Doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế. Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết tốt nhất để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, phục hồi nền kinh tế. Đó là những nội dung chính được đưa ra tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hôm 9.5.
Doanh nghiệp gặp khó
Kết quả khảo sát của Bộ KH&ĐT hồi cuối tháng 4.2020 cho thấy 86% trong số 130.000 doanh nghiệp (DN) được khảo sát bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Doanh thu 4 tháng đầu năm 2020 của DN giảm xuống còn gần 70% cùng kỳ năm 2019. Gần 58% số DN bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ DN không xuất khẩu được hàng hóa lên tới 56,9%. Doanh thu bị giảm mạnh so với kế hoạch đề ra, nhưng DN vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hàng ngày như các chi phí liên quan người lao động, lãi vay, tiền thuê mặt bằng…
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, một trong những khó khăn lớn nhất của DN hiện tại là thiếu vốn (nhất là vốn lưu động). Có hơn 45% số DN đang bị thiếu hụt vốn cho sản xuất, kinh doanh. Khu vực nông, lâm, thủy sản có tỷ lệ bị thiếu hụt vốn cao nhất (hơn 51% số DN). Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền khiến 30% DN cắt giảm lao động, hơn 21% DN cho lao động nghỉ không lương và gần 19% DN giảm lương lao động. “Nhiều DN đã ví dòng tiền như là máu trong cơ thể. Thiếu máu thì cơ thể không thể khỏe mạnh được. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài và trầm trọng thì sẽ ảnh hưởng đến sức sống của DN” – ông Dũng nói.
Trong bối cảnh suy kiệt này, một điểm sáng có thể nhìn thấy là cộng đồng DN đã và đang tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Cộng đồng DN đã biết dựa vào nhau để tồn tại khi cuộc khảo sát cũng đưa ra con số 90% DN sẵn sàng giúp đỡ DN khác, hơn 50% DN giãn công nợ cho đối tác, gần 50% DN giảm giá và gần 30% DN chia sẻ thị trường…
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết sức mua từ các thị trường giảm và phục hồi “thận trọng”. Một số DN bị đào thải, đóng cửa, phá sản, nợ xấu, chi phí sản xuất có thể tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lao động có thể sẽ thiếu và ngày càng khó khăn hơn. Nguyên liệu thiếu hụt trong tương lai. Giá nguyên liệu sẽ tăng cao. Lượng tồn kho tăng và tình trạng thiếu hụt kho lạnh tiếp tục gia tăng.
“Điểm yếu thấy rõ của ngành nông – thủy sản qua đại dịch là bảo quản sau thu hoạch. Hàng loạt hàng hóa ách tắc tại cửa khẩu biên giới, không có hệ thống kho lạnh ngoại quan hỗ trợ xuất nhập khẩu. DN cũng không đủ công suất kho lạnh để chứa hàng hóa và nguyên liệu” - ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nói.
Phục hồi sản xuất, kinh doanh
Những chính sách từ Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội. Nền kinh tế bắt đầu vận hành bình thường. Đại dịch được xem như phép thử sự chống chịu của DN nhưng cũng là cơ hội để các DN phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ phải tập trung khởi động lại nền kinh tế Việt Nam. Phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ là 2,7%, nhưng phải kiểm soát lạm phát dưới 4%.
“Muốn như vậy, phải tập trung vào 5 mũi giáp công: thu hút đầu tư các thành phần kinh tế, trước hết đầu tư tư nhân, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người. Bây giờ là lúc bàn đến chính sách tăng tốc hay chính sách đòn bẩy. Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, giờ đây tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy” – Thủ tướng nói.
Phục hồi, tái thiết nền kinh tế được đặt lên hàng đầu. Thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển DN, khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách. Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nói khối DN này vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rất cần những chính sách hỗ trợ vừa cấp bách, vừa mang tính lâu dài.
“Công cuộc phòng chống dịch còn kéo dài nên việc chuẩn bị cho DN một tâm thế để sống chung với dịch bệnh và kinh doanh an toàn là vô cùng cần thiết. Nhất định cần đưa ra những giải pháp tổng thể, định hướng chiến lược để giúp DN duy trì sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm cơ hội mới hậu thời Covid -19” – ông Thân nói.
Nhiều DN đồng quan điểm với ông Thân, song cái cần lớn nhất của DN không phải là “xin tiền”, mà cần tạo thuận lợi tối đa về cơ chế. Minh bạch, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, triển khai nhanh các dự án là những giải pháp giúp DN và nền kinh tế có thể tự hồi phục và phát triển sau đại dịch.
Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco nói các giải pháp phục hồi kinh tế cũng như các biện pháp của Chính phủ vào thị trường lúc này cần có sự cân nhắc hài hòa giữa việc giải quyết khó khăn trước mắt với những nguyên tắc của thị trường. Không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt mà phải khuyến khích tinh thần đổi mới với mục tiêu chung là làm sao tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và phù hợp với nền kinh tế thị trường chung của thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói việc kiểm soát tốt dịch bệnh ở Việt Nam đã tạo lợi thế rất lớn để có thể đi trước một bước trong công cuộc phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị trí mới trên trường quốc tế. Chính phủ khẳng định vị trí của DN là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Đại dịch gây bất lợi, nhưng cũng là cơ hội để DN Việt nhìn nhận, sát hạch năng lực thật sự, sức chống chịu, thích ứng trước biến cố thị trường. DN không được trông chờ ỷ lại. Chính phủ cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho DN phát triển. Sẽ quan tâm xử lý giải quyết kiến nghị DN nhanh hơn, thuận lợi hơn. Chính phủ sẽ sớm có một nghị quyết tốt nhất để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển.