Hỗ trợ kỹ thuật quản lý rừng bền vững

ALĂNG NGƯỚC 05/05/2022 05:42

Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) cam kết hỗ trợ kỹ thuật rừng trồng lâu dài, đồng thời huy động nguồn lực, tạo mối liên kết giữa các nhà chế biến gỗ, góp phần thúc đẩy người dân tham gia chương trình trồng và sản xuất gỗ lớn.

Các đơn vị ký kết hợp tác trong hợp phần dự án quản lý rừng bền vững. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Các đơn vị ký kết hợp tác trong hợp phần dự án quản lý rừng bền vững. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Xây dựng chuỗi giá trị lâm sản

Là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn thứ 2 cả nước, những năm qua, Quảng Nam “đón đầu” cơ hội phát triển và khai thác chuỗi giá trị nông - lâm sản từ các dự án hỗ trợ của Chính phủ và tổ chức quốc tế. Dự án VFBC triển khai từ năm 2021, Quảng Nam được tham gia cả 2 hợp phần quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học.

TS. Vũ Văn Hưng - Giám đốc Ban quản lý Dự án VFBC cho biết, đối với hợp phần quản lý rừng bền vững tại Quảng Nam, dự án chú trọng đến các hoạt động thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, thông qua việc phát triển các chuỗi giá trị và thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp thân thiện với môi trường.

Trên cơ sở cải tiến giải pháp kỹ thuật quản lý rừng sản xuất, dự án mong muốn tăng cường sản xuất gỗ bền vững, gia tăng nhu cầu gỗ có chứng chỉ, cũng như kết nối thị trường giữa chủ rừng và các doanh nghiệp chế biến gỗ.

Dự án VFBC triển khai từ năm 2021 - 2026, do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với tổng nguồn kinh phí hơn 25 triệu USD. Mục tiêu của dự án, ngoài giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ cacbon trong rừng, còn bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực rừng có giá trị cao về đa dạng sinh hóa của quốc gia. Tại Quảng Nam, dự án được triển khai theo 2 hợp phần, với tổng kinh phí gần 3 triệu USD.

Tăng cường năng lực cho cộng đồng các địa phương trong bảo vệ tài nguyên rừng, giảm phát thải khí nhà kính, tạo dựng nền tảng cho các hoạt động sinh kế bền vững và tăng trưởng kinh tế, mới đây, dự án VFBC ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Lâm nghiệp Thiện Hoàng, Hợp tác xã Cau sấy Tiên Phước và Hợp tác xã Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam.

Đây là hoạt động kết nối nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp với hoạt động đầu tư, hỗ trợ sinh kế bền vững cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, góp phần chuyển đổi nền kinh tế phát thải thấp và tăng trưởng xanh, hướng đến việc trồng rừng và sản xuất gỗ lớn tại Quảng Nam.

“Không chỉ tạo gắn kết, thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp với các hoạt động của dự án, chương trình ký kết còn được kỳ vọng sẽ là cầu nối giúp hỗ trợ các chủ rừng, nhóm hộ trong địa bàn quản lý và kinh doanh rừng bền vững đạt được chứng chỉ về rừng trồng, hướng đến mở rộng sản xuất gỗ lớn, tạo sinh kế ổn định, góp phần bảo vệ rừng hiệu quả” - ông Hưng nói.

Giúp làm giàu từ rừng

Bà Phan Vũ Hoài Vui - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam cho biết, với hoạt động kinh doanh chính là trồng rừng, ươm giống cây lâm nghiệp và sản xuất kinh doanh hàng mỹ nghệ từ mo cau, những năm qua, đơn vị luôn mở rộng quy mô hoạt động, xem đó là hướng đi mới giúp làm giàu chính đáng từ rừng.

Các sản phẩm nông - lâm nghiệp được sản xuất, kinh doanh theo mô hình hợp tác xã đem lại hiệu quả kinh tế tại miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Các sản phẩm nông - lâm nghiệp được sản xuất, kinh doanh theo mô hình hợp tác xã đem lại hiệu quả kinh tế tại miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Sau gần 2 năm hoạt động, hợp tác xã hiện có khoảng 150 hộ dân tham gia cung cấp bẹ cau, với 10 điểm thu mua chính. Đến nay, đơn vị sản xuất được 16 mẫu sản phẩm từ mo cau như đĩa, ly, bát, đũa, hộp đựng cơm… mang thương hiệu “Mo cau xứ Tiên”. Trung bình mỗi năm bán ra thị trường khoảng hơn 360.000 sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế khá rõ nét.

“Trong định hướng phát triển của hợp tác xã, bên cạnh đa dạng sản phẩm nhằm ổn định và phát triển thị trường, đơn vị đặt mục tiêu phát triển kinh tế gắn với giải quyết vấn đề môi trường, cũng như phát triển sinh kế cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng tại địa phương.

Ngoài tăng số hộ liên kết từ 150 lên 400 hộ và thành lập thêm 10 điểm thu mua, mỗi năm chúng tôi dự kiến sẽ thu mua từ các hộ liên kết khoảng 600.000 bẹ cau; đồng thời dạy nghề, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương” - bà Vui cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, xác định vai trò của ngành lâm nghiệp đối với phát triển kinh tế xã hội, những năm qua, bên cạnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách trong việc khai thác giá trị lâm sản bền vững, nhất là sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng, Quảng Nam từng bước phát triển hiệu quả mô hình kinh tế vườn và kinh tế trang trại. Trong đó, tỉnh cũng đang hướng đến phát triển mạnh cây măng cụt tại các huyện trung du, miền núi, tạo sinh kế để người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

“Cùng với quyết tâm giữ rừng và tạo sinh kế dưới tán rừng nhiều hơn cho người dân, Quảng Nam đang hướng đến duy trì các điểm đến du lịch xanh, tạo không gian sống thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, giúp bảo vệ môi trường cũng như sinh kế người dân ngày càng thiết thực” - ông Bửu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ kỹ thuật quản lý rừng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO