Bằng các hoạt động thiết thực, cụ thể, những năm gần đây huyện Đông Giang thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp và các cá nhân thanh niên địa phương khởi nghiệp sáng tạo, làm giàu trên quê hương miền núi.
Chị Nguyễn Thị Thảo - chủ cơ sở sản xuất Thu Thảo thành công với mô hình khởi nghiệp từ đặc sản miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đông Giang Phạm Xuân Vân, thời gian qua, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương còn nhiều khó khăn, song công tác hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp luôn được các cấp chính quyền trên địa bàn huyện quan tâm, chú trọng. Nổi bật là các hoạt động khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân là chủ các cơ sở sản xuất có những sáng tạo trong việc đổi mới tư duy phát triển kinh tế, làm giàu thông qua việc khởi nghiệp từ đặc sản miền núi. Nhiều nông sản đặc trưng của vùng như ớt ariêu, chè dây razéh, củ ka kun, nấm lim xanh… đã dần trở thành các mặt hàng chủ lực, đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người dân địa phương. Tiêu biểu như cơ sở sản xuất Thu Thảo, Hoàng Oanh (thị trấn P’rao); Tổ hợp tác chè dây razéh (xã Tư); Hợp tác xã nông lâm nghiệp Ma Cooih (xã Ma Cooih)… đã có bước chuyển đáng ghi nhận trong việc khai thác, chế biến đặc sản của vùng thành sản phẩm đặc trưng bán ra thị trường trong và ngoài huyện. “Trước đây, địa phương đã triển khai đề án hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm cho một số đơn vị, với mục tiêu góp sức đưa đặc sản miền núi Đông Giang ra thị trường bên ngoài. Từ đề án này, chúng tôi đã hỗ trợ hướng dẫn và lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu sở hữu cho một số đơn vị hoạt động, đảm bảo quyền lợi trong việc kinh doanh, nhằm mở hướng đưa các sản phẩm đặc trưng của vùng ra thị trường ổn định” - ông Vân cho hay.
Cũng theo ông Vân, việc khuyến khích để doanh nghiệp phát triển trong khởi nghiệp tại địa phương những năm gần đây mang tính chất hỗ trợ nhỏ lẻ ban đầu, chứ chưa thực sự tạo được “cú hích” mạnh mẽ để doanh nghiệp phát triển. Trong khi đó, do khó khăn đặc thù của miền núi nên công tác khởi nghiệp trên địa bàn huyện vẫn chưa có bước đột phá mới thu hút đầu tư, cũng như chưa mạnh dạn mở rộng quy mô đầu tư phát triển trong lĩnh vực kinh doanh. Chưa kể, sản phẩm đưa ra thị trường của một số đơn vị doanh nghiệp khá trùng lặp, chủ yếu là các nông sản đặc trưng của địa phương. Vì thế, để ổn định thị trường, tạo tính cạnh tranh trong phát triển, các đơn vị, doanh nghiệp cần tìm hướng đi mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhất là chú trọng đưa những sản phẩm đặc trưng, có chất lượng cao ra thị trường. Có như thế, việc đầu tư khởi nghiệp mới đem lại hiệu quả, khuyến khích mở rộng đối tượng làm giàu, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số. “Những năm gần đây, từ nguồn vốn sự nghiệp khuyến công địa phương, chúng tôi đã triển khai thực hiện nhiều nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển ổn định theo nhu cầu của đơn vị. Chỉ tính trong năm 2017 này, chúng tôi đã lập kế hoạch tổng hợp danh mục đề án thực hiện với số tiền 330 triệu đồng” - ông Vân cho biết thêm.
Khuyến khích thanh niên làm giàu
Không chỉ quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian gần đây, huyện Đông Giang còn đặc biệt chú trọng và khuyến khích thanh niên địa phương khởi nghiệp. Theo đó, cùng với các hoạt động hỗ trợ cụ thể, chính quyền địa phương còn triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư, cũng như chia sẻ và tìm hướng thoát nghèo cho thanh niên miền núi. Bí thư Huyện đoàn Đông Giang - anh Đỗ Hữu Tùng chia sẻ, từ thực tế khó khăn trong đời sống của thanh niên ở địa phương, Huyện đoàn đã xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều cuộc đối thoại, diễn đàn, tập huấn liên quan đến việc khởi nghiệp cho các bạn trẻ. Thông qua các chương trình này nhằm tư vấn, định hướng nghề nghiệp và truyền đạt kinh nghiệm, cũng như giao lưu các mô hình kinh tế tiêu biểu của thanh niên trên địa bàn, tạo cơ hội để các bạn trẻ được chia sẻ, trao đổi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong khởi sự, lập nghiệp, cũng như những ý tưởng trong kinh doanh, thị trường… “Từ những câu chuyện về khởi nghiệp của một số bạn trẻ thành công với mô hình phát triển kinh tế, chúng tôi mong muốn sẽ khuyến khích thêm nhiều thanh niên mạnh dạn trong việc làm giàu cho bản thân, gia đình. Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp về vốn vay, chúng tôi cũng tư vấn cho thanh niên nắm bắt và kịp thời tiếp cận với một số chính sách, nguồn vốn ưu tiên của Chính phủ cho việc khởi nghiệp, từng bước giúp các bạn trẻ có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu trên quê hương miền núi” - anh Tùng chia sẻ.
Là một trong số gương mặt thanh niên tiêu biểu trong khởi nghiệp tại địa phương, Zơrâm Achút (dân tộc Cơ Tu, ở thôn Tà Vạc, thị trấn P’rao) được biết đến với nhiều mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng đem lại hiệu quả. Chia sẻ tại diễn đàn đối thoại “Đảng với thanh niên - Thanh niên với Đảng” do Huyện đoàn Đông Giang tổ chức mới đây, Achút không ngần ngại đưa ra câu chuyện thất bại, khó khăn của bản thân lúc khởi nghiệp. Thiếu nguồn vốn, thiếu kiến thức, kỹ năng khiến Achút không thể tìm ra hướng đi mới để khởi nghiệp. Có những lúc anh nản lòng và có ý định từ bỏ, nhưng nhờ có sự hỗ trợ của địa phương, Achút đã mạnh dạn tìm nguồn vay để tiếp tục phát triển mô hình. Rồi Achút thành công, trở thành tấm gương khởi nghiệp cho nhiều thanh niên tại địa phương. “Mình dựa vào rừng để phát triển kinh tế để làm giàu, đó là lợi thế của miền núi. Nhưng điều quan trọng là cần phải biết nắm bắt cơ hội, am hiểu nhu cầu của thị trường và có mục tiêu làm giàu chính đáng” - Achút bộc bạch.
Cũng tại diễn đàn này, Bí thư Huyện ủy Đông Giang - ông Đỗ Tài nhấn mạnh, địa phương luôn quan tâm đến việc khởi nghiệp và ý tưởng làm giàu của thanh niên. Vì thế, thanh niên nếu có quyết tâm khởi nghiệp, địa phương sẵn sàng hỗ trợ nguồn vốn, tạo điều kiện xây dựng mô hình. “Không sợ thiếu vốn, chỉ sợ thanh niên không có quyết tâm làm giàu” là thông điệp mà ông Đỗ Tài nhắn nhủ đến với thanh niên địa phương.
ALĂNG NGƯỚC