Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người

DIỄM LỆ 28/06/2016 09:30

Sau 5 năm triển khai Chương trình chấm dứt mua bán người (gọi tắt là ETIP) do tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam hỗ trợ, tại Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả. Dự án kết thúc đã đặt ra những vấn đề mới trong ngăn chặn, phòng ngừa nạn mua bán người trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Góp phần phòng ngừa, ngăn chặn

Chương trình ETIP là một hoạt động nhằm giảm bớt nguy cơ dẫn đến mua bán người, cung cấp hỗ trợ nạn nhân của mua bán người, vận động để cải thiện các chính sách phòng chống mua bán người và việc thực thi chính sách. Chương trình ETIP do tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam tài trợ thực hiện tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Yên Bái và cấp quốc gia. Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Chương trình được thực hiện từ tháng 10.2011 đến tháng 6.2016, gồm 3 dự án hợp phần là phòng ngừa, bảo vệ nạn nhân và vận động chính sách. Tại Quảng Nam, Sở LĐ-TB&XH được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phối hợp với tổ chức Tầm nhìn Thế giới quốc tế tại Việt Nam thực hiện các hoạt động của dự án Bảo vệ nạn nhân giai đoạn 2012 - 2016, với tổng nguồn kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng. Các hoạt động chủ yếu gồm hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân, tập huấn nâng cao năng lực, giám sát…”.

Một nạn nhân bị mua bán người được hỗ trợ sinh kế là con bò giống. Ảnh: D.L
Một nạn nhân bị mua bán người được hỗ trợ sinh kế là con bò giống. Ảnh: D.L

Chương trình được triển khai ở Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ phía cơ quan nhà nước và đạt được thành công bước đầu trong việc phòng ngừa, ngăn chặn nạn mua bán người cũng như hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Ông Huỳnh Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH) thông tin, khi bắt đầu triển khai dự án, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức rà soát người đi khỏi địa phương không rõ tung tích, nạn nhân bị mua bán, người có dấu hiệu là nạn nhân bị mua bán và cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Qua đó, đã rà soát danh sách gồm 44 người đi khỏi địa phương không rõ tung tích, 16 nạn nhân bị mua bán vào năm 2014; năm 2015 tăng lên 46 người đi khỏi địa phương không rõ tung tích. Trên cơ sở này, Sở LĐ-TB&XH đã xác định được trong số 16 nạn nhân bị mua bán vào năm 2014, có 4 nạn nhân bị bán sang Trung Quốc đã trở về cư trú tại địa phương; 2 nạn nhân bị bán sang Trung Quốc sau đó cưới chồng là người Trung Quốc và sinh con, có quay về thăm gia đình tại địa phương và trở lại Trung Quốc; 1 nạn nhân bị bán sang Úc; 1 nạn nhân bị bán sang Mỹ và 8 nạn nhân bị bán sang Trung Quốc chưa trở về lại địa phương.

Hỗ trợ nạn nhân

Trên cơ sở bàn giao của ngành công an, Sở LĐ-TB&XH đã tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ 10 nạn nhân bị mua bán người. Trong đó, 5 nạn nhân được hỗ trợ sinh kế tái hòa nhập cộng đồng, 4 nạn nhân người An Giang được Công an tỉnh giải cứu, bàn giao Sở LĐ-TB&XH đưa vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh trợ giúp pháp lý, y tế, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và tái hòa nhập cộng đồng; chuyển 1 nạn nhân huyện Nam Giang đi Hà Nội học văn hóa, học nghề. Bà Nguyễn Hải Anh - Điều phối viên Chương trình ETIP đánh giá rằng đối với nạn nhân bị mua bán trở về, việc đầu tiên là hỗ trợ để họ tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có sự nhận thức của gia đình, của cộng đồng xung quanh là thách thức đầu tiên. Đồng thời nạn nhân bị mua bán người khi trở về luôn đối mặt với mặc cảm, tự ti, không dám gặp gỡ người thân, hàng xóm. Vì thế, dự án Bảo vệ nạn nhân được thực hiện tại Quảng Nam đã tiếp cận với nạn nhân và gia đình họ nhằm tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng. Qua đó có sự chuyển biến đáng kể, hạn chế sự dò xét, kỳ thị khi nạn nhân trở về quê hương, có cơ hội được lắng nghe bởi gia đình, những người xung quanh và chính quyền địa phương, tạo thuận lợi trong quá trình hòa nhập. Bà Hải Anh cho biết: “Trong 5 năm qua, số lượng người được hỗ trợ trở về trong thực tế chưa nhiều nhưng mang lại hiệu quả về chiều sâu cho những người được hỗ trợ vì cách tiếp cận toàn diện và lấy nạn nhân làm trung tâm. Tại Quảng Nam, 5 trường hợp hỗ trợ đã trở lại với cuộc sống đời thường, kinh tế ổn định, gia đình hạnh phúc là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của những người thực hiện dự án, của chính quyền địa phương”.

Đặc biệt, sự hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân tại tỉnh đã cho thấy rõ hiệu quả thiết thực của dự án. Theo đánh giá của Chương trình ETIP thì các hình thức trợ giúp khác nhau, trong đó hỗ trợ về kinh tế rất quan trọng, giúp nạn nhân cải thiện điều kiện kinh tế của bản thân, thậm chí lập gia đình và ổn định kinh tế, nuôi con cái ăn học. Dự án kết thúc trên địa bàn tỉnh, nhưng đặt ra nhiều vấn đề trong việc duy trì hỗ trợ đối với những cơ quan, đơn vị làm công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người. Chương trình ETIP đã khuyến nghị ngành LĐ-TB&XH cùng với Hội LHPN từ tỉnh đến huyện, xã nơi có nạn nhân được hỗ trợ trở về cần liên hệ hoặc cộng tác với một tổ chức chuyên cung cấp trợ giúp về tình cảm và tâm lý cho nạn nhân, giúp họ giảm bớt rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý, thân thể và tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng bằng cách duy trì hỗ trợ kinh tế thiết thực.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO