Hỗ trợ lao động ngành du lịch mất việc làm

VĨNH LỘC 29/08/2021 07:31

Qua gần 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, rất nhiều lao động trên địa bàn tỉnh đã mất việc làm, đặc biệt lao động ngành du lịch. Dù vậy việc triển khai các chương trình hỗ trợ của nhà nước vẫn chưa như kỳ vọng.

Việc hỗ trợ cho lao động ngành du lịch theo Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh vẫn còn chậm.
Việc hỗ trợ cho lao động ngành du lịch theo Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh vẫn còn chậm.

Lao động e ngại

Bà Nguyễn Thị Thu (phường Minh An, TP.Hội An) làm việc cho một cơ sở spa khu vực chợ đêm Nguyễn Hoàng. Tuy nhiên, hơn một năm nay bà Thu phải ở nhà vì vắng khách du lịch.

Để có thu nhập, bà mở quán cà phê “cóc” bán cho người lao động khu phố nhưng ế ẩm, phải đóng cửa sau một tháng hoạt động, số tiền tích lũy từ trước cũng cạn dần. “Bây giờ tôi chưa biết tính thế nào”, bà Thu nói. Ước tính Hội An khoảng hơn 10 nghìn lao động có hoàn cảnh tương tự bà Thu. Rất nhiều người trong số đó đang bí bách sinh kế.

Ngày 24.7, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 22.7.2021 của HĐND tỉnh về hỗ trợ người lao động không giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ ngày 1.5.2021 đến hết ngày 31.12.2021 với mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày (nhưng không quá 2 triệu đồng/người). Tuy nhiên, thông tin này không khiến bà Thu hào hứng.

“Năm ngoái có gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, tôi mừng lắm làm đơn, nhưng cuối cùng chẳng được gì, nên bây giờ cũng không mặn mà” - bà Thu nói thêm. Không riêng bà Thu, một số lao động du lịch nghỉ việc cũng tỏ ra dè dặt với chương trình hỗ trợ lần này, dù ai cũng khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Yến (xã Cẩm Thanh, Hội An), thời điểm này nhà nước cho bao nhiêu cũng quý nhưng để cầm được tiền trong tay lại là câu chuyện khác. Trong đợt hỗ trợ trước, bà Yến cũng đã làm đơn xin cứu xét, nhưng kết quả bị loại, thậm chí hồ sơ không được phản hồi. Điều này khiến bà e ngại với gói hỗ trợ hiện nay. Bà Yến làm việc cho một công ty lặn biển ở Cù Lao Chàm.

Liên quan đến Quyết định 1956 (ngày 14.7.2021 của UBND tỉnh) về việc hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch có thẻ còn thời hạn sử dụng, đến ngày 26.8 Sở VH-TT&DL đã thẩm định và hỗ trợ cho 36 hướng dẫn viên (trong tổng số 325 người được cấp thẻ), số tiền 3,71 triệu đồng/người. Tuy nhiên, với 84 thuyết minh viên du lịch tại điểm vẫn chưa được hỗ trợ vì phải chờ văn bản hướng dẫn thêm từ Bộ VH-TT&DL.

Với khoảng 80% lao động liên quan đến ngành du lịch dịch vụ, nên khi dịch Covid-19 bùng phát, khách không đến, đồng nghĩa hơn 10 nghìn lao động làm việc trong các lĩnh vực du lịch của Hội An thất nghiệp.

Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh ra đời được xem là sự hỗ trợ kịp thời cho nhiều hoàn cảnh khó khăn tại thành phố. Dù vậy, thực tế qua hơn một tháng triển khai hầu như chưa ai nhận được sự hỗ trợ, thậm chí nhiều lao động vẫn chưa biết có chương trình hỗ trợ.

Bà Lê Phương Đức - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An thừa nhận, thời gian qua phòng nhận được rất ít hồ sơ, nguyên nhân là thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và trước đó là Chỉ thị 16 nên người lao động không thể đến xã, phường kê khai nộp hồ sơ được, mặc dù phòng đã triển khai từ sớm. Thống kê tới ngày 26.8 phòng mới tiếp nhận được gần 700 hồ sơ từ một số xã, phường gửi về, hiện trong quá trình thẩm định.

Đẩy nhanh hỗ trợ

Con số của năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 14 nghìn lao động làm việc trong ngành du lịch dịch vụ, chủ yếu ở các địa phương Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên. Qua gần 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, hầu hết bị doanh nghiệp thanh lý hợp đồng, trở thành lao động tự do. Nhiều người trong số này cuộc sống rất khó khăn, cần được giúp đỡ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau số tiền nhà nước hỗ trợ đến tay người lao động vẫn chưa như mong muốn.

Tại thị xã Điện Bàn, tính đến ngày 26.8 đã tiếp nhận, hỗ trợ cho khoảng 630 người theo Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh với tổng số tiền hơn 1,27 tỷ đồng, khoảng 20% trong số này là lao động liên quan đến ngành du lịch dịch vụ, chủ yếu tập trung tại 5 xã phường là Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Phước, Điện Phong, Điện An.

Theo bà Trần Thị Trị - Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Điện Bàn, so với lần trước, đợt hỗ trợ này thủ tục đơn giản hơn, người lao động chỉ cần đến xã, phường kê khai theo mẫu, sau đó các địa phương sẽ ra soát trước khi gửi về phòng LĐ-TB&XH thẩm định hỗ trợ, nhưng do Điện Bàn đang thực hiện Chỉ thị 16 nên một số địa phương chưa triển khai được.

Ngày 23.8, UBND tỉnh ban hành Công văn số 5539 yêu cầu các địa phương, sở ngành liên quan khẩn trương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh về các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cụ thể, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nắm rõ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và thực hiện đúng quy định các chính sách hỗ trợ; xác định đúng đối tượng, điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục, giải ngân kinh phí hỗ trợ kịp thời cho đối tượng…

Bà Lê Thị Châu Trinh - Phó phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL) cho rằng, đây là động thái rất kịp thời và cần thiết của UBND tỉnh nhằm nhanh chóng giúp người lao động vượt qua khó khăn hiện nay. Thời gian qua phòng cũng đã tham mưu Sở VH-TT&DL gửi hướng dẫn đến tất cả doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thông báo nhân viên về địa phương kê khai hồ sơ hỗ trợ.

Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài ngày, nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên nên việc kết nối người lao động gặp trở ngại. Do đó, các địa phương cần tăng cường thông tin để người lao động được biết đến đăng ký nhận hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ lao động ngành du lịch mất việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO