổi hô hát bài chòi của CLB tại nhà văn hóa thôn, chúng tôi được hòa mình vào bầu không khí sinh hoạt dân gian của những ngày xưa cũ khi thấy các cụ ông, cụ bà đến rất sớm để chọn cho mình một chỗ ngồi ưng ý, thanh niên nam nữ và kể cả các cháu thiếu nhi cũng ngồi ngay hàng thẳng lối chờ đợi anh chị hiệu xuất hiện. Khi tiếng hô hát của anh hiệu Trần Văn Truyền và chị hiệu Lê Thị Phương cất lên, dường như mọi âm vọng của đời sống thường nhật nơi phố chợ Cẩm Khê, Kỳ Phú… đều lắng xuống, không gian trong ánh trăng đêm 16 trở nên bàng bạc một cõi xa xưa. Những gương mặt ngời lên niềm thích thú, những nụ cười và cả những cái xuýt xoa mê đắm làm lắng đi những nhọc nhằn cơm áo đời thường.

Truyền lửa

Ở CLB hô hát bài chòi thôn Kỳ Phú rất may mắn có một thành viên vừa phụ trách sưu tầm, biên soạn kịch bản hô hát lại là người cầm trịch cho phần nhạc đệm. Đó là anh Đặng Đức Lai, người gần như dành trọn cuộc đời mình để gắn bó với dân ca - bài chòi quê hương. Am hiểu âm nhạc dân gian, từng qua các lớp đào tạo viết kịch bản tiểu phẩm dân ca, bài chòi, lại là người sống dân dã, gần gũi mọi người nên khi viết lời hô hát cho câu lạc bộ, anh Lai đã biết cách vận dụng sáng tạo những “câu chuyện” của làng quê mình vào từng nội dung con bài. Điều này đã đem đến hiệu quả rõ rệt trong việc tạo nên yếu tố hài hước cho cuộc chơi đồng thời cũng lồng vào được những nội dung cần thiết trong tuyên truyền pháp luật, xây dựng nông thôn mới… Ví dụ, hát về xây dựng khu dân cư kiểu mẫu: “Thôn Kỳ Phú nay đã dựng xây/ Khu dân cư kiểu mẫu/ Tháng ngày đi lên/ Đời sống kinh tế vững bền/ Công – nông - thương…đã vươn lên thoát nghèo… Ới bạn mình ơi là cái con Nhì nghèo…”. Hay về giao thông: “Giao thông luật lệ học rồi/ Rượu thì cứ uống/ Đua thì cứ đua/ Nghe cái rầm mắt mũi mới tùa lua/ Đầu cày xuống đất mỏ kia đỏ lòm… Ới bạn mình ơi là cái con Đỏ mỏ…”. Cứ như vậy, bao nhiêu chuyện xóm, chuyện làng, chuyện quê hương đất nước được khởi lên theo từng câu hô hát và được đón nhận một cách say sưa…

Cái tình giữa người hát và người xem cứ thế được dệt nên để rồi ngọn lửa dân ca - bài chòi được gìn giữ ấm nóng trong lòng mỗi người. Không chỉ chuyên tâm phục vụ bà con nhân dân trong thôn, trong xã, năm 2016, câu lạc bộ đã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã Tam Phước mở một lớp hát dân ca cho các em học sinh trường THCS Phan Châu Trinh nhằm giúp các em biết thêm những làn điệu dân ca, trong đó đặc biệt là dân ca bài chòi xứ Quảng, góp phần khôi phục và lưu giữ lại các làn điệu dân ca cho các thế hệ mai sau. Ông Đặng Đức Lai lại được tín nhiệm giao nhiệm vụ đến với lớp học này, để truyền cho lớp con cháu của mình hơi ấm âm nhạc truyền thống, giúp các cháu yêu quý hơn những giá trị nghệ thuật dân tộc. Không chỉ được học lý thuyết đơn thuần, vào những đêm 16 âm lịch hàng tháng, các em còn được “mục sở thị” hội hô hát bài chòi. Đó là điều hết sức quý để những “hạt mầm” âm nhạc truyền thống nơi đây được ươm trồng một cách bền vững để tiếp nối thế hệ cha anh.

Ông Vũ Thạch Anh - Chủ tịch UBND xã Tam Phước khẳng định: “Với Tam Phước, CLB hô hát bài chòi thôn Kỳ Phú đã chứng tỏ được ý nghĩa của nghệ thuật dân ca – bài chòi với cuộc sống người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới… Chính vì thế, cùng với việc đầu tư tạo điều kiện cho CLB hoạt động, xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình để bài chòi được phát triển rộng khắp ở hầu hết các thôn… phục vụ tích cực đời sống tinh thần của bà con”.

NGỌC KẾT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hô hát bài chòi ở Kỳ Phú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO