Sản xuất công nghiệp, thu ngân sách tiếp tục suy giảm. Doanh nghiệp rời bỏ thị trường gia tăng, tiến độ giải ngân đầu tư công ì ạch. Nền kinh tế địa phương đứng trước nguy cơ suy giảm, chưa biết đến điểm dừng... Đó là những dữ liệu đã được công bố tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hôm qua, 4/5.
Suy giảm
Kinh tế nông nghiệp tiếp tục duy trì mức ổn định. Du lịch phục hồi với lượng khách nước ngoài quay trở lại địa phương gia tăng. Tuy nhiên, tăng trưởng của hai ngành này vẫn không đủ sức kéo toàn nền kinh tế địa phương vượt khỏi cơn suy thoái trước diễn biến bất thường của thị trường.
Theo phân tích của Cục Thống kê, sản xuất đồ uống, da và các sản phẩm có liên quan có tăng trưởng chút ít (22,2% và 6,4%), nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp liên tiếp giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022 (lần lượt giảm từng tháng là -42,6%, - 20,9%, -21,5% và – 32,7%).
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 4 giảm 12,8% so tháng trước (4 tháng giảm 29,8%), tập trung nhiều nhất là sự suy giảm ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 33,4%), sản xuất chế biến thực phẩm (giảm 16,5%), ngành dệt (giảm 23,1%).
Theo ông Lê Nho Hùng – Phó Cục trưởng Cục Thống kê, con số trên cho thấy bức tranh sản xuất công nghiệp địa phương đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn. Nguyên nhân chính là doanh nghiệp chưa hồi phục hoàn toàn. Sự bất ổn, khó khăn về thị trường, thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, nguồn vật tư khan hiếm... đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất.
Đáng lo ngại nhất của việc sản xuất thu hẹp, suy giảm là thất nghiệp có nguy cơ gia tăng. Sản xuất, kinh doanh khó, nhiều doanh nghiệp buộc phải cơ cấu kế hoạch sản xuất, giảm giờ làm hoặc cắt giảm lao động để bớt chi phí đầu vào.
Thống kê cho thấy chỉ số sử dụng lao động trong tháng 4/2023 đã giảm 0,15% so tháng trước và giảm đến 7,6% so cùng thời điểm năm 2022. Sụt giảm sản xuất, kinh doanh kéo theo tổng thu ngân sách nhà nước chỉ bằng 31% dự toán năm, giảm 31% so cùng kỳ (thu nội địa gần 6,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31% dự toán, giảm 29% so cùng kỳ và thu xuất nhập khẩu bằng 31%, giảm 51% so cùng kỳ).
Giải ngân vốn đầu tư công được xem là một trong những động lực để vực dậy tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế suy thoái cũng không khá hơn khi nguồn ngân sách địa phương quản lý chỉ giải ngân khoảng 8,4% và ngân sách trung ương giải ngân 5,2%.
Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT, thị trường ô tô ảm đạm, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm đáng kể. Nền kinh tế Quảng Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo đình trệ, giảm sâu, doanh nghiệp rời bỏ thị trường gia tăng (tăng 12,7%), thu ngân sách giảm, giải ngân chậm...
Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính nói thu ngân sách giảm, nhưng không đáng lo. Cơ bản đã đạt tiến độ đề ra. Sự khác biệt cho thấy khi ô tô thu giảm thì những lĩnh vực thu các năm không đạt tiến độ như thủy điện hay Nam Hội An đã gia tăng đáng kể, bù đắp chi tiêu trong thời khắc khó khăn của ngân sách.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay du lịch phục hồi, nhưng thiếu các sản phẩm mới, nhất là không có kinh tế đêm đã khiến địa phương không thể giữ khách lưu trú thêm nhiều ngày tại địa phương và không thể buộc du khách móc thêm hầu bao để chi tiêu. Cần cơ chế, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển thêm sản phẩm du lịch mới.
Không chỉ sản xuất công nghiệp đình trệ, thương mại cũng nằm trong vòng xoáy suy thoái. Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương nói chưa thể hoàn tất đề án tạo ra cụm liên kết ngành.
Thương mại đang gặp khó khăn, kéo theo nguy cơ lượng lớn lao động bị sa thải. Không còn cách nào khác hơn trong hiện tại là buộc phải mở nhiều cuộc xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm để thu hút các nhà đầu tư và mở rộng thị trường giao thương cho các doanh nghiệp địa phương.
Có thể dễ dàng nhìn thấy, công nghiệp là ngành tạo ra giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều nguồn thu cho ngân sách và giải quyết lao động, nên mọi hướng kích cầu hay nỗ lực tháo gỡ khó khăn đều tập trung vào khu vực này.
Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì tăng cường thu hút đầu tư là chuyện phải được đặt lên hàng đầu. Chính quyền địa phương phải mạnh dạn chọn những khu vực ven Đà Nẵng, nhanh chóng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thí điểm mô hình kinh tế đêm để giữ, thu hút khách ở lại, chi tiêu.
Trước sự suy giảm và khó khăn của nền kinh tế, chính quyền Quảng Nam đã yêu cầu Sở LĐ-TB&XH phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh theo dõi chặt chẽ các biến động lao động tại các nhà máy, xí nghiệp để có thể đưa ra các biện pháp xử lý, tránh tình trạng thất nghiệp diễn ra trên diện rộng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, các ngành, các cấp cần theo dõi chặt diễn biến, tìm ra nguyên nhân suy giảm của nền kinh tế, dự báo các tác động đến thất nghiệp để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Các ban quản lý, địa phương thường xuyên rà soát, đánh giá tiến độ giải ngân, đẩy mạnh thi công công trình, đưa vốn vào nền kinh tế để luân chuyển dòng tiền, tạo ra việc làm, mua sắm... thúc đẩy tăng trưởng. Nhiễm mặn, cháy rừng có nguy cơ trong mùa nắng kéo dài và dự lường công tác dịch bệnh, không để bùng phát, gây nguy hại đến nền kinh tế.
“Kinh tế khó khăn. Tốc độ tăng trưởng thấp. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm dần là cảnh báo bất an của nền kinh tế. Việc tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp, thực thi các chính sách giảm thuế, hỗ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp có đà hồi phục, hạn chế thấp nhất việc suy giảm là điều cần làm ngay.
Phát triển sản xuất, kinh doanh hay không phụ thuộc nhiều vào chính năng lực nội tại của doanh nghiệp. Nhưng ngay lúc này và hơn bao giờ hết, Nhà nước phải chìa bàn tay ra, can thiệp vào để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, giúp doanh nghiệp tìm được con đường ngắn nhất để sống sót và phát triển” - ông Thanh nói.