Để vực dậy không khí sản xuất của các chủ thể Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều giải pháp kích thích sản xuất sản phẩm sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Định vị thương hiệu
Qua 3 năm triển khai chương trình, những sản phẩm OCOP đã được người dân biết tới nhiều hơn. Tuy nhiên đối với tính rộng lớn của thị trường, sản phẩm OCOP cấp tỉnh vẫn là những cái tên còn khá xa lạ. Ngoài nguyên nhân hàng hóa còn khan hiếm, chưa được sản xuất với quy mô lớn thì việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu đối với những sản phẩm này cũng là điều đáng bàn, nhất là trong điều kiện thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Kế hoạch năm 2020, toàn tỉnh có hơn 140 sản phẩm của 127 chủ thể đăng ký tham gia chương trình, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có hơn 200 sản phẩm đạt 3 - 4 sao; 3 - 5 sản phẩm đạt 5 sao. Các sản phẩm sau một năm được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên phải phấn đấu tăng doanh thu và lợi nhuận lên ít nhất 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP.
Ông Trần Văn Ơn - chuyên gia OCOP cho biết, việc bảo hộ thương hiệu là vô cùng quan trọng để giúp doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ một cách bền vững và đảm bảo quyền sở hữu. Việc bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu sẽ ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc nhái lại, và do đó tăng cường vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời tạo khả năng phân biệt của người tiêu dùng về chất lượng mặt hàng.
Ông Trương Cảm - Giám đốc Hợp tác xã Ái Nghĩa (Đại Lộc) cho biết, từ nhiều năm nay sản phẩm bánh tráng Đại Lộc của hợp tác xã bị người tiêu dùng nhầm lẫn với sản phẩm của nhiều cơ sở khác trên thị trường.
Theo đại diện Sở Khoa học và công nghệ, mục tiêu năm 2020 phải hoàn thành việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 32 sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề; xây dựng và vận hành có hiệu quả mô hình hệ thống tổ chức quản lý, phát triển quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 26 sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề. Trong số sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng trong 3 năm qua, có đến hơn một nửa là sản phẩm đặc trưng của làng nghề truyền thống.
Thúc đẩy phát triển sản phẩm
Chủ cơ sở sản xuất Hương Bột, chị Lê Thị Hương cho biết, sau khi sản phẩm bột ngũ cốc Hương Bột được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh, các cửa hàng tại một số thành phố lớn đặt vấn đề liên kết kinh doanh với cơ sở của chị nhiều hơn. Tuy nhiên, khó khăn chị gặp phải cũng chính ở khâu xúc tiến thương mại.
“Vì sản phẩm bột ngũ cốc của mình là sản phẩm hữu cơ, sạch, không sử dụng chất bảo quản. Nhưng các cửa hàng lại muốn xúc tiến kinh doanh theo hình thức ký gửi sản phẩm. Khi ký gửi gần thì không sao, xa quá khi lấy lại thì ngày sử dụng lại gần hết hạn. Cho nên sản phẩm của mình hiện vẫn chưa có mặt tại siêu thị của một số thành phố” - chị Lê Thị Hương nói. Kết nối và giao thương chính là vấn đề các chủ thể OCOP gặp phải đối với từng đặc trưng sản phẩm của mình.
Hiện nay, hầu hết sản phẩm OCOP đều bị ảnh hưởng đến doanh thu và sản lượng do dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, các sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm và các sản phẩm thuộc nhóm thảo dược, ước tính sản lượng và doanh thu giảm khoảng 30 - 40%. Các sản phẩm thuộc nhóm du lịch, dịch vụ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sản phẩm thuộc nhóm ngành thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm thuộc nhóm ngành đồ uống doanh thu cũng giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường tiêu thụ giảm. Để vực dậy không khí sản xuất của các chủ thể OCOP, nhiều giải pháp kích thích sản xuất sản phẩm sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Ông Mai Đình Lợi, Chi cục trưởng Chi cục NN&PTNT cho biết, trong thời điểm này, công tác tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm đã được các địa phương và chủ cơ sở sản xuất đẩy mạnh. Việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho chủ thể sản xuất về xây dựng phương án kinh doanh, kiến thức về thị trường, marketing sản phẩm OCOP sẽ giúp các chủ thể nắm rõ hơn về thị trường sản phẩm của mình. Việc phối hợp với các địa phương và đơn vị có liên quan để triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ nhanh chóng được thực hiện. Đa dạng hóa hình thức phát triển thị trường, những sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam không chỉ được quảng bá, tiêu thụ tại các kênh phân phối truyền thống, mà còn có mặt tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thực phẩm sạch, sàn thương mại điện tử. Tận dụng các kênh quảng bá trực tuyến, sẽ giúp mức độ lan tỏa của sản phẩm ngày càng đi xa hơn.