Hai vụ sản xuất gần đây, huyện Duy Xuyên đã linh hoạt hỗ trợ nông dân chuyển một số diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang canh tác những loại cây trồng cạn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vụ hè thu này, nông dân trên địa bàn huyện chuyển nhiều diện tích đất lúa bấp bênh nước tưới sang canh tác bắp lai.Ảnh: HOÀI NHI |
Chuyển đổi cây trồng
Ông Huỳnh Khả ở thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn có 2 sào ruộng lúa trên cánh đồng Deo, vì không chủ động được nguồn nước tưới nên năm nào cũng thất bát. Vụ đông xuân vừa rồi, ông Khả chuyển diện tích đất lúa này sang trồng đậu phụng LDH-01. Điều đáng nói là, ngoài việc chuyển giao quy trình thâm canh tổng hợp, các đơn vị liên quan còn hỗ trợ ông Khả gần 500 nghìn đồng tiền mua hạt giống và phân bón. Vụ hè thu này, ông Khả trồng bắp lai và cũng được hỗ trợ hơn 300 nghìn đồng chi phí đầu tư. Ông nói: “Từ lâu, tôi đã có ý định chuyển 2 sào đất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn nhưng rốt cuộc không thực hiện được vì khâu này đòi hỏi phải triển khai một cách đồng bộ chứ không thể làm riêng lẻ được”. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Sơn cho biết, cánh đồng Deo rộng 5ha, có 40 hộ dân tham gia sản xuất lúa. Do vùng này là đất cát pha nghèo dinh dưỡng, lại hay thiếu nước tưới mỗi khi nắng hạn kéo dài, năng suất lúa thường đạt rất thấp, thậm chí không ít vụ mất trắng. Vì vậy, vụ đông xuân vừa qua ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền địa phương vận động nông dân chuyển sang trồng đậu phụng trên cánh đồng Deo.
Bên cạnh việc tổ chức tập huấn kỹ thuật, các cơ quan có trách nhiệm còn chi tiền hỗ trợ bà con mua hạt giống và phân bón phục vụ sản xuất. Thực tế cho thấy, cây đậu phụng trên đất này đem lại hiệu quả tương đối cao và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhờ các ruộng đậu phụng đều sử dụng chế phẩm sinh học. Từ thành công đó, vụ hè thu này, huyện tiếp tục vận động bà con trồng giống bắp lai chất lượng cao 333 trên cánh đồng Deo. Hiện nay, các ruộng bắp phát triển tốt và hứa hẹn sẽ cho mùa bội thu. Tại xã Duy Thu, 60 sào đất sản xuất lúa kém hiệu quả ở đồng Ông Sỹ và Bi Đón (thôn Tĩnh Yên) cũng đã chuyển sang canh tác một số loại cây công nghiệp ngắn ngày như đậu xanh, bắp lai, đậu phụng. Chính quyền địa phương hỗ trợ mỗi hộ 100 nghìn đồng từ nguồn kinh phí do ngân sách huyện cấp. Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, nguồn nước tưới cho cây lúa thường xuyên thiếu hụt, nhất là ở vùng cuối kênh các hồ chứa lớn như Thạch Bàn và Khe Cát, nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hết sức cần thiết. Ông Năm cho biết: “Vụ hè thu này, ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền các địa phương kéo 4km đường dây điện thủy lợi hóa đất màu, đào đắp 5km kênh mương. Đồng thời trợ giá giống cây trồng và hỗ trợ một phần kinh phí mua phân bón cho nông dân với tổng số tiền gần 300 triệu đồng”.
Hiệu quả rõ rệt
Đông xuân vừa qua, ông Nguyễn Quân ở thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn chuyển 3 sào đất lúa sang trồng đậu phụng. Nhờ thực hiện đúng quy trình thâm canh nên bình quân mỗi sào đạt 120kg đậu khô. Với giá bán 25 nghìn đồng/kg, ông Quân thu được 3 triệu đồng/sào. “Lúc trước, gieo sạ lúa tôi chỉ gặt được 240kg khô/sào. Nếu bán lúa thương phẩm với giá 5,5 nghìn đồng/kg, mỗi sào chỉ đạt giá trị hơn 1,3 triệu đồng. Qua đây, tôi thấy mô hình chuyển đổi này mang lại hiệu quả kinh tế cao và rất phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay” - ông Quân nói. Còn ông Lê Phước Liên ở thôn Triều Châu, xã Duy Phước cho hay, mỗi vụ gia đình ông canh tác 5 sào lúa. Diện tích này nằm ở khu vực cuối kênh của trạm bơm Xuyên Đông nên cứ vụ hè thu là thường thiếu nước tưới vào giai đoạn lúa trổ đòng rộ, dẫn đến năng suất thấp. Được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, cuối năm ngoái ông chuyển toàn bộ diện tích sang canh tác các loại rau màu và bắp nếp. “Đông xuân vừa rồi, tôi trồng 2 sào bắp nếp, bình quân mỗi sào bán được hơn 4 triệu đồng. Còn 3 sào rau màu, tôi thu tổng cộng 18 triệu đồng. Thấy hiệu quả cao, vụ hè thu này tôi tiếp tục duy trì mô hình sản xuất đó. Thời gian tới, nếu giá cả thị trường vẫn ổn định thì sẽ có thêm nguồn thu nhập khá” - ông Liên hồ hởi.
Theo ông Văn Bá Năm, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên nắng hạn và nhiễm mặn sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa. Để chủ động đối phó, huyện Duy Xuyên đã xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2015 - 2020 với mục tiêu quy hoạch, phát triển sản xuất nông nghiệp theo phương châm tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, nâng cao chất lượng các loại nông sản. Cạnh đó, thực hiện đồng bộ những biện pháp kỹ thuật gắn với xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo hướng chú trọng việc liên kết để doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm. Ông Năm nói thêm: “Trước khi thực hiện mô hình chuyển đổi ở bất cứ khu vực nào, chúng tôi cũng tìm hiểu cụ thể về thực trạng sản xuất và nguyện vọng của nhân dân để từ đó hình thành công thức luân canh, xen canh, gối vụ phù hợp với điều kiện từng địa phương. Tính đến tháng 6.2016, Duy Xuyên đã chuyển 214ha đất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn. Bình quân mỗi năm nhà nông thu lãi 40 - 50 triệu đồng/ha, có nơi lên đến 70 - 90 triệu đồng/ha, tăng gấp 2 - 3 lần so với gieo sạ lúa. Dự kiến, trong 4 năm tới huyện sẽ tiếp tục chuyển ít nhất 450ha đất lúa khó khăn về nguồn nước tưới sang canh tác một số loại cây trồng cạn. Đây được xem là hướng chủ lực trong điều kiện sản xuất nông nghiệp chịu tác động mạnh bởi thời tiết khắc nghiệt”.
HOÀI NHI