"Hồ sơ" hoàn thuế

02/04/2016 07:36

Thuế giá trị gia tăng đã được ban hành gần 20 năm trước. Việc hoàn thuế đã thực hiện từ năm 1999. Đây là khoảng thời gian đủ dài để hoàn thiện quy trình, nhưng nhiều lần sửa luật, thay đổi, hoàn thuế vẫn là nỗi bức xúc của xã hội. Cơ quan thuế được quyền phạt 0,05%/ngày (nay đã được giảm xuống 0,04%/ngày) nếu doanh nghiệp bị chậm thuế, còn ngược lại, cơ quan quản lý không trả lãi cho số tiền bị chiếm dụng ấy. Bất công, thiếu sòng phẳng kéo dài ấy lại được xem như điều hẳn nhiên. Doanh nghiệp muốn ngành tài chính nhìn thấy sự bất ổn, vô lý này để có thể “sửa sai” chính sách, nhưng liệu có được thỏa mãn?

Xuất khẩu là một trong 9 đối tượng được hoàn thuế
Xuất khẩu là một trong 9 đối tượng được hoàn thuế

PHẢI SÒNG PHẲNG, CÔNG BẰNG VỚI DOANH NGHIỆP

“Bất ngờ” chính sách

Không có tiền để hoàn thuế cho doanh nghiệp khi Cục Thuế bị âm số tiền hoàn buộc ông Lương Đình Đường – Phó Cục trưởng Cục Thuế lên tiếng yêu cầu UBND tỉnh can thiệp Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế cấp tiền hoàn thuế cho doanh nghiệp hồi tháng 9.2015 là câu chuyện khá phi lý. Số tiền nợ hoàn thuế công bố khi ấy chỉ khoảng 70 tỷ đồng không lớn so với nguồn lực của ngành tài chính, nhưng công bố có doanh nghiệp bị giam đến 2 hoặc 3 tỷ đồng trong nhiều tháng) đã gây thắc mắc, khó hiểu cho không ít người. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng – một người từng làm quản lý trong ngành tài chính nhiều năm cũng đã khá bất ngờ khi doanh nghiệp đến “kêu cứu” xin cấp tiền hoàn thuế tại cuộc tiếp doanh nghiệp thường kỳ tháng 10.2015. Ông Tùng đã đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp chậm thuế thì bị phạt, còn nhà nước nợ hoàn thuế lại không? Hoàn thuế cần phải công bằng, sòng phẳng. Tối thiểu chậm hoàn thuế thì phải tính lãi, nhưng sao chính sách lại không có điều này? Không thể trách Cục Thuế, nhưng đứng về mặt chính sách là điều hoàn toàn không ổn! Cần kiến nghị để thay đổi!

Chuyện gian nan, khổ sở hoàn thuế đã nóng trên công luận suốt thời gian qua vẫn chưa có tiến triển gì đáng kể, lặp lại từ năm này đến năm khác. Nhiều doanh nghiệp cảm thấy uất ức khi chỉ chậm nộp thuế thì bị phạt và tiền lãi chậm, nhưng bị “chiếm dụng” thì không thấy nói năng gì. Theo tính toán của giới doanh nghiệp, số tiền chậm hoàn thuế nằm ở cơ quan thuế nhiều ngày (có doanh nghiệp bị ngâm đến 2 hoặc 3 tháng), nếu tính lãi suất ngân hàng chỉ 5% hay 6% thôi thì số tiền này gửi ngân hàng cũng có thêm tiền lãi để kinh doanh. Nhưng cả vốn và lời ấy vẫn nằm chôn chân tại chỗ và chắc không ai đền bù những thiệt hại tính được đó của doanh nghiệp. Trong khi đó, số tiền phạt, truy thu đã tăng rất nhanh trong nhiều năm qua sau những cuộc thanh, kiểm tra không còn là chuyện lạ. Những quy trình kiểm tra nội bộ mới lại xuất hiện nhưng chuyện sòng phẳng với doanh nghiệp lại tiếp tục bị lờ đi. Khi số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản chưa ngừng gia tăng và không ít doanh nghiệp xem tiền hoàn thuế GTGT là vốn chính để làm ăn thì việc chậm hoàn thuế hoặc những cuộc rà soát, kiểm tra bế tắc khiến cho việc hoàn thuế rơi vào vô vọng, doanh nghiệp không biết bao giờ mới được hoàn thuế để lấy vốn hoạt động trở lại…

Sửa đổi chính sách, tại sao không thể?

Cho dù cơ quan thuế công bố số nợ hoàn thuế năm 2015 đã được giải quyết, nhưng liệu ai có thể cam đoan với doanh nghiệp rằng lại không tái diễn cảnh thấp thỏm chờ hoàn thuế khi ngành thuế cũng không thể chủ động được tiền hoàn mà chỉ trông chờ vào sự cấp phát của Quỹ hoàn thuế trung ương. Theo lý giải của cơ quan thuế, đây là ngân sách nhà nước nên cán bộ thuế phải cẩn trọng rà soát nhằm tránh sai sót, tránh phải chịu trách nhiệm với những doanh nghiệp chưa đủ điều kiện hoàn thuế thì không lý do gì khi doanh nghiệp đã đủ điều kiện hoàn thuế lại phụ thuộc vào Quỹ hoàn thuế GTGT. Hàng năm, con số hoàn thuế đã được các Cục Thuế dự báo chính xác nhưng sao lại rơi vào thâm hụt đến mức không có tiền hoàn thuế cho doanh nghiệp? Thực tế, về bản chất, tiền hoàn thuế GTGT là tiền của doanh nghiệp đã ứng trước nộp vào ngân sách khi mua nguyên liệu. Chậm hoàn thuế ngày nào sẽ làm khổ cho doanh nghiệp ngày ấy, thậm chí đẩy họ vào chỗ phá sản.

Không ít doanh nghiệp cho hay ngành tài chính đã đạt khá nhiều hiệu quả cải cách hành chính. Nhưng điều ấy chưa đủ. Nhìn dưới góc độ nộp thuế là thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách nhà nước. Lẽ ra doanh nghiệp phải được phục vụ với điều kiện thuận lợi nhất, nhưng tại sao một điều bất hợp lý cứ diễn ra năm này sang năm khác, lại không được ai sửa đổi. Cơ quan thuế thì được quyền phạt còn doanh nghiệp thì không được quyền đòi quyền lợi? Đây là kiểu quản lý áp đặt. Ông Lê Anh Văn – Giám đốc Vietlinsky - một công ty chuyên xuất nhập khẩu bằng tàu biển nói đã đến lúc ngành tài chính cần sòng phẳng hơn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp chậm nộp thuế thì bị phạt và phải trả lãi. Nhưng cơ quan thuế nợ tiền thì vô tư thỏa mái, chẳng ai xử lý và cũng chẳng bị phạt. Tiền hoàn thuế lại bị “ngâm” là vô lý, không công bằng với doanh nghiệp. Vì vậy, cần thiết phải có quy định trong vòng bao nhiêu ngày thì cơ quan thuế phải giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp. Không thể để tù mù như hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp nêu ra câu hỏi tại sao Luật quản lý thuế cho phép người nộp thuế được quyền tự tính, tự khai, tự nộp thuế nhưng lại không cho phép doanh nghiệp được quyền tự hoàn thuế? Nếu cứ tiếp tục giải quyết theo sự vụ thì nỗi khổ hoàn thuế của doanh nghiệp vẫn sẽ kéo dài. Nếu không có sự minh bạch hay sòng phẳng giữa cơ quan nhà nước thì có nguy cơ dẫn đến sự thiếu niềm tin vào hiệu lực chính quyền, cơ quan quản lý, dẫn đến một môi trường đầu tư lập lờ. Tuy nhiên, ngay mới đây, Bộ Tài chính phát đi công văn giải quyết hồ sơ hoàn thuế không quá sáu giờ làm việc thì cũng chỉ là biện pháp kỹ thuật trong nội bộ ngành tài chính. Không hề đả động đến trách nhiệm, kể cả “nghĩ tới việc trả lãi chậm hoàn thuế” để thể hiện sự sòng phẳng với doanh nghiệp! (TÙY PHONG)

SẼ KHÔNG CÒN GIAN NAN HOÀN THUẾ?

Thủ tục hoàn thuế nhiêu khê chưa bao giờ dứt, cái khó luôn được đẩy về doanh nghiệp.

Các dự án đầu tư mới hay mở rộng đều nằm trong diện được hoàn thuế. Ảnh: N.P
Các dự án đầu tư mới hay mở rộng đều nằm trong diện được hoàn thuế. Ảnh: N.P

Gian nan hoàn thuế

Bà Phùng Thị Liên Châu – Giám đốc Công ty TNHH MTV May thêu Song Châu (Xuân Đài, Điện Quang, Điện Bàn) đã nêu kiến nghị tại cuộc tiếp doanh nghiệp thường kỳ ngày 5.10.2015 rằng ngày 7.8.2015 công ty này đã nhận được quyết định hoàn thuế hơn 2,23 tỷ đồng của Cục Thuế Quảng Nam sau khi đã bù trừ các khoản nộp ngân sách nhà nước. Nhưng đã nhiều tháng qua, công ty chưa thể nhận được số tiền hoàn thuế này. Khó vốn, doanh nghiệp này đã phải tìm đến nguồn tín dụng, nhưng không được chấp nhận. Bà Châu nói việc hoàn thuế không được đã khiến doanh nghiệp không thể trả lương đúng hạn cho công nhân, thiếu chi phí xuất khẩu, phải đóng cửa hai dây chuyền may, dẫn tới vi phạm hợp đồng với đối tác và trễ hạn trả lãi cho ngân hàng. Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp sẽ lâm vào cảnh điêu đứng, chắc phải ngừng sản xuất vì hạn mức tín dụng ngân hàng đã hết, khó có thể tồn tại lâu hơn. Kiến nghị của Song Châu bất ngờ nhận được phản hồi khi cơ quan thuế thông báo đã có hạn mức hoàn thuế và sẽ ban lệnh hoàn ngay trong tuần. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì hay do việc hoàn thuế chậm đã khiến Song Châu đối mặt với những kiện tụng, phải ra tòa… vì nợ lương, nợ bảo hiểm…và dường như đã đóng cửa nhà máy.

Chuyện của Công ty TNHH MTV May thêu Song Châu nhắc tới trong cuộc tiếp xúc doanh nghiệp thường kỳ tháng 10 chỉ là lát cắt nhỏ trong muôn vàn khó khăn doanh nghiệp phải đương đầu trong cuộc đầu tư, kinh doanh ngày càng khốc liệt. Danh sách doanh nghiệp gặp khó khấu trừ tiền ứng trước hay hoàn thuế ngày càng nhiều mà “lỗi” không phải thuộc về chính họ - là câu chuyện không lạ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ đã phải đau đầu với việc cạnh tranh trên thị trường, luôn lo sợ những rủi ro không như mong muốn nên phải thường xuyên kiểm tra, lắng nghe, cập nhật các quy định về thuế và luôn sẵn sàng chuẩn bị để “đương đầu” với cơ quan thuế. Nhưng một khi chậm hoàn thuế, tức một phần lỗi của cơ quan thuế thì lại trở thành chuyện của ai, không ai chịu trách nhiệm và doanh nghiệp luôn là phía nhận lấy khó khăn. Giám đốc một doanh nghiệp (không muốn nêu tên) nói công ty bà đã nhận quyết định hoàn thuế nhưng nhiều tháng vẫn không nhận được tiền. Những cuộc liên hệ với cơ quan thuế lúc nào cũng nhận những câu trả lời là chưa có quỹ hoàn. Trước đây, chỉ đợi từ 10 – 15 ngày là được hoàn thuế nhưng mấy tháng qua có hồ sơ kéo dài đến mấy tháng mà chẳng thấy tăm hơi gì. Vốn nghẽn, cần tiền, phải đi vay ngân hàng, phát sinh chi phí khiến sức cạnh tranh không nổi. Doanh nghiệp phải chạy tới chạy lui để hỏi tiến độ hoàn thuế. Hàng hóa xuất khẩu ngày càng khó, đối tác trả giá từng đồng, doanh nghiệp phải tiết kiệm chi phí đầu vào hết mức có thể nhằm có giá tốt nhất.

Gió đã đổi chiều?

Ông Lê Mai Khắc Hưng – Phó Cục trưởng Cục Thuế nói không phải cơ quan thuế không biết đến sự bất cập này, nhưng không có tiền lấy đâu hoàn thuế. Phần lớn hồ sơ đều bị chậm so với quy định do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự điều phối của Tổng cục Thuế. Quy trình hoàn thuế tại Quảng Nam khác rất nhiều so với các địa phương khác. Cục Thuế Quảng Nam đã ra quyết định hoàn thuế đúng thời gian quy định. Thời hạn giải quyết trong 6 ngày nếu hoàn trước, kiểm sau và 40 ngày kiểm trước hoàn sau. Khi có tiền sẽ ban lệnh hoàn thuế. Còn không thì ra văn bản thông báo nợ doanh nghiệp. Cơ quan thuế chỉ có thể giải thích rằng do khó khăn về tài chính nên tiền hoàn thuế chưa về kịp. Còn khi Quỹ cấp sẽ xử lý theo thứ tự ưu tiên vì Cục Thuế đã xác định được thời gian xin hoàn thuế của tất cả doanh nghiệp trong diện được hoàn thuế. Họ cũng rất mệt mỏi trước phản ứng của doanh nghiệp nhưng chẳng biết ăn nói thế nào vì quỹ hoàn thuế không được phân bổ kịp thời. Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho rằng tất cả điều đó đã là chuyện cũ. Hiện tại dường như tất cả hồ sơ hoàn thuế đều đã được hoàn do Quỹ hoàn thuế đã kịp thời bổ sung cho Quảng Nam.

Bà Ca Thị Như Bích – trưởng phòng kê khai và kế toán thuế cho hay hoàn thuế GTGT là chủ yếu ở Quảng Nam. Còn hoàn thuế thu nhập cá nhân trích từ tiền ngân sách dễ dàng thực hiện và con số này không đáng kể. Lượng tiền hoàn thuế theo dạng này cả năm chỉ khoảng 1 tỷ đồng dù số hồ sơ hoàn khá nhiều. Bà Bích nói một khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ, ban lệnh hoàn hay xác nhận chuẩn hồ sơ thì giải quyết xong việc này coi như đã hết trách nhiệm. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế không quy định ngày chi tiền. Tuy nhiên, gần như tiền hoàn thuế cho doanh nghiệp đã hoàn tất. Số tiền hoàn thuế đã được cấp bổ sung ngay trong những tháng đầu năm 2016 cho doanh nghiệp kịp chi trả lương, thưởng. Cuối năm 2015 còn nợ tiền hoàn cho doanh nghiệp nhưng giờ Quỹ hoàn thuế địa phương đã dư. Theo thống kê, tổng số chi hoàn thuế năm 2015 khoảng 485,731 tỷ đồng. Số hồ sơ năm 2015 chuyển sang đã chi hoàn khoảng 5,665 tỷ đồng. Tính đến nửa tháng 3.2016, Cục Thuế đã chi hoàn khoản 30/33 hồ sơ, gần 99,348 tỷ đồng. Dự kiến năm 2016, số tiền hoàn thuế sẽ khoảng gần 150 tỷ đồng.

Doanh nghiệp có thể hy vọng khi mới đây khi Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay bộ này sẽ sửa đổi chính sách cho phép hạch toán bù trừ cho nhau với các doanh nghiệp nợ ngân sách nhưng nằm trong diện hoàn thuế. Sẽ điều hòa linh hoạt hơn quỹ hoàn thuế. Không giao hạn mức cho từng địa phương mà là dự toán cho toàn Tổng cục thuế, bảo đảm không có nơi thừa nơi thiếu. Việc hoàn thuế sẽ thực hiện theo quy trình điện tử với thông tin được công khai cho doanh nghiệp.  (NHẬT PHONG)

NGƯ DÂN "MẤT TRẮNG" THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Chính sách thay đổi. Ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ bất bình khi không được hoàn thuế giá trị gia tăng. Lỗi do ai?

Ông Lương Tấn Xị bên máy thủy mới của tàu cá QNa-91739. Mua máy thủy đó sử dụng, ông Xị phải đóng thuế 250 triệu đồng mà không được hoàn lại.
Ông Lương Tấn Xị bên máy thủy mới của tàu cá QNa-91739. Mua máy thủy đó sử dụng, ông Xị phải đóng thuế 250 triệu đồng mà không được hoàn lại.

Không được hoàn thuế

Chủ con tàu vỏ gỗ Qna – 91739, công suất 810 CV từ vốn vay ưu đãi Nghị định 67 Lương Tấn Xị (Đông Mỹ, Tam Giang, Núi Thành) bất ngờ, hoang mang khi biết sẽ không được hoàn thuế giá trị gia tăng. Ông Xị nói khi mua máy thủy mới lắp đặt trên tàu cá theo đúng quy định là 2,5 tỷ đồng, gia đình chắc mẩm sẽ được hoàn lại 250 triệu đồng thuế theo như thông tin được phổ biến khi triển khai Nghị định 67. Thế nhưng, ngành thuế cho biết ông không được hoàn số thuế này. Không được hoàn tiền thuế, gia đình ông Xị đã phải vay nóng để trang trải chi phí cho những chuyến biển vừa qua. “Vay nóng, lãi cao. Mỗi chuyến biển chắt chiu, tằn tiện, số dư được bao nhiêu cũng chỉ vừa đủ trả tiền lãi vay nóng, không đủ để trả các khoản nợ nần khác. Nếu được hoàn trả tiền thuế GTGT, không phải vay nóng để sản xuất thì còn dành dụm để trả nợ ngân hàng khi vay 4,9 tỷ đồng đối ứng đóng tàu. Chừ thì phải chạy đôn, chạy đáo, hy vọng chờ những chuyến biển thành công ngoài mong đợi thì mới có thể ổn định được”, ông Xị nói.

Không riêng ông Xị đau lòng xót của, cảm thấy mất mát khi không hoàn thuế được cho con tàu trị giá hơn 7 tỷ đồng, nhiều ngư dân khác là Đỗ Văn Tiến, Trần Đậu, Phạm Hiên và Đỗ Văn Thành (Trà Đông, Duy Thành, Duy Xuyên) đang đóng mới tàu vỏ thép tại TP.Đà Nẵng đứng ngồi không yên khi hay tin sẽ không được hoàn thuế. Khi đóng tàu, họ được các ban, ngành của tỉnh thông tin sẽ phải tự bỏ tiền ra đóng thuế GTGT rồi sau đó sẽ được ngành thuế hoàn trả. Họ vẫn chưa được thông tin gì thêm đến thời điểm này nên quá bất ngờ khi nghe nói không được hoàn lại tiền thuế. “Con tàu sắp hạ thủy đi vào sản xuất. Thiết bị, vật dụng, ngư lưới cụ đặt mua đều được doanh nghiệp bán hàng tính thuế GTGT 10% khi xuất hóa đơn. Không được hoàn thuế, mất trắng tiền tỷ, chúng tôi làm sao chịu được. Con tàu trị giá 15 tỷ đồng, đóng thuế 1,5 tỷ đồng GTGT. Tất thảy là 16,5 tỷ đồng. Lãi ngân hàng, lại thêm không được hoàn thuế nên khá lo lắng. Nếu sản xuất không thuận lợi thì làm sao trả nợ ngân hàng”, anh Trần Đậu nói.

Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên?

Ông Lương Đình Đường - Phó cục trưởng Cục thuế Quảng Nam cho biết, ngư dân sẽ được hoàn thuế GTGT nếu hoàn thành đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 trước ngày 31.12.2014. Còn kể từ ngày 1.1.2015 trở đi sẽ không được hoàn thuế vì Luật Thuế đã thay đổi từ ngày 1.1.2015. Nếu Luật Thuế cũ, khi đóng mới tàu cá có công suất từ 400 CV trở lên phải nộp thuế GTGT thì Luật Thuế mới “thoáng hơn” ở chỗ tàu cá sản xuất xa bờ sẽ không phải nộp thuế GTGT khi đóng tàu. Chủ trương của Nhà nước là muốn giảm chi phí đóng tàu cho ngư dân được chừng nào hay chừng ấy nên quy định hoàn thuế nếu như ngư dân phải đóng thuế theo quy định cũ. Nhưng quy định mới, ngay từ đầu, ngư dân đã không phải nộp thuế GTGT nên tất nhiên sẽ không hoàn trả. “Ngư dân phải đóng thuế GTGT khi mua các sản phẩm trang bị trên tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67 từ năm 2015 đến nay là điều rất khó tin. Khi có luật thuế mới, chúng tôi đã thông tin đầy đủ đến toàn thể các địa phương ven biển, ngư dân làm sao không nắm được. Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 cũng họp thường xuyên và không hề nghe nói gì về chuyện ngư dân phải nộp thuế GTGT từ năm 2015 đến nay. Ở Quảng Nam, không có ngư dân nào được hoàn thuế GTGT là đúng vì mọi con tàu được đóng mới theo Nghị định 67 đều từ năm 2015 trở đi”, ông Đường nói.

Về phía ngư dân, họ cho rằng không hề hay biết gì về Luật Thuế mới hay cũ vì không được ai nói đến. Họ bám biển quanh năm, không có thời gian để tìm hiểu sự thay đổi đó. Ông Trần Đậu nói trước đây chỉ biết theo Nghị định 67 thì đóng thuế khi đóng tàu, sẽ được hoàn thuế. Ngư dân không có thông tin gì về thời điểm Luật Thuế mới có hiệu lực từ năm 2015, nên vẫn mua hàng có tính thuế GTGT. Không được hoàn thuế, coi như mất tiền!

Luật Thuế đã được sửa đổi. Ngư dân đóng tàu sản xuất xa bờ sẽ được miễn thuế GTGT. Chủ tàu hoàn thành đóng mới tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 trước 31.12. 2014 sẽ được hoàn thuế và kể từ ngày 1.1.2015 thì không hoàn thuế. Điều đáng nói là thông tư 26, do Tổng Cục Thuế hướng dẫn các Cục Thuế địa phương có hiệu lực từ ngày 1.1.2015 mà việc ban hành thông tư này chỉ bắt đầu từ ngày 27.2.2015. Sự chậm triển khai này đã khiến Quảng Nam lúng túng. Không biết vin vào đâu để giải thích, tuyên truyền cho ngư dân hiểu. Chính sách thay đổi, ngư dân không được hướng dẫn cụ thể nên vẫn phải đóng tiền thuế GTGT, buộc phải lâm vào cảnh khó khăn khi không được hoàn thuế. Lỗi này đâu phải tại ngư dân? (NGUYỄN QUANG VIỆT)

CHƯA CÓ CHÍNH SÁCH TÍNH LÃI, KHÔNG HÓA ĐƠN GIÁ TRỊ GIA TĂNG LÀM SAO HOÀN THUẾ

Ông Lê Mai Khắc Hưng – Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam nói nếu cho rằng ngư dân mất trắng tiền hoàn thuế thì chỉ cần họ mang hóa đơn có GTGT là sẽ được hoàn thuế. Hiện tại ở Quảng Nam không vướng gì về hoàn thuế GTGT cho ngư dân bởi Nghị định 67 triển khai ở Quảng Nam trễ. Hóa đơn mua bán không có thuế GTGT thì làm sao hoàn thuế. Không có cơ sở nào để hoàn thuế cho ngư dân. Chính sách bị vướng, hai mặt. Lý thuyết không tính thuế sẽ có lợi hơn nhưng thực chất không hề có lợi. Một khi không tính thuế thì giá thành sẽ tăng, giá bán sẽ cao vì doanh nghiệp sẽ phải bảo đảm lợi nhuận. Cuối cùng cũng phải có một người chịu thiệt. Và trong chính sách này, ngư dân chính là người chịu thiệt.

Cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ, ban lệnh hoàn hay xác nhận chuẩn hồ sơ thì giải quyết xong việc này coi như đã hết trách nhiệm. Hoàn thuế cho doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính. Nhưng họ không quy định ngày chi tiền. Khi nào TW, có tiền sẽ hoàn ngay cho doanh nghiệp. Còn bao giờ hoàn thì chưa thể nói trước được vì cơ quan thuế không thể chủ động. Trễ thì sẽ phải chịu lãi nhưng chậm hoàn thuế cơ quan thuế không chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp bức xúc cũng đúng nhưng không có quy định hay văn bản nào nên thuế không thể áp dụng việc trả lãi cả. Nếu nhà nước cho tính lãi thì sẽ trả lãi nhưng chưa có chính sách này.

Năm 2015, thu ngân sách TW hụt, kéo theo quỹ hoàn thuế hụt dù không ít ý kiến phản đối tại sao ngân sách địa phương vượt nhưng ngân sách TW lại hụt. Cục Thuế Quảng Nam cũng đã từng có ý kiến với đoàn giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Ngân sách Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về những chính sách sai sót này cần bãi bỏ. Muốn giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, Cục Thuế cũng đã tính tới chuyện mượn tiền ngân sách hay UBND tỉnh cũng sẵn sàng cho ứng ngân sách để hoàn thuế cho doanh nghiệp, nhưng một khi tiền hoàn thuế từ Quỹ hoàn chuyển về thì không biết sẽ giải quyết thế nào cho hợp lý hay việc hoàn trả lại ngân sách thế nào cho hợp với luật thì không dễ, nên đành chịu. Tất là vướng bởi chính sách! T.D (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Hồ sơ" hoàn thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO