Đến đầu tháng 6.2020, khi Quyết định số 1214 (ngày 29.4.2020) của UBND tỉnh về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 được triển khai, vẫn chưa có trường hợp lao động hay doanh nghiệp nào được hưởng. Những điều kiện bắt buộc quá chặt chẽ đã “cột chân” doanh nghiệp lẫn người lao động.
“Nếu khó quá, thì thôi!”
Đến đầu tháng 6.2020, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Germton (Khu công nghiệp Đông Quế Sơn) đã lập xong thủ tục, hồ sơ đề nghị hỗ trợ người lao động (LĐ) của công ty bị mất việc làm. Hơn 800 LĐ của công ty được cho nghỉ việc từ ngày 1.4 đến 31.4.2020 vì công ty không xuất hàng được.
Bà Ngô Thị Hoàng – Phó Giám đốc hành chính - nhân sự Công ty Germton cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ gửi đến UBND huyện Quế Sơn đề nghị hỗ trợ hơn 800 LĐ bị mất việc làm trong tháng 4.2020. Các cơ quan chức năng hướng dẫn khá kỹ, chi tiết. Các điều kiện quy định về hỗ trợ cho người LĐ của công ty có hợp đồng LĐ, được đóng BHXH nhưng bị mất việc làm từ ngày 1.4 đến 30.4 tôi mong sẽ đảm bảo. Với mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng thì cũng đỡ được một phần gánh nặng lên vai người LĐ. Còn với khoản vay dành cho doanh nghiệp, nếu khó quá thì thôi!”
Theo bà Hoàng, công ty lo hồ sơ để giúp người LĐ được nhận hỗ trợ trước, còn khoản vay để trả lương ngừng việc cho người LĐ với lãi suất 0%, công ty chưa tính đến. Lãnh đạo công ty cho rằng việc lo cho người LĐ là quan trọng nhất. Công ty Germton có tổng cộng 2.500 LĐ, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hơn 800 LĐ ở các bộ phận phải nghỉ việc trong vòng 1 tháng. Trong quá trình nghiên cứu các quy định, bà Hoàng cho biết quy định người LĐ được hỗ trợ phải làm việc ở DN không có doanh thu nhưng trên thực tế ở Công ty Germton có phát sinh doanh thu bởi đơn vị vẫn sản xuất (mặc dù hàng không xuất bán được và tồn kho). Trong khi đó công ty vẫn phải nhập nguyên liệu để sản xuất, trả lương cho số LĐ đang làm việc, nên dù phát sinh doanh thu nhưng công ty bị lỗ. Thêm nữa, điều kiện quy định tháng liền kề trước khi nghỉ việc, nghĩa là tháng 3.2020 người LĐ phải có đóng BHXH, nhưng thực tế vẫn có một số trường hợp vì lý do cá nhân, đau ốm nên người LĐ nghỉ việc hơn 14 ngày, không được tham gia BHXH. Đến bây giờ, khi làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ chế độ, những LĐ không tham gia BHXH ở tháng 3.2020 sẽ không được hỗ trợ là thiệt thòi cho người LĐ.
Đối với Công ty CP Hồng Đào Chu Lai (Khu công nghiệp Tam Hiệp, huyện Núi Thành), hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ nên công ty phải cho LĐ nghỉ việc từ ngày 23.3 đến 2.5.2020. Theo quy định về thời gian, người LĐ của công ty sẽ được hỗ trợ 1 tháng dừng việc là tháng 4.2020. Nhưng, quy định kèm theo rằng LĐ làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì LĐ của công ty không thể được hỗ trợ.
Ông Phạm Văn Đào - Giám đốc Công ty CP Hồng Đào Chu Lai chia sẻ: “Thực tế thì công ty có bị ảnh hưởng và LĐ có bị mất việc làm, họ xứng đáng được nhận sự hỗ trợ của chính sách. Nhưng theo các điều kiện, công ty chúng tôi chưa hội đủ nên thôi, không làm hồ sơ đề nghị. Người LĐ cũng đồng lòng rằng nhận khoản hỗ trợ từ công ty trong tháng tạm dừng việc, còn gói hỗ trợ khó quá thì bỏ qua”.
Cố gắng hỗ trợ người lao động
Theo ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đến đầu tháng 6.2020, 4 nhóm gồm người có công, người thuộc diện bảo trợ xã hội trong cộng đồng, hộ nghèo, cận nghèo trong toàn tỉnh đã được nhận khoản hỗ trợ từ chính sách. Riêng nhóm LĐ tự do, LĐ theo hợp đồng LĐ trong doanh nghiệp, hộ kinh doanh và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vẫn chưa tiếp cận được chính sách này.
Ông Triều cho biết: “Các điều kiện quy định quá chặt chẽ, quá khó để hộ kinh doanh lẫn doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ. Trong toàn tỉnh chưa có đơn vị nào gửi hồ sơ đề nghị, LĐ tự do mất việc làm cũng chưa có địa phương nào phê duyệt danh sách đề nghị hỗ trợ. Chúng tôi vẫn đang cố gắng đôn đốc, giám sát và hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nếu đề xuất đúng đối tượng và hội đủ điều kiện theo quy định. Nhưng thực sự mà nói thì rất khó để LĐ và doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhận được hỗ trợ từ chính sách an sinh xã hội này”.
Dự kiến, toàn tỉnh có hơn 346.000 người gặp khó khăn do dịch Covid-19, tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 695 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã chi trả chế độ hỗ trợ cho hơn 46.000 người có công, hơn 93.000 người bảo trợ xã hội tại cộng đồng, hơn 71.000 người thuộc hộ nghèo, và hơn 30.000 người thuộc hộ cận nghèo. Con số dự kiến hơn 40.000 LĐ làm việc theo hợp đồng LĐ, 10.000 người LĐ làm việc theo hợp đồng LĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, 4.000 hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm vẫn chưa thể tiếp cận chính sách hỗ trợ. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng có nhu cầu vay vốn đến nay vẫn chưa có hồ sơ nào đề nghị. Chính sách an sinh xã hội này được cho là nhân văn, nhưng chưa thể đến được với người bị ảnh hưởng không phải do cách thực hiện, mà do những quy định quá sức chặt chẽ khiến người LĐ lẫn doanh nghiệp không còn “mặn mà” nữa.