Hỗ trợ doanh nghiệp thực thi pháp luật thuế

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 26/06/2014 08:38

Trao đổi với phóng viên (PV), Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam – ông Ngô Bốn khẳng định việc thu đúng, chống nợ đọng thuế, minh bạch, chuyên nghiệp và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thực thi pháp luật thuế là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cơ quan thuế.

PV: Ông có thể đưa ra vài nhận xét về công tác thu thuế hiện nay?

Kết quả tăng thu nhiều năm qua là nhờ DN luôn nỗ lực vượt khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, sản phẩm, mở rộng thị trường… và tăng mức thuế đóng góp cho ngân sách. Cụ thể như Tập đoàn Trường Hải, các DN may mặc, giày da, bia, nước giải khát, du lịch, dịch vụ, thủy điện… Môi trường đầu tư, công tác xúc tiến đầu tư đã được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn khi một số DN thua lỗ, sản xuất đình trệ, giảm khả năng nộp thuế đáng kể so với trước và khó thanh toán nợ thuế tồn đọng. Tập trung nhiều nhất ở các DN khai thác vàng, chế biến thủy sản, vật liệu xây dựng và xây lắp… Hiện nay, chính sách thuế thay đổi hàng năm theo hướng giảm mức huy động để hỗ trợ DN, khuyến khích đầu tư và hội nhập. Ngành thuế phải tập trung hỗ trợ để DN nắm bắt kịp thời và triển khai thực hiện đúng pháp luật để chính sách phát huy hiệu quả, đồng thời phải phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Vì vậy, rất mong các ngành, các cấp và mọi người cảm thông với công tác thuế.

Có thể nói rằng thuế là ngành quản lý nhà nước bằng pháp luật với một hệ thống quy trình triển khai thực hiện và kiểm tra chặt chẽ nên công tác thuế đã và đang được thực thi rất nghiêm túc theo quy định pháp luật so với một số lĩnh vực khác. Vì vậy, việc truy thu thuế, thu tiền phạt, tiền do chậm nộp thuế là lớn nhất và tại địa phương không có thẩm quyền miễn, giảm hay cho qua. Điều đó sẽ đảm bảo tính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả trong công tác thuế mà ngành đang hướng tới. Điều này rất cần sự đồng thuận của người nộp thuế và của toàn xã hội.   

Hướng dẫn người nộp thuế.Ảnh: T.D
Hướng dẫn người nộp thuế.Ảnh: T.D


PV:Nộp thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm của DN, sao lại phải tuyên dương?

Không phải tất cả DN đều thành công trong sản xuất kinh doanh. Có không ít DN thua lỗ, nợ thuế, thậm chí còn bị phạt nữa thì DN nộp thuế tốt xứng đáng được tuyên dương. Đó là một hình thức ghi nhận, đánh giá của nhà nước về thành quả của những nỗ lực đầu tư, tổ chức sản xuất kinh doanh, năng lực đóng góp, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm với nhà nước… Lễ tuyên dương là sự khích lệ tinh thần cần thiết để DN, doanh nhân tiếp tục phấn đấu, nỗ lực cao hơn trong thời gian đến và đóng góp nguồn thu sẽ tăng hơn, bền vững hơn.   

PV: Chính sách thuế luôn luôn thay đổi, chính cán bộ thuế cũng gặp khó khăn trong việc cập nhật thì DN lại càng khó hơn, ngành thuế đã làm gì để giúp đỡ DN thực hiện nghĩa vụ thuế?

Chắc chắn là cán bộ thuế phải tiếp thu, nghiên cứu kỹ và tập huấn cho DN kịp thời, đầy đủ để tổ chức thực hiện. Đã có hàng chục lớp tập huấn chính sách thuế mới với hàng nghìn người thuộc DN, hộ kinh doanh, đơn vị hành chính sự nghiệp tham gia được tổ chức. Ngành thuế cũng đã tổ chức một hệ thống tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế rộng khắp tại trụ sở cơ quan thuế, thường xuyên và luôn sẵn sàng tư vấn, giải thích hướng dẫn, giải đáp mọi vướng mắc về chính sách và thủ tục cho DN dưới các hình thức: gặp trao đổi trực tiếp, điện thoại, email, cổng thông tin điện tử, văn bản giấy…

PV: Làm sao để giải quyết hết hoặc hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng nợ thuế?

Phấn đấu giảm nợ đọng thuế là nhiệm vụ trọng tâm. Sau khi phân loại cụ thể nợ thuế và các khoản thu, cơ quan thuế sẽ tăng cường giải thích, tư vấn, đôn đốc bằng nhiều hình thức để người nộp thuế chấp hành pháp luật thuế. Họ cần được giải thích, hiểu được lợi hại về kinh tế. Chẳng hạn họ sẽ càng khó khăn hơn khi phải chịu phạt tiền chậm nộp. Từ đó, họ sẽ cân đối các nguồn tài chính để ưu tiên thanh toán nợ thuế, cũng là cách giảm khó cho chính mình. Đối với các đơn vị chây ì, dây dưa có khả năng không thu được nợ và thuộc đối tượng phải cưỡng chế thì phải kiên quyết cưỡng chế bằng nhiều biện pháp theo quy định pháp luật để thu hồi nợ. Nếu các khoản thu liên quan đến trách nhiệm nhiều ngành (tiền sử dụng đất, thuê đất, phí, lệ phí), ngành thuế chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành và tham mưu UBND tỉnh để tháo gỡ các vướng mắc, cùng đôn đốc thu hồi nợ. Còn khoản nợ thuế và tiền thuê đất do cơ chế ưu đãi vượt trội của tỉnh trước đây nên các DN không nộp, nợ ngày một tăng nhanh, Cục Thuế tích cực báo cáo, kiến nghị với lãnh đạo tỉnh để sớm có hướng giải quyết hoặc kiến nghị với Trung ương để giải quyết. Ngoài ra, nợ thuế của các DN thuộc các tập đoàn, tổng công ty đã dừng hoạt động chờ giải thể, phá sản, Cục Thuế tích cực phản ánh và kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính hỗ trợ, giải quyết.

PV:Ngành thuế luôn kêu khó mỗi khi chỉ tiêu thu ngân sách năm nào cũng gia tăng, đâu là vấn đề mấu chốt để cho ngành thuế tăng thu?

Tăng thu, trước hết và quan trọng nhất vẫn là dựa vào việc tăng quy mô đầu tư, tái sản xuất, mở rộng đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh mới và kết quả sản xuất kinh doanh của DN. Ngoài ra, đó là từ việc chấp hành pháp luật thuế, thu đúng, thu đủ, kết quả của việc chống thất thu, gian lận và nợ đọng thuế. Ngành thuế kêu khó khi nhận chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm vì chỉ tiêu tăng chưa thật sự có cơ sở, thiếu địa chỉ để dự toán thu chi tiết và dự báo kết quả. Điều đó sẽ dẫn đến bị động trong quản lý, điều hành và tạo rủi ro cao về hụt thu, mất cân đối ngân sách mà thực chất không phải từ nguyên nhân cơ bản là công tác quản lý thu của ngành thuế.

TRỊNH DŨNG (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ doanh nghiệp thực thi pháp luật thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO