Trong suốt câu chuyện Hồ Loan chia sẻ, đọng lại không chỉ việc viết lách, mà sâu sắc hơn là thẻ đăng ký hiến tạng cách đây 9 năm. “Khi sống mình không có điều kiện sẻ chia thì chết đi có thể làm được điều ý nghĩa”. Phải chăng chính bản chất biết nghĩ, biết suy tư với đời sống, đã nảy mầm một cái tên Hồ Loan ở địa hạt văn chương...
Hồ Loan được biết đến là “cây bút trẻ” của văn chương xứ Quảng khi chị đến với cuộc chơi của chữ khá muộn. Thế nhưng, chính những trải nghiệm quãng đường tuổi trẻ, những quan sát số phận đàn bà xung quanh mình trở thành chất xúc tác để Hồ Loan chiếm được tình cảm của bạn đọc. Chị vừa ấn hành tập truyện ngắn đầu tay “Như giọt chuông ngân” (NXB Hội Nhà văn, tháng 8.2022) sau thời gian rong ruổi với thơ ca.
Phận đàn bà và những ám ảnh
Hồ Loan quê thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, Núi Thành, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam.
Sách in chung: “Xuân trong lời lá” (thơ, NXB Đồng Nai, 2018), “Văn chương và cuộc sống” (thơ, tản văn, NXB Lao động 2019), “Tuyển tập thơ Quán Chiêu Văn” (NXB Văn học, 2019), “Những đôi môi cười” (tản văn, NXB Hội Nhà văn - 2022). Sách in riêng: “Như giọt chuông ngân” (truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2022).
* Hồ Loan bén duyên văn chương không phải truyện ngắn mà là với thơ. Thế nhưng qua thời gian, chừng như thơ không đủ dung lượng để chuyển tải nhiều hơn điều muốn nói, Hồ Loan tìm đến với tản văn và cuối cùng là truyện ngắn. Theo dõi kỹ quá trình sáng tác của Hồ Loan, mới thấy phận đàn bà nhiều buồn tủi cứ ám ảnh trong từng nhân vật, từng câu chuyện.
* Có một sự ám ảnh nào không khi Hồ Loan nghiêng hẳn về tuyến nhân vật nữ đầy chông chênh?
- Nhà văn Hồ Loan: Không hiểu sao xung quanh mình rất nhiều phụ nữ có số phận kém may mắn. Cuộc sống của họ chừng như nằm ở tầng đáy của xã hội. Tập truyện ngắn “Như giọt chuông ngân” tập hợp những truyện đã được đăng tải trên các báo, tạp chí, phần lớn đều đề cập nhân vật nữ.
Đó là một bà mẹ quê ra phố trong “Nhân gian một thuở”: “Mỗi đứa nuôi má một tháng không được rồi. Má ở với bé Hai má buồn lắm. Má ở với bé Ba ngột ngạt má không ưng. Má không ở được với đứa nào rồi”.
Bàn chân người già thèm hơi ruộng đồng cứ in dấu khắc khoải. Ngay trong tác phẩm “Những ngày đi qua nhau”, lời thoại của người mẹ cũng chính là tâm tư mà tôi muốn gửi gắm: “Trong tác phẩm văn học, thân phận người phụ nữ không những chịu sự sắp đặt của mệnh trời, sự nghiệt ngã của xã hội, mà ở đó, họ còn phụ thuộc vào lương tâm của người cầm bút”.
* Ẩn sâu trong đôi mắt chị, hồ như bàng bạc hình ảnh về một bà mẹ quê với những nỗi niềm tưởng chừng rất quen trong cuộc sống đời thường, nhưng nếu các con không để tâm thì khó lòng san sẻ. Đặc biệt những cô Mót, con Tuất, cái Gái mà chỉ cần nghe tên thôi cũng đã thấy tủi hờn dâng lên diệu vợi.
* Được biết, chị đến với văn chương bằng đam mê và không qua bất cứ trường lớp học thuật nào…
- Nhà văn Hồ Loan: Có lẽ việc không tiếp cận nhiều thủ pháp, lý thuyết khiến tôi hồn nhiên hơn trong từng con chữ, không câu nệ, gò ép mình theo công thức nào. Tôi viết ra tiếng lòng của mình, những mong có thể sẻ chia với phụ nữ yếu thế xung quanh.
Tất nhiên, muốn tác phẩm ngày càng lên tay buộc mình phải không ngừng học hỏi. Không có điều kiện học ở trường lớp bài bản thì cố gắng tự học. Tôi đến với văn chương cũng nhờ thế giới phẳng. Nơi ấy, các diễn đàn thơ văn, những con người viết lách xa lạ lại trở thành chỗ dựa, động viên tôi mạnh dạn thể hiện mình.
Vì yêu chữ mà theo nghiệp văn chương
* Trước đây, những lầm lụi sau buổi tan ca hay tăng ca vào ban đêm khiến Hồ Loan tự hỏi, cuộc sống của một chiếc bóng sẽ ra sao nếu mình thay đổi. Lần đầu sắm được chiếc điện thoại thông minh, cả thế giới mở ra mênh mông, không phải là ánh đèn công xưởng sáng choang chẳng thể phân biệt được ngày đêm hay quắn quíu vào ca cho kịp giờ. Lần mò tìm đọc những bài thơ, truyện ngắn của nhiều tác giả trên các diễn đàn về văn chương, tình yêu con chữ sâu thẳm động đậy, thôi thúc chị viết.
- Nhà văn Hồ Loan: Thấy họ viết, mình cũng tập tành học theo. Những vần thơ thô mộc ban đầu được bẽn lẽn viết ra, rất may nhận được sự động viên của bạn văn trên diễn đàn.
Dần dà quen tay, mạnh dạn gửi tác phẩm rồi gắn bó, thành nghiệp lúc nào chẳng hay. Phụ nữ phải tự vẽ cho riêng mình bức tranh đời đẹp nhất. Chính trăn trở ấy mà tôi nỗ lực theo đuổi văn chương, để tạo cuộc sống ý nghĩa cho riêng mình.
* Có được mất nào không khi chị chọn văn chương để đồng hành sau những mệt nhọc của đời sống?
- Nhà văn Hồ Loan: Không hề mất mà được rất nhiều. Bạn bè khắp nơi từ xa lạ trở nên thân tình, là duyên hạnh ngộ để chèn níu mình ở lại, đi đến cùng với con chữ. Mình sẽ chẳng là ai cả nếu không có những mối tâm giao, đưa đẩy mình đi qua cung đường đời sống ý nghĩa.
Cuộc sống dù vất vả nhưng may mắn đến với văn chương để được là chính mình: “Có tiếng chuông chùa vọng vào đêm tĩnh mịch. Đôi khi mơ màng, rây rây tựa sương khuya trên cỏ thu. Đôi khi ngân rỏ giọt, rỏ giọt, tựa nỗi buồn nơi trần thế. Chợt có âm thanh lôi cuốn, vừa lạ vừa quen. Tôi lần dò theo thứ âm thanh huyễn mị ấy”.
* Như trong lời bạt “Như giọt chuông ngân” mà Hồ Loan đã thổ lộ, sự quyến dụ của con chữ đưa chị vào địa hạt văn chương mà đắm say, đau đáu theo từng số phận nhân vật.
Tôi bị thu hút bởi chất mộc trong các sáng tác của Hồ Loan. Không cầu kỳ, tự thân đời sống nhân vật đã làm nên sức hút tác phẩm. Chị cứ hồn nhiên đưa phương ngữ vào từng câu chuyện, chân phương và dung dị. Những câu thoại như: “Mi đúng là Gáo Xư Bít Tút”, “Răng con?”, “Tổ cha bây” khiến bạn đọc “rặt Quảng” thích thú.
Biết đâu mình là phép màu cho ai đó
* Trong buổi trò chuyện, Hồ Loan cho tôi xem một tấm thẻ đặc biệt: thẻ đăng ký hiến tạng. Tôi lặng người vì những giá trị ẩn sau tấm thẻ ấy. Hồ Loan bảo, tấm thẻ này được đăng ký cách đây 9 năm, khi chị chưa từng đến với văn chương.
Chính những trăn trở, đau đáu với đời sống của những người xung quanh khiến chị truy vấn hành trình đến với thế giới của chính mình: Khi sống không làm được điều gì ý nghĩa cho xã hội, thì nếu chết đi, những mong thân thể này có thể trở thành phép màu cho ai đó. Phải chăng, chính bản chất biết nghĩ, biết suy tư với đời sống, đã nảy mầm một cái tên Hồ Loan ở địa hạt văn chương.
- Nhà văn Hồ Loan: Tôi không có nhiều kiện kiện để cho đi trong đời sống này. Thế nên, mong ước sau này nếu về cát bụi thì được cho đi một phần thân thể, những mong phép màu sẽ đến với ai đó. Tôi tự tìm kiếm thông tin và đăng ký hiến tạng.
Phía nhận đăng ký có hỏi tôi nguyện vọng thế nào sau khi hiến tạng, tôi trả lời mong được hỏa táng, tro cốt rải ở vịnh Nha Trang, nơi có biển, có núi tuyệt đẹp để tiếp tục phiêu diêu.
Lúc đầu gia đình không đồng ý nhưng sau thời gian thuyết phục, mọi người hiểu và chấp nhận ước nguyện của tôi. Con cái tôi bây giờ cũng hiểu tâm ý mẹ và mong muốn lớn lên cũng có thể làm được điều ý nghĩa ấy.
* Ẩn sau đôi mắt buồn của Hồ Loan là một sức sống mãnh liệt, không đầu hàng số phận để vươn lên đón ánh mặt trời. Con đường văn chương của Hồ Loan không bằng phẳng và bắt đầu từ một tờ giấy trắng. Thế nhưng, chị đã biết cách viết lên đó dấu ấn của riêng mình, không lẫn với bất kỳ ai, bằng chính cảm xúc và sự chân phương, hồn hậu với chữ nghĩa.
Phép màu đã mở ra khi chị sở hữu song song hai đời sống: đời sống văn chương và đời sống lao động nhiều cực nhọc. Văn chương đã cứu cánh để chị trở thành phiên bản ý nghĩa hơn.
Như cách chị chia sẻ: “Tôi đã từng biết đến những cú sốc và trạng thái rối bời, giờ nó thôi thúc tôi ghi lại thành truyện… Khi viết ra, tôi đã lấy lại yên tĩnh trong cõi lòng bởi niềm yêu cái đẹp, quý trọng những mảnh đời tồn sinh và vươn lên từ bất hạnh hay hạnh ngộ”.
* Tiếng chuông đã ngân rung, bạn đọc chờ đợi một tần số âm thanh riêng biệt để nhận biết, tạo nên thương hiệu riêng với cái tên Hồ Loan.