Thực hiện theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, hơn 7.000 nhà ở cho người có công (NCC) được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ xây dựng trong năm 2013. Đến nay, đã có hơn 3.000 ngôi nhà được xây mới và sửa chữa. Kết quả đó là nỗ lực vô cùng lớn của các địa phương.
Các địa phương đang nỗ lực để người có công gặp khó khăn về nhà ở có nhà trước Tết Nguyên đán 2014.Ảnh: D.LỆ |
Quyết tâm cao
Trong 2 tháng cuối năm 2013, toàn tỉnh chốt lại danh sách nhà ở NCC cần được hỗ trợ xây mới và sửa chữa gồm 7.107 nhà (trong đó xây mới 2.683 nhà, sửa chữa 4.424 nhà). Cuối năm, thời tiết như không chiều lòng người khi liên tiếp có những trận bão, lũ xảy ra, việc xây dựng nhà ở cho NCC đã khó còn khó hơn. Vậy nhưng, với quyết tâm cao, các địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ trong việc thực hiện Quyết định 22.
Các ban chỉ đạo, tổ giúp việc nhanh chóng hình thành tại các huyện, thành phố, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên đứng điểm ở các xã, phường, thị trấn. Ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, ngoài nguồn kinh phí của Trung ương và tỉnh, các địa phương đều cố gắng cân đối nguồn và vận động các nguồn khác để hỗ trợ thêm cho NCC xây nhà. Như Tam Kỳ hỗ trợ thêm 10 triệu đồng/nhà xây mới, 5 triệu đồng/nhà sửa chữa, Hội An hỗ trợ 10 triệu đồng/nhà xây mới cũng như sửa chữa, Điện Bàn 2 triệu đồng/nhà xây mới và 1 triệu đồng/nhà sửa chữa, Nam Giang 5 triệu đồng/nhà xây mới và 3 triệu đồng/nhà sửa chữa... Trong điều kiện khó khăn, đó là những nỗ lực rất lớn của các địa phương, giúp NCC đủ điều kiện có một ngôi nhà an toàn. Đối với những hộ NCC quá nghèo, neo đơn, đoàn thanh niên, phụ nữ... vào cuộc giúp đỡ về ngày công, vận chuyển nguyên vật liệu.
Quyết định 22 hỗ trợ nhà ở cho đối tượng người có công với cách mạng với hai mức. Mức 1, nhà phải phá dỡ để xây mới được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ với yêu cầu phải bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng (cứng nền, khung - tường cứng và mái cứng), có diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, có tuổi thọ từ 10 năm trở lên. Mức 2, hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ, áp dụng cho trường hợp nhà ở bị hư hỏng, dột nát cần phải sửa chữa phần khung - tường và thay mới mái nhà. |
Sự vào cuộc quyết liệt ấy đã mang lại kết quả đáng mừng, khi chỉ trong vòng 45 ngày từ khi triển khai xây dựng, trong điều kiện bão lũ liên tục, đến ngày 16.12.2013, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa, đưa vào sử dụng 3.060 nhà ở (đạt 43%). Dù số nhà còn đang tiến hành xây dựng, sửa chữa và chưa thực hiện còn nhiều, nhưng kết quả đạt đó được xem là thắng lợi nằm ngoài dự đoán. Trong cuộc họp giao ban giữa tháng 12.2013, tất cả các địa phương đều đặt quyết tâm phải hoàn thành hỗ trợ cải thiện nhà ở cho NCC trước Tết Nguyên đán 2014, đảm bảo cho NCC có nhà mới đón tết ấm cúng.
Nhiều khó khăn
Ngoài số nhà đang tiến hành xây dựng và sửa chữa, toàn tỉnh hiện còn 782 trường hợp NCC cần được cải thiện nhà ở chưa được triển khai, mà theo các địa phương là do rất nhiều nguyên nhân. Ông Hồ Văn Ny - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Tất cả 184 nhà cần hỗ trợ của huyện đều đã được triển khai, nhưng chỉ có 19 nhà xây mới và 15 nhà sửa chữa hoàn thành, số còn lại đang xây dựng nhưng gặp khó khăn vì thời tiết bất lợi, thường xuyên mưa bão khiến đường giao thông hư hỏng. Nam Trà My đang sửa chữa đường, đảm bảo thông tuyến tới trung tâm xã, còn thôn, nóc vẫn chưa đến được nên rất khó vận chuyển nguyên vật liệu làm nhà, nên phải đến hết quý I - 2014 mới có thể hoàn thành”. Ông Ny cho rằng việc không cho khai thác gỗ để làm nhà cho NCC đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện. Vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, trong Quyết định 22, không cho phép khai thác gỗ làm nhà, chỉ cho phép địa phương hỗ trợ thêm cho NCC bằng gỗ tận thu tận dụng hoặc gỗ tịch thu. Với huyện Đông Giang, ông Lê Duy Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, địa phương còn 13 nhà chưa làm do đều nằm ở xã khó khăn, xa xôi mà đường hư hỏng, mưa bão nên không vận chuyển vật liệu được. Số nhà này huyện Đông Giang sẽ chuyển sang thực hiện trong năm 2014. Với 211 nhà đã và đang làm, huyện Đông Giang đảm bảo sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán để NCC có được chỗ ở khang trang, ấm cúng đón năm mới.
Trong khi đó, huyện Đại Lộc cũng như một số địa phương khác còn có nỗi lo trường hợp nhà thuộc diện sửa chữa nhưng khi tháo dỡ ra thì hư hỏng nặng nên phải xây mới. Đặc biệt, sau cơn lũ lịch sử vừa qua ở Đại Lộc, NCC đang sửa chữa nhà thì lũ lụt làm hư hại nặng thêm, bắt buộc phải xây mới chứ không thể sửa được nữa. Ông Trần Văn Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc kiến nghị: “Đối với những hộ đang sửa mà lũ lụt làm hư hại nặng cần xây mới lại, đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung vào diện xây mới. Bởi những hộ NCC này đều thuộc diện nghèo, không thể tự lo được, mà nguồn kinh phí sửa chữa không thể đủ xây mới”...
Trước những khó khăn trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu các địa phương đặc biệt lưu ý phải có nhà ở cho NCC trong Tết Nguyên đán. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát lại những nhà đang triển khai dở dang, sau 30.11 âm lịch không nên triển khai tiếp. Nên ưu tiên hỗ trợ những hộ có nhà bị hư hại trong lũ lụt từ nguồn của Quyết định 22 và nguồn hỗ trợ khắc phục lũ lụt.
DIỄM LỆ