Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp và chính quyền địa phương cũng đã đưa ra những chương trình hành động để thực thi, nhưng để hiện thực hóa các quyết định này, cần những biện pháp cụ thể hơn.
Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn
Ông Thiều Việt Dũng - Phó Trưởng ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp cho hay hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mấy tháng qua đã gia tăng khá, nhất là một số sản phẩm lợi thế được mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp đã coi trọng đầu tư, đổi mới công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh. Đến cuối năm 2015 Quảng Nam có khoảng 5.366 doanh nghiệp. Nhưng phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, trình độ năng lực và kinh nghiệm quản lý yếu dẫn đến sức cạnh tranh kém. Khá nhiều doanh nghiệp thua lỗ, ngừng hoạt động hoặc giải thể hay phá sản. Vướng mắc thường thấy của doanh nghiệp Quảng Nam là khó khăn tiếp cận vốn ngân hàng và các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ Quảng Nam rất cần hỗ trợ từ phía Nhà nước nhiều hơn để ổn định sản xuất (ảnh minh họa). Ảnh: T.D |
Trong một văn bản gửi Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam mới đây, Công ty CP Giao thương Quảng Xưa (Hiệp Đức) cho biết doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các dự án đầu tư. Cái khó lớn nhất chính là thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn đầu tư, thông tin về thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ. Chính những khó khăn này đã làm suy yếu nội lực bản thân doanh nghiệp, thậm chí dẫn đến phá sản vì không đủ nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Hầu hết ngân hàng thương mại tại Quảng Nam không cho vay hoặc cho vay với hạn mức thấp (tối đa 50% tổng đầu tư dự án) và điều kiện giải ngân rất khó khăn với dự án viên nén gỗ của công ty. Lý do là các ngân hàng chưa cho vay dự án này bao giờ.
Khi doanh nghiệp tìm được địa điểm đầu tư các dự án chăn nuôi heo, bò cao sản công nghệ sạch thì lại vướng khâu chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng quá cao so với chi phí doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ các cá nhân, hộ gia đình để thực hiện dự án. Theo công ty này, 1ha đất (tùy theo vị trí, hệ số đất) theo giá bồi thường Nhà nước quy định thì doanh nghiệp bỏ ra chi phí khoảng 550 triệu đến 1 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp nhận chuyển quyền sử dụng đất từ các chủ sở hữu thì thực tế giá chuyển nhượng khoảng 50 đến 200 triệu đồng/ha (nằm cùng khu vực vị trí nếu thực hiện bồi thường). Đây là thực tế quá bất lợi cho doanh nghiệp, bởi vì nếu doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phải làm hồ sơ, thủ tục bổ sung, quy hoạch vùng chăn nuôi, chuyển mục đích sử dụng đất… tốn rất nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp bị chậm lại.
Cần thực tế hơn
Tiếp cận vốn khó khăn, gánh nặng phí giao thông, lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, áp lực thanh tra, kiểm tra và rào cản thủ tục hành chính… là những bức xúc được cộng đồng doanh nghiệp gửi đến Thủ tướng. Chính phủ đã nhanh chóng ban hành nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh, buộc các bộ, ngành trung ương quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 2 luật Đầu tư và Doanh nghiệp theo quy trình rút gọn. Đây là quyết định cứng rắn nhằm “tấn công” trực diện vào cơ chế xin - cho mà các bộ ngành đã tạo ra suốt nhiều năm qua gây khó khăn cho doanh nghiệp và môi trường kinh doanh. Chính quyền Quảng Nam cũng đã đưa ra chương trình thực thi nghị quyết của Chính phủ một cách cụ thể và ban hành rộng rãi. Giới doanh nghiệp cho rằng cuộc chiến với điều kiện kinh doanh, với cơ chế xin - cho sẽ còn rất khó khăn, nhưng quyết tâm này của Chính phủ hay chính quyền Quảng Nam được xem như là cánh cửa mở để xác lập niềm tin và khởi động lại tinh thần doanh nghiệp.
Nhìn vào con số thống kê về quy mô các doanh nghiệp tư nhân Quảng Nam sẽ có nhiều lý do để lo ngại khi 96% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Trong bối cảnh “chuyến tàu” TPP đang sắp tới và một loạt các FTA có hiệu lực; các doanh nghiệp lớn và tập đoàn nước ngoài tràn vào thị trường thì những doanh nghiệp nhỏ bé Quảng Nam không khác gì ngọn đèn trước gió. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, những khó khăn, thách thức đến từ những chính sách chưa công bằng và sự thiếu thuận lợi trong môi trường kinh doanh. Nghị quyết đã có, doanh nghiệp trông đợi Chính phủ, chính quyền thể hiện sự kiên quyết thực thi pháp luật kinh doanh đã ban hành.
Bởi thực tế cho thấy việc soạn thảo các nghị định về Luật Doanh nghiệp, Đầu tư đã ban hành từ năm 2014, nhưng phải đợi đến cuộc họp vào ngày 29.4.2016 khi Thủ tướng ra lệnh không được trì hoãn thì các bộ, ngành mới vắt chân lên cổ cho thấy nhiệm vụ mở đường hỗ trợ cho doanh nghiệp vẫn còn ách tắc. Doanh nghiệp hy vọng các chính sách không nên có tính “thời vụ” mà cần có chiến lược lâu dài trong suốt quá trình phát triển kinh tế. Để trụ lại thị trường, ngoài nỗ lực tự thân, doanh nghiệp vẫn rất cần sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, giảm gánh nặng chi phí quảng bá sản phẩm, giới thiệu các kênh tiêu thụ sản phẩm trong nước…
Ông Võ Văn Hùng - Trưởng ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp cho biết, Quảng Nam đã hiện thực hóa Nghị quyết 35 của Chính phủ bằng một quyết định cụ thể triển khai các nhóm giải pháp, nâng cao năng lực cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng. Nhất là cải cách hành chính theo 3 hướng giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, xây dựng cơ chế “Một cửa liên thông hiện đại” để tập trung đầu mối, tiếp nhận thủ tục hành chính về “một đầu mối” và liên thông - liên kết nhằm nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch cho doanh nghiệp…
TRỊNH DŨNG