Hồ Nghinh, người luôn đổi mới

HỒ DUY LỆ 10/02/2016 15:09

Ông Hồ Nghinh sinh ngày 15.2.1913, tức năm Quý Sửu. Là bạn học với cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở trường Quốc học Huế. Đang học tú tài Tây năm thứ ba thì bị Tây bắt bỏ tù vì tham gia bãi khóa đòi ân xá Phan Bội Châu, tham gia truy điệu Phan Châu Trinh... Bị tù 2 năm, đến tháng 2.1932, ra tù, ông về quê Duy Trinh, cùng em trai Hồ Thấu lập ra trường Tân Tân. Khi quê hương đất nước chìm  trong đọa đày, ngột thở, ông lập nên ngôi trường mới giữa làng quê, mang tên Tân Tân, với hàm ý trường mới, học trò mới, học để biết những điều mới, học để xây dựng một xã hội mới, một đời sống mới. Trường Tân Tân đã thực sự và trực tiếp gieo tư tưởng tiến bộ, yêu nước của anh em ông đến với dân làng, đến với lớp trẻ đang khát khao tiến bộ, khát khao cái mới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh với “nụ cười chiến thắng”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh với “nụ cười chiến thắng”.

Thời làm thầy ở ngôi trường làng thân yêu, ông bắt liên lạc với cán bộ Việt Minh, tiếp thu chủ trương đánh Pháp, đuổi Nhật, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở xã trong Cách mạng Tháng 8.1945. Năm 1946, tuy là con nhà quan, nhưng ông Hồ Nghinh được đứng trong đội ngũ đảng viên Cộng sản, rồi tham gia các cấp ủy đảng từ Huyện ủy đến Trung ương. Trải qua hành trình công tác, ông luôn có những suy nghĩ đổi mới đầy sáng tạo vì độc lập, tự do, vì hạnh phúc cho mọi người, ông vấp phải không ít những thế lực cản trở, những sức ỳ của bảo thủ. Ông không lạ gì lời tuyên chiến với cái lạc hậu của học giả Phan Khôi - người đồng hương lúc bấy giờ: "Cái óc của con người ta không có thể trong một lúc mà đựng được hai thứ mới và cũ. Vậy nên, hễ muốn duy tân theo cái mới thì cần rửa cho sạch hết cái óc cũ ấy đi rồi mới tiếp nhận cái mới được".

*
*              *

Ông Phạm Hồng Quang, người rất quý trọng và thường sát cánh bên Hồ Nghinh trong những thời khắc khó khăn nhất kể lại: Đến ngày thứ hai mươi của chiến dịch xuân Mậu Thân (1968), thì anh Nghinh mới thoát  khỏi vòng vây quanh thành phố Đà Nẵng, nhờ một cơ sở đèo Vespa lượn lách đoàn xe Mỹ đưa ra. Gặp, mừng, anh Nghinh bắt tay, nói: Chưa bao giờ mình đi oai vệ như lúc này. Trước Mỹ, sau Mỹ, ở giữa Bí thư ngồi Vespa. Anh đùa như vậy, nhưng anh không cười, nét mặt nghiêm nghị, tư lự. Trên đường đi từ vùng B Điện Bàn về Gò Nổi, toàn là đồng bào rất cách mạng mà ấm ức, vì không "cướp được chính quyền về tay nhân dân". Biết anh em mình là cán bộ, họ nói  xóc hông: nước mình có nhiều mỏ vàng, mỏ bạc. Riêng Quảng Nam có thêm “mỏ nói láo”. Ba lần tôi quay lại giải thích cho bà con hiểu, nhưng anh Phước (hồi đó anh Nghinh tên Phước) nắm tay tôi kéo đi, bảo: Thôi, thôi ông ơi! Anh kể chuyện mắc kẹt trong thành, nóng lòng chờ đợi chủ trương. Anh kể hết chuyện nọ sang chuyện kia, tới chuyện anh ngồi đánh bài với mấy sĩ quan ở Sài Gòn về ăn tết. Anh nói: Tôi định đánh thua để nó khỏi chú ý đến mình, mà bốc cứ trúng con xì hoài. Tôi hiểu tánh anh Nghinh, lúc nào đang bí cái chi đó, nghĩ chưa ra, anh hay nói chuyện tếu như vậy. Tự nhiên, anh cắt ngang câu chuyện. Có vị anh hùng thời xưa lo việc nước một đêm bạc hết tóc, nhưng tôi thấy tóc tôi và ông còn xanh quá, ông Tân ạ (lúc đó tôi tên Tân): "Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma". Giọng anh trầm xuống, nghe cảm khái, cặp mắt đăm chiêu, buồn. Một lát, anh nói: Thế nào Trung ương cũng bắt mình làm tiếp. Không làm không được. Bây giờ ông nghĩ làm sao tình thế như ri? Tôi nói: Tình thế ni, nhiều anh em đều nghĩ nát óc mà chưa ra cái gì cả. Đà Nẵng bây giờ đang vô cùng khó khăn. Dứt khoát là xây dựng lại được thôi. Tình thế đảo ngược, muốn quay phong trào lên nhanh nhất cũng phải bỏ ra hai ba năm, nhiệm vụ Hè - Thu đến nơi... Làm sao đưa súng đạn, lực lượng vào, chỗ nào rấm quân, chỗ nào giấu vũ khí. Lại còn đấu tranh chính trị hỗ trợ. Cả trăm thứ yêu cầu, thực lực lấy đâu ra, nếu không có mặt người đảng viên vững vàng ở cơ sở? Tôi nghĩ ngợi mãi mà, đầu óc vẫn mờ mịt. Tôi vẫn cắm cúi đi. Đi tới bến đò Kỳ Lam, tự nhiên một ý nghĩ lóe sáng như cái bật lửa. Tôi nói liền với anh: Ở Điện Bàn, Hòa Vang, ta sẵn có đảng viên hợp pháp khá đông. Bây giờ mình tung số đó vào thành để tạo ra lực lượng mới. Anh Nghinh nhìn tôi, mắt nháy nháy, vẫn  làm thinh. Đi một đoạn, anh dừng lại giữa đám dâu bên sông Thu Bồn: Ông nói tôi nghe có sáng ra. Ông đặt cái tên Tân, cũng là Mới. Ông biết chuyện vua Thang bên Tàu cho khắc lên cái chậu tắm của mình dòng chữ: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”. Vua Thang muốn mỗi ngày, khi vào chậu tắm, nhìn thấy câu ấy, nghĩ ra thêm một điều mới. Ở xứ Việt ta, cụ Phan Bội Châu cũng nhắc lại “ngày ngày mới, lại ngày mới” trong bài thơ chúc tết thanh niên. Mình không phải vua, chúa, nhưng là lãnh đạo, khi gặp khó khăn, phải  suy nghĩ tìm lối thoát. Vầy thì, lãnh đạo làm sao? Tôi đi một đoạn, dừng lại nói: Người xã nào thì xã đó lãnh đạo. Đi đến Bảo An Tây, anh Nghinh bảo tôi: Rồi đây, nó không để ta yên đâu. Chúng  phản kích, quyết đẩy chúng ta lên núi. Thế nào rồi nó sẽ xúc dân các vùng giải phóng... Tôi nói với anh Nghinh: Nó xúc thì mình mất dân ở vùng giải phóng. Nhưng, nó lại đẩy dân cách mạng vào thành phố. Anh Nghinh nhìn tôi: Ông nói thêm về chuyện lãnh đạo làm sao? Tôi nói: Không làm theo địa bàn dân cư, mà theo dây, theo chuỗi của xã. Các chi bộ xã sẽ yêu cầu đảng viên đi theo để nắm dân của mình. Đến đây, quyết tâm của anh Nghinh mạnh mẽ đến mức nét phấn khởi sáng trên gương mặt sạm nắng. Anh bảo tôi: Chiều ni ông không họp Đặc khu ủy. Ông xuống gặp Tổ chức Đặc khu, hình như ở Bến Đền. Ông đến bàn công việc này cho thật sáng... Đặc khu ủy quyết định đưa đảng viên hợp pháp, hầu hết là nữ, làm như họ bỏ nông thôn vào thành phố, để địch ít chú ý, thành lập chi bộ mới, gọi là chi bộ 2, trực tiếp lãnh đạo phong trào, làm xoay chuyển tình thế sau xuân Mậu Thân...  Khi báo cáo chuyện này với Bộ Chính trị, anh Ba Duẩn cho đây là một sáng tạo độc đáo của Quảng Đà.

*
*                 *

Khi ông Hồ Nghinh quyết định rời cái hang đá trong núi Hòn Tàu, xuống chọn cái tam giác: Điện Xuân, Điện Quang, Điện Thái, làm nơi đóng cơ quan Văn phòng Đặc khu ủy cơ động, không ít anh em trong Đặc khu ủy băn khoăn. Ông giải thích: Thằng Mỹ cố đẩy ta xa thành phố, đẩy lên núi... thì ta phải xuống đồng bằng, áp sát vào thành phố. Tướng Nguyễn Chí Thanh khi tổng kết trong Đại hội chiến sĩ thi đua toàn Miền, có nhắc đến trận Đồng Dương, trận Xuyên Thanh... và đúc kết thành phương châm đánh Mỹ thắng lợi, ít bị thương vong là: "Bám thắt lưng địch mà đánh". Bí thư Tỉnh ủy xuống đồng bằng để chỉ đạo thì các ngành, các cấp cũng phải rời căn cứ xuống theo. Xuống đồng bằng thì ác liệt nhưng gần dân, gần gạo, mắm, có rau xanh. Không như giặc Pháp, chúng khó vào tới vùng tự do. Với binh khí hiện đại của Mỹ, trốn đâu nó cũng đến được. Hà Nội mà nó còn đánh bom thì có chỗ mô nó chừa! Sau Tết Mậu Thân, Mỹ và quân đội Sài Gòn tại Vùng một chiến thuật xua quân càn quét, ra lệnh tầm nã “Thiếu tướng Hồ Nghinh”, đồng thời cho máy bay Đakota rải chất độc làm trụi lá cây, cho B52 rải thảm núi Hòn Tàu. Làm sao chúng có thể ngờ một Bí thư Đặc khu ủy, Chính ủy Mặt trận 4 (vì chức Chính ủy này mà chúng "phong hàm" cho ông Hồ Nghinh) dám nằm ở Gò Nổi, chiều chiều ra nhìn anh em du kích lội sông vớt cá bị bom chết ở thượng nguồn Thu Bồn trôi xuống, nhìn xe chạy, người đi trên đường số 1.

Đồng chí Hồ Nghinh thời ở Hòn Tàu (Quảng Nam).
Đồng chí Hồ Nghinh thời ở Hòn Tàu (Quảng Nam).

Chuyện giữ dân, giành dân thì bao phen trần ai. Giặc cày nát làng xóm, đánh trầy mày sưng mặt, dân vẫn cố bám trụ, không chịu rời làng còn vì thương cán bộ du kích chịu cảnh "mồ côi dân". Chúng bình định điểm, cho xe cày hầm, cho trực thăng hạ xuống Xuyên Hòa - một xã có phong trào du kích chiến tranh mạnh, chở dân vô khu dồn  An Hòa - Đức Dục. Cán bộ loay hoay thì ông Hồ Nghinh có cách vận động dân độc đáo. Ông giở vốn Nho ra, viết thư gửi cho các cụ thân hào, nhắc đến điển tích: Lung kê hữu mễ thang oa cận/ Dã hạc vô lương thiên địa khoan. Các cụ hiểu thâm ý, không muốn làm con gà ăn no bên nồi nước sôi và con dao nên vận động bà con đang được địch nuôi như gà công nghiệp, tự động phá khu dồn về làng, cùng con em du kích, trồng rau, nuôi gà, họp chợ. Sau ngày giải phóng, lo cái ăn cho dân, ông có nhiều cách độc đáo. Khi đề ra chuyện di dời mồ mả lấy đất ruộng cho cây lúa, ngoài chuyện giải thích cho cán bộ hiểu ý nghĩa, mục đích, không bàn ra, ông xuống gặp mấy cụ già có uy tín trong làng, gặp các lão nông tri điền, vận động, thuyết phục các cụ. Các vị thân hào nghe lọt tai thì coi như chủ trương thành công.

*
*                  *

 Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng kể: "Sau Đại hội V, anh Nghinh về công tác ở Ban Kinh tế Trung ương. Anh Nghinh cùng một số anh em có đồng quan điểm như Hà Nghiệp, Đoàn Duy Thành... đã góp phần làm rõ những nguyên nhân dẫn đến trì trệ trong xây dựng kinh tế do cơ chế tập trung quan liêu bao cấp ngự trị quá lâu, cần phải đổi mới toàn diện. Những trăn trở suy nghĩ đó được bộc lộ khá mạnh từ anh Nghinh, đã góp phần cho quá trình chuẩn bị Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, một nghị quyết đóng vai trò then chốt để đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ...". Còn nhà báo, học giả nổi tiếng Trần Bạch Đằng cũng ghi chuyện: "Một lần đồng chí Lê Duẩn nói với anh - có mặt tôi - chung quanh vấn đề kinh tế, về giá trị thặng dư và anh Duẩn cười bảo: Vẫn còn "cửa" cho anh Nghinh cãi đấy". Và, anh cãi thật. Đọc khá nhiều sách kinh điển, kiến thức rộng, ảnh hưởng văn hóa Pháp khá sâu, cộng tính khí người Quảng, anh cãi với lý lẽ hẳn hoi... Cái mà anh Hồ Nghinh coi như "không đội trời chung" là bệnh giáo điều, xa thực tế Việt Nam, bệnh quan liêu, thói ham quyền hống hách và thói ham của bất kể đạo lý".

Vì cái "không đội trời chung" đó mà khi đã nghỉ hưu ông vẫn bị không ít người "sợ", họ sợ cả những suy nghĩ mới của ông. Ở nhà con gái trong Sài Gòn lâu, nhớ, ông về thăm quê hương. Ông đến thăm Nhà xuất bản Đà Nẵng, tôi ra chào; ông bắt tay tôi, nheo mắt, cười hiền khô: Mình đến thăm, không sợ sao? Tôi thưa: Sợ chú thì chúng cháu đâu bỏ học, dám lên tận Dốc Ô Rây, rúc núi Hòn Tàu... lắng nghe chú nói chuyện.

Ông là thần tượng, là thầy của lớp sinh viên, học sinh, trí thức trẻ "dám xông pha" đòi quyền sống, đòi hòa bình, dân chủ, thời chống Mỹ xâm lăng. Lần thăm ấy, tôi nhớ mãi lời ông dặn: Cố gắng xuất bản nhiều sách hay, không chỉ cho văn nghệ sĩ, trí thức, cần có sách hay, có ích, cho học sinh đọc, cho dân đọc.

HỒ DUY LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hồ Nghinh, người luôn đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO