(QNO) - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu địa phương có tỷ lệ xử lý hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn dưới 95% làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.
UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 2921 (ngày 11/4/2025) về việc giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Quảng Nam và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các cấp, sau khi xem xét báo cáo của Trung tâm Phục vụ hành chính công Quảng Nam về tình hình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính quý I/2025.
Hồ sơ trễ hạn còn nhiều
Theo báo cáo của Trung tâm Phục vụ hành chính công Quảng Nam, trong quý I/2025 (tính từ ngày 15/12/2024 - 14/3/2025), tổng số hồ sơ cấp tỉnh đã tiếp nhận là 14.785 hồ sơ. Trong đó, hồ sơ giải quyết đúng hạn (bao gồm hồ sơ đã giải quyết và đang giải quyết) 99,86%; hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến chiếm 87,14%.
Ở cấp huyện, tổng số hồ sơ đã tiếp nhận 42.300 hồ sơ; giải quyết đúng hạn 91,74%, trực tuyến 88,17%. Đáng chú ý, số hồ sơ chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tiếp nhận chiếm hơn một nửa với 23.031 hồ sơ; trong đó hồ sơ trễ hạn 2.217 hồ sơ (chiếm gần 10%).
Riêng tháng 3, số hồ sơ đã giải quyết trễ hạn của chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện là 541 hồ sơ (chiếm 58,86% tổng số hồ sơ đã giải quyết trễ hạn cấp huyện); số hồ sơ đang giải quyết trễ hạn là 349 hồ sơ (chiếm 38,43% tổng số hồ sơ đang giải quyết trễ hạn cấp huyện).
Các chi nhánh có tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn dưới 95% bao gồm: Hội An (84,41%), Núi Thành (90,16%), Điện Bàn (90,64%), Duy Xuyên (91,90%), Tam Kỳ (93,61%) Quế Sơn (94,47%).
Ở cấp xã, trong quý I đã tiếp nhận 35.790 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 97,43%, trực tuyến chiếm 94,09%. Hồ sơ trễ hạn ở cấp xã chủ yếu là các lĩnh vực như bảo trợ xã hội, hộ tịch, người có công, chứng thực. Nguyên nhân là do trong quá trình thao tác trên hệ thống dịch vụ công của tỉnh có trễ hạn quy trình xử lý hồ sơ của của cán bộ, công chức mặc dù hồ sơ giấy đã trả cho công dân trước hạn.
Theo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn vẫn còn nhiều, đặc biệt đối với các hồ sơ cấp huyện và tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đất đai, có nguyên nhân là, hầu hết các đơn vị, địa phương chưa làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức có hồ sơ trễ hạn từ 10% trở lên theo Chỉ thị số 27 (ngày 27/10/2023) của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 06 (ngày 26/12/2022) của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh. Bên cạnh đó, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn những hạn chế, khó khăn chưa được giải quyết...
Tính đến ngày 27/3/2025, tổng số thủ tục hành chính đang thực hiện tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã là 2.090 thủ tục, trong đó 1.567 thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành; 342 thủ tục hành chính của cấp huyện; 157 thủ tục hành chính cấp xã.
UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục
Bên cạnh ghi nhận và biểu dương các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều cố gắng, UBND tỉnh cho rằng, qua theo dõi, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn tại cấp huyện còn thấp, chỉ đạt 91,74%.
Các địa phương cấp huyện có tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn thấp dưới 95%, gồm: Quế Sơn, Điện Bàn, Hội An, Phú Ninh, Núi Thành, Thăng Bình, Bắc Trà My. Bên cạnh đó, trong tháng 3, có 65 xã tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn thấp dưới 95%; một số xã thực hiện nhập hồ sơ thủ tục hành chính vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh còn rất thấp (có 18 xã dưới 20 hồ sơ thủ tục hành chính).
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trong thời gian đến, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện chỉ đạo công chức, viên chức thường xuyên sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, đảm bảo xử lý đồng bộ giữa hồ sơ giấy với hồ sơ điện tử trên hệ thống. Thực hiện nghiêm túc việc gửi thư xin lỗi (đối với hồ sơ giải quyết trễ hạn) theo đúng quy định.
Đối với các địa phương có tỷ lệ kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn thấp dưới 95% khẩn trương kiểm tra, rà soát làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của từng phòng, ban, UBND cấp xã trực thuộc và cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính không đúng theo quy định, làm ảnh hưởng đến kết quả chung về Chỉ số thành phần cải cách thủ tục hành chính của tỉnh".
(Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 2921)
UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện nghiêm quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; đảm bảo 100% hồ sơ thủ tục hành chính phải được nhập vào hệ thống để giải quyết và liên thông, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ban Quản lý các Khu
kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh kịp thời rà soát công bố danh mục thủ tục hành chính thực hiện trên địa bàn tỉnh ngay khi có quyết định công bố thủ tục hành chính của bộ, ngành Trung ương. Đồng thời tổ chức thực hiện việc cập nhật, công khai thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính làm cơ sở để các đơn vị, địa phương thực hiện.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện thực hiện đúng quy trình các bước tiếp nhận hồ sơ theo quy định; kịp thời có văn bản trả lời đối với các trường hợp không đủ điều kiện để xem xét, giải quyết, không để hết thời hạn giải quyết mới có văn bản trả lời đến người dân.
Trường hợp vì lý do khách quan không thể giải quyết hồ sơ theo đúng hạn phải có văn bản báo cáo, giải trình; hồ sơ tồn đọng, quá thời hạn giải quyết do lỗi chủ quan thì phải kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân theo quy định.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính và các yêu cầu của chuyển đổi số. Trung tâm Phục vụ hành chính công Quảng Nam tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương.