Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn: 70% lao động có việc làm sau đào tạo

D.LỆ 29/11/2013 08:07

Hôm qua 28.11, Ban chỉ đạo thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện đề án trong 2 năm 2012 - 2013. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chủ trì.

Theo kế hoạch, trong 2 năm 2012 - 2013, Quảng Nam đặt ra mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề cho 30 nghìn LĐNT (mỗi năm 15 nghìn người), với tổng kinh phí phân bổ 15 tỷ đồng; tuy nhiên do đề án triển khai vào cuối năm 2012 nên kế hoạch của năm 2012 được chuyển sang năm 2013. Tính đến ngày 30.10.2013, tổng số LĐNT được hỗ trợ học nghề là 8.002 người, trong đó có 3.224 người học nghề phi nông nghiệp, 4.778 người học nghề nông nghiệp; đã có 7.676 người hoàn thành các khóa nghề; đến nay đã giải ngân được 6,27 tỷ đồng. Tỷ lệ LĐNT sau học nghề có việc làm đạt 70% qua các kênh như doanh nghiệp tuyển dụng, bao tiêu sản phẩm, tự tạo việc làm, thành lập tổ hợp tác, tổ sản xuất, doanh nghiệp tư nhân. Đến nay, vẫn còn 3 địa phương là Nam Trà My, Bắc Trà My và Nông Sơn chưa ban hành đề án/kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT, 5 huyện chưa ban hành quy chế hoạt động của ban chỉ đạo cấp huyện; còn nhiều xã chưa thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, việc hướng dẫn giải ngân kinh phí dạy nghề cho LĐNT thời gian qua còn thiếu sự nhất quán giữa các ngành; phần lớn các huyện chậm phân bổ kinh phí dạy nghề cho LĐNT cho các cơ quan thực hiện, khiến tiến độ giải ngân quá chậm. Các phòng chức năng thực hiện đề án ở huyện chưa nắm chắc và đánh giá đúng hiệu quả của các lớp dạy nghề. Mức kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề không còn phù hợp, nhiều nghề không đủ chi phí đào tạo tối thiểu, chế độ tiền ăn, tiền đi lại cho người học quá thấp.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn - Trưởng ban Chỉ đạo đề án Đào tạo nghề cho LĐNT cấp tỉnh đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo quyết liệt điều hành triển khai thực hiện đề án đạt hiệu quả. Thực hiện đề án phải đúng chính sách đối với người học, người dạy nghề và cơ sở đào tạo nghề; chi hỗ trợ người học nghề phải đúng đối tượng. Đối với 3 huyện chưa có đề án/kế hoạch cấp huyện cần phải kiểm điểm, nhắc nhở nghiêm túc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, việc đào tạo nghề cho LĐNT phải gắn liền với nhu cầu người học và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhằm đảm bảo giải quyết được việc làm sau học nghề.

D.LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn: 70% lao động có việc làm sau đào tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO