Hôm qua 21/12, Sở Công Thương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo về tận dụng các FTA thế hệ mới đối với ngành quế tại Quảng Nam. Qua đó trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành quế, giúp doanh nghiệp của tỉnh tận dụng tốt hơn các FTA.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó có 16 FTA đã ký kết và thực thi, 3 FTA đang trong quá trình đàm phán, và là quốc gia duy nhất ký kết Hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga...
Các FTA này cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều lợi thế thúc đẩy hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp, mang sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đến tay người tiêu dùng cuối cùng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: “Thời gian qua, các hiệp định thương mại tự do này đã đóng góp tích cực cho kết quả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.
Các doanh nghiệp ngày càng tận dụng tốt các ưu đãi trong FTA để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước ở tất cả ngành hàng, trong đó có nông sản, dược liệu”.
Với Quảng Nam, số liệu từ Sở Công Thương cung cấp cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh có sự phát triển mạnh, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường, khai thác lợi thế của địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu tỉnh Quảng Nam năm 2023 ước đạt 1.828,8 triệu USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.218,8 triệu USD, giảm 32% so với cùng kỳ.
Ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Riêng đối với hàng nông sản, trong đó có quế, hầu hết đều được thu mua qua thương lái và xuất khẩu tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc, chưa có doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài. Diện tích trồng nguyên liệu các mặt hàng nông sản chủ lực như sâm, quế, măng cụt, dưa hấu, chuối… còn ít, chưa tập trung.
Nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, nghiên cứu phát triển chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nguồn nguyên liệu sản xuất chưa có tính ổn định cao, chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường xuất khẩu. Đó là những mặt tồn tại cần được nhìn nhận để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu đối với từng mặt hàng, trong đó có quế.
Hy vọng sẽ có nhiều thông tin hữu ích giúp người dân, doanh nghiệp trồng, thu mua, chế biến các sản phẩm liên quan về cây quế có thể phát triển sản xuất, tiêu thụ được sản phẩm quế, qua đó tận dụng tối đa cơ hội, hạn chế rủi ro từ các hiệp định thương mại tự do để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa của mình”.
Sở Công Thương cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để các doanh nghiệp, đơn vị gia tăng cơ hội tiếp cận, xuất khẩu hàng hóa. Như thông tin cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia các đoàn giao dịch thương mại tổ chức sang các nước Nhật Bản, Uzbekistan, Bulgaria, Úc, Hungary, Úc… nhằm tìm hiểu thị trường, ký kết hợp đồng, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư, giới thiệu các đơn vị, doanh nghiệp uy tín, có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường.
Trong năm 2023 đã tổ chức nhiều hoạt động chương trình xúc tiến thương mại tại các tỉnh thành trong và ngoài nước, như Ngày hội quảng bá các sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam tại huyện Bắc Trà My gắn với Lễ hội quế Bắc Trà My; Chương trình “Ngày hội sản phẩm Quảng Nam” tại TP.Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, TP.Hà Nội; tham gia trưng bày tại Diễn đàn kết nối thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch Việt Nam – Lào – Thái Lan tại tỉnh Chămpasak; tham gia gian hàng triển lãm tại Triển lãm các địa phương nước ngoài kết nghĩa với Quảng Tây - Trung Quốc, trong khuôn khổ Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 (CAEXPO 2023)”; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP Quảng Nam tại thành phố Thượng Hải và Giang Tô; tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại tại các tỉnh thành...
Qua các hoạt động đã tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc thù của tỉnh để đẩy mạnh phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định, hướng tới xuất khẩu.